Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Về làng Vân xem hội vật cầu nước có một không hai

(TT&VH Online) - Vật cầu nước làng Vân xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang diễn ra trong 3 ngày từ 12 đến 14 tháng tư âm lịch. Một số nơi trong cả nước cũng có vật cầu nhưng vật cầu nước thì chỉ có ở làng Vân.

Lễ hội vật cầu làng Vân được tổ chức từ 22 đến ngày 24 tháng 4 âm lịch hàng năm tại đền Chính. Vì đây là vùng đất trũng hay bị lụt lội cho nên những năm sau này, để tránh lụt lội, hội vật cầu được tổ chức trong ba ngày: 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch. Quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Nó được mang, được vác, được tung từ Đông sang Tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai. Đó là nhu cầu hết sức bức thiết của cư dân nông nghiệp, là niềm mong mỏi hàng dầu của cư dân trồng lúa.

Lễ hội vật cầu nước có một không hai ở làng Vân
Tuyển lựa khắt khe

Thường trước khi hội mở 2 ngày, các cụ trong ban khánh tiết ra mở cửa đền để dọn dẹp, vệ sinh, lau chùi các đồ thờ phụng sau đó làm lễ tắm rửa cho nhà thánh bằng rượu gừng. Tiếp đó, chủ tế làm lễ phong áo tức là mặc áo vóc đại hồng cho nhà thánh rồi làm lễ an vị và kéo cờ hội. Bên ngoài đền, ban khánh tiết phân công người tổng vệ sinh trong khu vực hội. Đặc biệt sân cầu phải được xới xáo cẩn thận, dọn dẹp sạch sẽ. Làng lại cử ra hai cô gái trẻ đẹp nết na, chưa có chồng, mặc trang phục truyền thống của phụ nữ vùng Kinh Bắc, gánh nước từ sông Cầu đổ vào sân cầu. Đồ gánh phải là đòn gánh cong, quang song và gánh bằng hai chĩnh gốm Thổ Hà.

Đặc biệt, việc tuyển chọn quân cầu được đặt ra rất khắt khe. Tổng số quân cầu được chọn là 16 người, đều phải là trai chưa vợ, khỏe mạnh, không có tang bụi, không có bệnh tật, dị tật, không có can phạm, can án. Tất cả quân cầu đều được huấn luyện 3 buổi chiều trước khi hội mở.

Đền Chính thờ đức thánh Tam Giang Trương Hống - Trương Hát. Tục truyền rằng, trước đây hai anh em Trương Hống, Trương Hát phò Triệu Quang Phục đánh giặc, khi đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch bị bọn quỷ đen ở đầm quấy quả, chúng xông ra chống lại quân nhà thánh. Hai bên xung trận, bọn quỷ ra điều kiện rằng, nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn. Còn nếu thua, chúng sẽ phải quy phục theo hầu nhà thánh. Chiến trận xảy ra, cuối cùng bọn quỷ đen bị thua trận đã phải quy phục đức thánh Tam Giang ở đây. Dân làng Vân mở hội vật cầu (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của đức thánh với ý nghĩa là hội mừng chiến thắng. Bên cạnh đó vật cầu còn thể hiện mong muốn của cư dân trồng lúa nước đó là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Khi công việc chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất cũng là lúc lễ hội diễn ra. Vào những ngày thường, sắc phong của đức thánh làng Vân được bảo lưu ở đền Trung. Đến ngày hội, người ta tổ chức rước sắc về đền Chính. Sau khi hành lễ tại đền Chính, xóm đăng cai hội năm đó được nhận cầu từ tay chủ tế rước từ trong hậu cung đền ra sân để chuẩn bị vào nội dung chính của hội vật cầu.

Vào hội

Đến giờ quy định, các quân cầu được người luyện quân đưa ra sân hội. Quân cầu cởi trần đóng khố, ngoài khoác áo dài the xếp thành bốn hàng dọc đứng trước sân quay mặt vào đền lễ thánh. Lễ xong, tất cả lại reo hò vang rộn. Lễ thánh xong, quân cầu được lên sân đền Chính để uống rượu trận. Họ ngồi xếp bằng trong 4 hàng, hai bên quay mặt và nhau, cỗ trận để ở giữa. Cỗ trận là các loại hoa quả như dưa hấu, vải và rượu đựng trong 4 mâm, mỗi mâm 4 bát, 4 đĩa. Tất cả đều dùng que tre vót nhọn để ăn. Vừa ăn, họ vừa cười nói vui vẻ.

Sau khi ăn cỗ trận, chiêng trống nổi lên ba hồi 9 tiếng, hội vật cầu chính thức diễn ra. Quân cầu được xếp thành 4 hàng ở trong sân cầu. Trống nổi lên, tất cả quân cầu vào trận. Họ trong các tư thế hai tay đan vào nhau đặt trước bụng, giơ ngang tầm mắt, hai tay đan vào nhau đặt trước trán, cúi sát đất, quỳ gối, phủ phục, lễ thánh. Tất cả làm như thế 5 lần. Quân cầu lại chuyển thành vòng tròn, tay trái giữ bụng, tay phải giơ cao đi vòng quanh sân cầu 5 lần vừa đi vừa hô vang "hí hạ, hứ hẹ" tỏ rõ sự vui mừng khôn xiết. Từ vòng tròn, quân cầu lại chia thành hai hàng, mỗi hàng có một người đứng ra khoác tay, giáp vai nhau thể hiện sự đoàn kết hữu nghị rồi bắt đầu vào làm lễ vật thờ trình thánh.


Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai
Sau lễ vật thờ, giáp đương cai bê quả cầu từ đẳng để trước cửa đền Chính ra giữa sân cầu rồi nổi trống lệnh để vào vật. Lúc này, quân cầu đang ở tư thế ngồi vòng tròn trong sân cầu nhận tiếng trống lệnh liền đứng dậy nâng cầu lên trên đầu vừa reo hò và tranh nhau quả cầu để đặt vào lỗ của bên đối phương. Ba người làm nhiệm vụ huấn luyện quân cầu cũng đồng thời là những người cầm trịch. Nếu cầu ở giữa sân thì người đánh trống nhẹ nhàng, khoan thai nhưng khi cầu đã dược đưa ra đến gần lỗ của đối phương thì trống giục liên hồi để thúc quân. Cầu gần ra ngoài vạch thì đánh trống cắc. Lúc ấy hai bên không tranh nhau cầu nữa vì nếu như một bên nào đó có bỏ được cầu vào lỗ của đối phương thì quả cầu ấy cũng không được tính là thắng. Luật quy định: dưới đánh lên, trên đánh xuống, đánh trong vòng 2 giờ thì giải lao. Khi nghe tiếng trống cắc, cắc, cắc… quân cầu lại bê trống đặt vào vị trí giữa sân để chờ hiệu lệnh của người cầm trịch điều khiển. Do vậy, người điều khiển cuộc chơi phải là những người am hiểu về luật lệ, phải thật tinh khôn và khỏe mạnh. Trong hội vật cầu, vì đền quay mặt về hướng Tây nên hai hướng cầu ở phía Bắc và Nam. Trong khi chơi, nếu bên phía Nam thắng là điều tốt lành cho làng. Năm đó, sẽ mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc.

Kết thúc cuộc chơi, xóm đăng cai rửa sạch cầu rồi lại đặt lên đẳng để làm lễ tạ thánh. Quân cầu lại xếp thành 4 hàng dọc trước sân cầu để tạ thánh rồi tất cả chạy ùa ra sông Cầu tắm rửa, kết thúc một ngày trong hội vật cầu. Sang ngày thứ 2, thứ 3, công việc vẫn được diễn ra như ngày đầu: 10 giờ sáng tế chiêu ở đền Chính và 1 giờ 30 chiều thì vào hội vật cầu và 4 giờ chiều thì tế tạ. Vì ở làng Vân, ngày 15 là ngày giỗ Mẫu nên hội vật cầu phải kết thúc vào chiều ngày 14.

Cũng như một số lễ hội dân gian truyền thống khác, lễ hội vật cầu nước làng Vân mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh, hội mang nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn tâm linh. Quả cầu tròn là dương tượng trưng cho mặt trời, còn lỗ cầu tượng trưng cho âm, âm dương hòa hợp là mọi người làm ăn phát đạt, vạn sự bình yên và đó cũng là mong muốn của cộng đồng, mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Sau mấy chục năm bị bỏ quên, năm 2002 Bộ Văn hóa thông tin hỗ trợ kinh phí để khôi phục lễ hội này và lẽ ra nó phải được tổ chức thường xuyên nhưng từ đó đến tận bây giờ, sau 8 năm lễ hội đặc sắc này mới lại được tổ chức. Giữ gìn và tổ chức thường xuyên lễ hội vật cầu là bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, những trò chơi giải trí đích thực của người lao động.
Quang Hà (Đài PTTH Bắc Giang)