Chữ Nôm là tên gọi của cách viết biểu ý trong thời cổ đại và trung đại của tiếng Việt dựa trên những thành tố của chữ Hán.
Lịch sử
Rất
có thể trong lịch sử, chữ Nôm đã tạo ra từ những năm đầu khi vó ngựa
viễn chinh của phương Bắc đến Việt Nam. Những chữ Nôm đầu tiên được sử
dụng để chỉ cách gọi địa danh, hoặc những khái niệm không tồn tại trong
Hán văn, mặc dù điều này do những cứ liệu thành văn còn lại hết sức ít
ỏi, đã không thể được kiểm chứng một cách chính xác. Phạm Huy Hổ trong
Việt Nam ta biết chữ Hán từ đời nào cho rằng chữ Nôm có từ thời Hùng
Vương. Văn Đa cư sĩ Nguyễn Văn San cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp
cuối đời Đông Hán thế kỷ thứ 2. Nguyễn Văn Tố dựa vào hai chữ "bố cái"
trong cụm từ "Bố Cái đại vương" do nhân dân Việt Nam xưng gọi Phùng Hưng
mà cho rằng chữ Nôm có từ thời Phùng Hưng thế kỷ 8. Có ý kiến khác lại
dựa vào chữ "cồ" trong quốc danh "Đại Cồ Việt" để đoán định chữ Nôm có
từ thời Đinh Tiên Hoàng. Trong một số nghiên cứu những năm 90 của thế kỷ
20, các nhà nghiên cứu căn cứ vào đặc điểm cấu trúc nội tại của chữ
Nôm, dựa vào cứ liệu ngữ âm lịch sử tiếng Hán và tiếng Việt, so sánh đối
chiếu hệ thống âm tiếng Hán và tiếng Hán Việt đã đi tới khẳng định âm
Hán Việt (âm của người Việt đọc chữ Hán) ngày nay bắt nguồn từ thời
Đường-Tống thế kỷ 8-9. Nếu âm Hán Việt có từ thời Đường, Tống thì chữ
Nôm không thể ra đời trước khi hình thành cách đọc Hán Việt (nếu xét chữ
Nôm với tư cách hệ thống văn tự) mà chỉ có thể ra đời sau thế kỷ thứ 10
khi Việt Nam thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc với chiến thắng của Ngô
Quyền vào năm 938.[1].
Sau khi Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của
Trung Quốc vào năm 939, chữ Nôm được hoàn chỉnh dần dần và chỉ đến thế
kỷ 13-15 mới được dùng nhiều trong văn chương.
Hơn 1.000 năm sau
đó, từ thế kỷ 10 cho đến đầu thế kỷ 20, khá nhiều tài liệu văn học,
triết học, sử học, luật pháp, y khoa, tôn giáo được viết bằng chữ Nôm,
mặc dù rất hiếm hoi có những giai đoạn chữ Nôm được coi trọng, và chưa
từng được được sử dụng một cách có ý thức trong các văn bản hành chính
của chính quyền ngoại trừ những năm tồn tại ngắn ngủi của nhà Hồ và thời
Tây Sơn. Những văn bản hành chính như sổ sách, công văn, giấy tờ, thư
từ, khế ước, địa bạ v.v. chỉ đôi khi có xen chữ Nôm khi không thể tìm
được một chữ Hán mang nghĩa tương đương chỉ các danh từ riêng (như tên
đất, tên làng, tên người), nhưng tổng thể vẫn là văn bản Hán Việt bởi
quan niệm sai lầm của giới sĩ đại phu các triều đại: "nôm na là cha mách
qué". Dưới triều đại nhà Tây Sơn, do sự hậu thuẫn của chính quyền của
Quang Trung hoàng đế, toàn bộ các văn kiện hành chính buộc phải viết
bằng chữ Nôm trong 24 năm, từ 1788 đến 1802. Nói cách khác, chữ Nôm là
công cụ thuần Việt ghi lại lịch sử văn hoá của dân tộc trong khoảng 10
thế kỷ, mặc dù đó là công cụ còn chưa chứng tỏ được tính hữu hiệu và phổ
dụng của nó so với chữ Hán.
Sự kết thúc của chữ Nôm và Hán
Chữ
Nôm ra đời bắt nguồn từ tư tưởng chống Hán hóa, là ý thức phản vệ của
dân tộc trước những gì có tính ngoại lai. Vào thời kỳ Bắc thuộc, người
phương Bắc tràn vào Việt Nam với dụng ý muốn đồng hóa dân tộc Việt, chữ
Nôm ra đời chống lại xu hướng Hán hóa của người phương Bắc, đồng thời
khẳng định tinh thần dân tộc, tuy nhiên, điều đó chưa thực sự mạnh mẽ
một cách có ý thức.
Chữ Nôm thuộc loại hình văn tự khối vuông -
nghĩa là toàn bộ chữ được cấu tạo trong một ô vuông, được xây dựng trên
cơ sở chất liệu là chữ Hán và được đọc theo âm Việt.
Chữ Nôm xuất
hiện ở Việt Nam khi chữ Hán đã vào Việt Nam và đã được hình thành một
cách có hệ thống âm Hán Việt, nên ban đầu chữ Nôm thuần túy ghi âm Việt.
Dần dần có những chữ Hán không ghi được âm Hán Việt cho nên các chữ Nôm
sáng tạo được ra đời. Khi ý nguyện sáng tạo ra một dạng chữ riêng của
người Việt trở nên mạnh mẽ hơn trong thời Lê, những chữ Nôm được tạo ra
một cách có ý thức hơn đã giúp cho sự hình thành thêm nhiều chữ Nôm mới
đủ để biểu đạt được tâm tư, nguyện vọng, tâm hồn và khí phách dân tộc
trong các tác phẩm văn chương như thơ, phú, chiếu, cáo, biểu v.v. Sự
sáng tạo đó đã để lại cho đời sau những di sản thơ Nôm vô giá từ những
bài thơ của Nguyễn Hàn Thuyên đến Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, từ
Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông đến Bạch Vân am thi tập của
Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ Đại Nam quốc sử diễn ca đến Đoạn trường tân thanh;
từ những bài thất ngôn bát cú thơ Nôm của Hồ Xuân Hương đến dạng song
thất lục bát trong Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, thơ lục bát với Lục
Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Rồi thơ của Nguyễn Khuyến, Tú Xương
v.v., và không ít những tác phẩm Nôm khuyết danh như Thạch Sanh, Trê
Cóc, Nhị độ mai, Tấm Cám, Lưu Bình Dương Lễ v.v.
Chữ Nôm được
dùng song song với chữ Hán cho đến thế kỷ 16, khi các nhà truyền đạo
phương Tây vào Việt Nam, họ đã dùng kí tự Latinh để phiên âm tiếng Việt,
và chữ Quốc ngữ bắt đầu ra đời. Chữ Quốc ngữ bằng kí tự La Tinh dần dần
thay thế chữ Hán Nôm do sự đơn giản dễ nhớ dễ học, thêm nữa, chữ Quốc
ngữ tỏ ra hữu dụng khi phiên âm được các dấu thanh trong tiếng Việt. Chữ
Nôm còn được dùng cho tới cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhưng ngày càng
suy yếu trước sự bành trướng của chữ Quốc ngữ.
Di sản này hiện
nay có nguy cơ tiêu vong. Sau khi chữ Quốc ngữ (dùng mẫu tự Latinh) phổ
biến vào đầu thế kỷ 20, chữ Nôm dần dần mai một. Năm 1920, chính quyền
thực dân Pháp ra lệnh cấm dùng chữ Nôm. Khi tiến trình Âu hóa ngày càng
trở nên mạnh mẽ và được sự cổ súy của thủ lĩnh các phong trào duy tân
đương thời, chữ Quốc ngữ đã trở nên phổ biến và khẳng định chỗ đứng của
nó trong hệ thống văn tự mới của dân tộc theo mô hình phương Tây, thoát
khỏi ảnh hưởng của phương Bắc. Đỉnh cao của chữ Quốc ngữ với Thơ mới và
Tự lực văn đoàn đã trở thành sự cáo chung đối với văn tự truyền thống.
Ngày
nay, ở Việt Nam và thế giới rất ít người còn đọc được văn bản chữ Nôm
từ nguyên tác. Một phần quan trọng của lịch sử Việt Nam đã nằm ngoài tầm
tay của 80 triệu người nói tiếng Việt.
Chữ Quốc ngữ ra đời tuy
đơn giản, dễ nhớ dễ học nhưng lại có nhược điểm là hệ thống biểu âm khó
diễn đạt hết các từ cùng âm khác nghĩa vốn rất nhiều trong tiếng Hán và
tiếng Việt. Vì lý do này, có nhiều từ Việt bị dùng sai, nhưng do dùng
lâu quen và do đó từ sai trở thành từ đúng (ví dụ: khốn nạn). Và cũng
chính vì việc từ khi sử dụng chữ Quốc ngữ không tiếp tục giảng dạy và
học chữ Hán Nôm đã làm cho những thế hệ người Việt ngày nay không còn
biết đến chữ Hán Nôm nữa, và không thể đọc được những tư liệu sách vở
trong kho di sản Hán Nôm ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Chính vì điều đó
mà ít có thế hệ người Việt sau này có thể hiểu rõ và dùng đúng tiếng
Việt như nghĩa thật sự của nó (vì khoảng 70% tiếng Việt được hình thành
từ tiếng Hán-Việt).
Chữ Nôm được đặt ra cũng còn để thỏa mãn nhu
cầu quân sự và chính trị. Căn bản là chữ viết nhìn thì giống như chữ Hán
nhưng phát âm và ý nghĩa thì hoàn toàn khác. Do đó khi Trung Quốc muốn
tìm hiểu Việt Nam để mưu đồ xâm lăng, họ sẽ phải học thuần tiếng Nôm để
thông thạo tình hình và đả thông các văn bản.
Những cách tạo chữ Nôm
Dựa
vào chữ Hán, chữ Nôm đã được hình thành bằng nhiều cách khác nhau.
Trong đó, có thể tóm tắt thành 5 loại dựa vào ba yếu tố hình-âm-nghĩa
như sau:
Chữ Hán được vay mượn toàn diện 100% cả hình, âm và nghĩa. Ví dụ: Hán 漢, Việt 越, tỉnh 省, thành 城.
Giữ
hình và nghĩa của chữ Hán, nhưng đọc theo âm Nôm. Ví dụ: 車 xe (<車
xa); 孤 côi (< 孤 cô); 局 cuộc (< 局 cục); 餅 bánh (< 餅 bính); 家 nhà
(< 家 gia); 卷 cuốn (< 卷 quyển); 刀 dao (<刀 đao); 巾 khăn (< 巾
cân); 瓦 ngói (<瓦 ngoã); 心 tim (< 心 tâm).
Giữ nguyên hình và âm
của chữ Hán, nhưng đổi nghĩa. Ví dụ: 沒 một (chỉ số 1, nghĩa gốc tiếng
Hán là "mai một", "mất đi"); 卒 tốt (chỉ tốt >< xấu, nghĩa gốc chữ
Hán là "binh lính", "chết"); 戈 qua (nghĩa là đi qua, nghĩa gốc chỉ một
loại vũ khí dài); 賒 xa (chỉ xa > < gần; nghĩa gốc là mua trả góp);
昌 xương (chỉ xương động vật, nghĩa gốc là "đẹp", "hưng thịnh"); 泊 bạc
(chỉ màu trắng, nghĩa gốc là “bến”, “nơi đậu thuyền”) v.v.
Giữ hình
của chữ Hán, nhưng đổi hẳn âm và nghĩa. Ví dụ: 帝 đấy (tiếng Hán là "đế",
chỉ vua chúa); 固 có, đối lập với "không", (tiếng Hán là "cố", nghĩa là
"vững chắc"); 羅 (罗)là (tiếng Hán đọc là "la", nghĩa là "cái võng", "cái
lưới", "lụa"); 略 trước, đối lập với "sau" (âm Hán Việt là "lược", nghĩa
là "sơ lược", "sơ sài", "tính toán"); 別 biết, [hiểu biết] (âm Hán là
"biệt", nghĩa là cách biệt, khác biệt); 及 gặp [gặp gỡ] (âm Hán là "cập",
nghĩa là "đến", "kịp tới"); 弄 sống (âm Hán là "lộng", nghĩa là "đùa
giỡn"); 滝 sông (âm Hán là "lung", nghĩa là "nước chảy xiết") v.v.
Ghép
hai chữ Hán với nhau. Loại này hết sức phổ biến và thường ghép một
thành tố biểu âm với một thành tố biểu ý (giống như chữ hình-thanh trong
Lục thư). Ví dụ: tháng = nguyệt 月 (biểu ý) + thượng 尚 (biểu âm); mắt =
mục 目 (biểu ý) + mạt 末 (biểu âm), trời= thượng 上 (biểu ý) + thiên 天
(biểu âm); năm (con số) = ngũ (五 biểu ý) + nam (南 biểu âm); năm (năm
tháng) = niên (年 biểu ý) + nam (南 biểu âm). thường ghép một thành tố
biểu âm với một thành tố biểu ý (giống như chữ hội ý trong Lục thư)
Thêm nét và thêm chữ Hán. Ví dụ: Bố (đối lập với mẹ) = vương 王 + bố 布 + nét giản lược của 司)
Thêm
bộ thủ khác. Ví dụ: 渃 nước (thủy 氵+ nhược 若); 扜 vo [vo tròn] (thủ 扌+ vu
于). Các bộ thủ thường được dùng là: 亠﹐ 刂﹐ イ﹐ 厂﹐ 广﹐ 氵, 忄﹐ 辶﹐ 土﹐ 寸﹐ 口﹐ 巾﹐
山﹐ 犭﹐ 子﹐ 小﹐ 女﹐ 礻﹐ 灬﹐ 木﹐ 艹﹐ 日﹐ 月﹐牛﹐ 毛﹐ 片﹐ 牙﹐ 疒﹐ 瓦﹐ 石﹐ 衤﹐ 白﹐ 目﹐ 皮 ﹐ 田﹐ 米﹐
耳﹐ 竹﹐ 舟﹐ 羽﹐ 雨﹐ 色﹐ 耒﹐ 糸﹐ 貝﹐ 走﹐ 足﹐ 車﹐ 角﹐酉﹐ 金﹐ 風﹐ 食﹐ 髟﹐ 馬﹐ 魚﹐ 赤.
Thêm
các nét nháy bên trên, bên cạnh, để chỉ một chữ có âm đọc khác biệt. Ví
dụ 女< nỡ, nợ, nữa (bằng dấu < cộng với chữ 女 nữ); 馬< mỡ, mựa
(dấu < cộng với chữ 馬 mã). “朱 cho (dấu “ cộng với 朱 chu); “貝 buổi
(dấu “ cộng với 貝 bối)
Bớt nét của chữ Hán, đổi luôn âm và nghĩa. Ví
dụ: "khệnh khạng" (đều dùng chữ "cộng" 共 bớt nét, trong đó chữ "khệnh"
bỏ nét phảy ノ, chữ "khạng" ヽ bỏ nét mác). "khề khà" (đều dùng chữ "kỳ"
其, chữ "khề" bỏ nét phảy ノ, chữ "khà" bỏ nét mác ヽ).
Ngoài ra còn
một số chữ được viết tắt từ chữ Hán gốc và không đổi cả âm lẫn nghĩa.
Những chữ này tương đương với chữ Giản thể của Trung Quốc, nhưng cũng có
nhiều chữ không trùng với chữ Giản thể do được viết tắt theo lối Nôm.
Ví dụ: 风 phong (viết tắt chữ 風 phong); 万 vạn (viết tắt chữ 萬 vạn); 乙 vũ
(viết tắt 雨 vũ, không phải là "ất"); り tiền (viết tắt chữ 錢 tiền).
Nhược điểm
Nhìn
chung chữ Nôm thường có nhiều nét hơn, phức tạp hơn chữ Hán (do phần
lớn là những chữ buộc phải ghép 2 chữ Hán lại) nên khó nhớ hơn cả chữ
Hán vốn cũng đã khó nhớ. Cách đọc cũng có khi không thống nhất hoặc một
chữ có thể có nhiều cách đọc, nên có người nói rằng "chữ Nôm phải vừa
đọc vừa đoán". Ngoài ra, việc "tam sao thất bản" là khó tránh khỏi, phần
vì trình độ người thợ khắc chữ ngày xưa, phần vì khâu in mộc bản có
chất lượng không cao (chữ bị nhòe, mất nét). Đó là những hạn chế của ông
cha, với một lịch sử không thể thay đổi mà dân tộc ta phải chấp nhận,
để lại xúc cảm ngậm ngùi cho mỗi con dân Việt khi nhìn sang tiến trình
bản địa hóa một cách có chọn lọc văn tự của Trung Hoa của những quốc gia
đồng văn như Nhật Bản, Triều Tiên, những quốc gia đã thành công trong
việc giản hóa chữ Hán thành những ký hiệu biểu âm thuận tiện khi sử dụng
hơn rất nhiều. Đặc biệt là Triều Tiên với hệ thống 23 ký tự hết sức
khoa học và dễ sử dụng do Hoàng đế Sejong sáng tạo đủ sức biểu đạt tư
duy ngôn ngữ chắp dính của dân tộc hoàn toàn không cần phải sử dụng các
thành tố chữ Hán.
Chữ nôm của các dân tộc khác
Ở
Việt Nam, không chỉ có dân tộc Kinh chế tạo ra chữ Nôm, một vài dân tộc
thiểu số khác như Tày, Dao, Ngạn, v.v. cũng tạo ra chữ Nôm dựa trên chữ
Hán để lưu lại ngôn ngữ của họ.[2]
Chữ Nôm Tày
Chữ Nôm Dao
"Chữ nôm" của các nước khác
Do
喃 nôm = 口 khẩu + 南 nam nên chữ "喃 nôm" trong tên gọi "chữ Nôm" thường
được hiểu với ý nghĩa là "ngôn ngữ của người Nam". Tuy nhiên, nếu mở
rộng khái niệm chữ nôm ra cho tất cả các hệ chữ được sáng tạo dựa trên
chữ Hán thì có người còn gọi những chữ được các dân tộc phương bắc như
Nhật Bản, Triều Tiên là "chữ nôm Nhật", "chữ nôm Triều", hay gọi những
hệ thống chữ của các dân tộc thuộc Trung Quốc[3] như Tráng, Đồng, v.v.
là "chữ nôm Choang", "chữ nôm Đồng", v.v.
Kokuji(国字 Quốc tự)
trong hệ thống Kanji của người Nhật cũng được tạo thành từ chữ Hán để
ghi lại những từ và khái niệm riêng trong tiếng Nhật. Ví dụ: 畑 hatake = 火
hoả + 田 điền, nghĩa là cánh đồng khô, để phân biệt với 田 là ruộng trồng
lúa nước; 鮭 sake = 魚 ngư + 圭 khuê, nghĩa là cá hồi Nhật Bản; 瓩
kiloguramu = 瓦 ngoã + 千 thiên, nghĩa là kílô-gam. Trong hệ thống Kanji
hiện đại, cũng có nhiều chữ không có trong các tự điển Trung Quốc nhưng
không phải là Kokuji vì đó chỉ là cách đơn giản hoá những chữ Hán đã có
sẵn theo kiểu của người Nhật. Ví dụ: 円 là giản thể của 圓 viên; 売 là giản
thể của 賣 mại.
Tương tự như Kokuji của người Nhật, người Triều Tiên
cũng dùng chữ Hán để tạo thành một số chữ biểu ý riêng trong hệ thống
Hanja của họ. Ví dụ: 畓 dap = 水 thuỷ + 田 điền, nghĩa là ruộng nước, để
phân biệt với 田 là đồng khô; 巭 bu = 功 công + 夫 phu, nghĩa là người lao
động.
Chữ vuông Choang của dân tộc Tráng ở cực nam Trung Quốc được
phát triển dựa trên chữ Hán và thường được so sánh với chữ Nôm của dân
tộc Kinh ở Việt Nam do có nhiều điểm tương đồng giữa hai hệ thống chữ
viết này.[4][5] Tuy nhiên, ngoài những cách tạo chữ tương tự với cách
tạo chữ Nôm là giả tá, hình-thanh và hội ý, còn có những chữ vuông
Choang được tạo ra bởi những cách sơ khai hơn là tượng hình và chỉ
sự.(xem Lục thư)
Tuy nhiên, cũng nên phân biệt những "chữ nôm" này
với những bộ chữ biểu âm như Kana và Hangul trong tiếng Nhật và tiếng
Hàn hiện đại.
Trên máy tính
Có nhiều phần mềm máy tính tạo ra ký tự Chữ nôm bằng cách gõ chữ Quốc ngữ.
HanNomIME là phần mềm chạy trên Windows hỗ trợ cả chữ Hán và chữ nôm.
Vietnamese Keyboard Set hỗ trợ gõ chữ Nôm và chữ Hán trên Mac OS X.
WinVNKey là bộ gõ đa ngôn ngữ trên Windows hỗ trợ gõ chữ Hán và chữ Nôm bằng âm Quốc ngữ.
Phông
chữ Nôm nằm trong cơ sở dữ liệu Unihan. VietUnicode là phông Unicode
chứa các ký tự chữ Nôm. Nó là một dự án trên SourceForge [1]. Phông
TrueType có thể tải về từ [2].
Một số từ điển chữ Nôm trên mạng Internet có Từ điển ở Viện Việt học (tiếng Việt) Nom character index (Tiếng Anh).
Liên kết bên ngoài
Phiên bản Wikipedia thử bằng chữ Nôm tại Wikimedia IncubatorHội Bảo tồn Di sản Nôm
Tiểu Tự điển chữ Nôm
Chú thích
^
Phần Thời kỳ chữ Nôm ra đời, trong cuốn sách Giáo trình Hán Nôm, tập 2
(tập chữ Nôm), Bộ môn Hán Nôm trường Đại học Tổng hợp Hà Nội biên soạn,
in tại Nhà xuất bản Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1990.
Trang 8-9.
^ “Điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, mã hoá chữ viết cổ truyền” phóng viên Nguyễn Vũ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
^
Ở Trung Quốc, ngoài Tráng, Đồng, còn có nhiều dân tộc khác cũng có "chữ
nôm" như Miêu, Dao, Bạch, Bố Y, Hà Nhì, v.v. Trong đó dân tộc
Miêu(H'Mông) và Dao cũng thuộc gia đình các dân tộc Việt Nam.
^ "Hiện tượng đồng hình giữa chữ Nôm Việt và chữ vuông Choang" Tạp chí Hán Nôm, số 2- 1997
^ "Hình bóng chữ Nôm Việt trong chữ vuông Choang" Tạp chí Hán Nôm, số 1- 1999
Nguồn
Hội
Bảo tồn di sản chữ Nôm cung cấp nguyên bản chính, và cho phép xuất bản
nguyên bản này theo Giấy Phép Sử Dụng Văn Bản Tự Do GNU (GFDL).
Lấy từ “http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%AF_N%C3%B4m”
Ý NGHĨA ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL 2556
“Vui thay Phật ra đời, Vui thay pháp được giảng”
HT. Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự
Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN
Hôm nay, ngày Rằm tháng Tư năm Nhâm Thìn – dương lịch 2012, Phật lịch
2556, một lần nữa, những người con Phật trên khắp hành tinh này, hân
hoan đón mừng ngày khánh đản của đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, niềm hỷ lạc
dâng trào như tắm gội ánh sáng thiêng liêng từ kim thân của Đức Phật mà
hơn 26 thế kỷ qua đã tỏa rạng từ vườn Lâm tỳ ni, lan khắp bình nguyên
Terai vùng bắc Thiên Trúc và ngập tràn cả thế giới Ta bà. Trong niềm vui
chung đó, giới Tăng Ni, Phật tử Việt Nam chắp tay nguyện cầu cho Phật
pháp trường tồn chúng sinh an lạc.Sự kiện đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh vào ngày rằm tháng tư, là sự kiện vô tiền khoáng hậu của nhân loại. Sự kiện hi hữu này được kinh tán thán như sau: “Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ kheo, khó gặp được ở đời. Người ấy là ai? Là Như Lai, bậc A la hán, Chính Đẳng Giác. Sự xuất hiện của Người này, này các thầy Tỳ kheo, khó gặp ở đời’’.
Ngài thị hiện ở đời và đem giáo pháp của Ngài đã chứng ngộ giảng dạy để cứu độ chúng sinh ra khỏi biển khổ, và chứng đạt giải thoát. Chính vì thọ nhận được pháp lạc như thế, nên Tôn giả Udayi trong khi hành thiền độc cư, đã nói lên lời tán thán đức Phật, được ghi trong bản kinh Trung Bộ II : “Thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều pháp bất thiện cho chúng ta. Thế Tôn là vị đã đem lại nhiều thiện pháp cho chúng ta”.
Ngài thuyết pháp chỉ với mục đích duy nhất là đoạn khổ và chỉ ra con đường diệt khổ, tự thân Ngài tuyên bố không tranh chấp hơn thua với ai, không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với Ngài: “Này các Tỳ kheo, Ta không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với Ta. Này các Tỳ kheo, người nói pháp không tranh chấp với một ai ở đời” (Tương Ưng III, 165). Do vậy, hình ảnh bậc Đạo sư của chúng ta là hình ảnh của một vị luôn luôn ung dung tự tại, không âu lo, không sợ hãi, không phiền não, ngày đêm chỉ biết nuôi dưỡng lòng từ thương chúng sinh như con đỏ:
“Khi ngủ không lo âu, Ta không thấy tai hại,
Khi thức chẳng sợ hãi, Một chỗ nào trên đời.
Ngày đêm không khởi lên, Do vậy Ta nằm nghỉ,
Phiền não bận lòng Ta. Tâm từ thương chúng sinh”
(Tương Ưng I, 136)
Với chí nguyện “Từ bi cứu khổ chúng sinh” mà Ngài thị hiện ở đời, rồi xuất gia, tầm đạo, chứng đạo và thuyết pháp độ sinh cho đến hơi thở cuối cùng. Ngang qua kinh nghiệm tu tập tự thân, không có ai là bậc Đạo sư của Ngài để truyền đạt cho Ngài, cũng không có ai ban phép mầu cho Ngài, hay tự thân hóa hiện từ một vị Thượng đế, thần linh nào cả. Ngài là một con người như chúng ta, nhờ tự thân nỗ lực mà tìm ra con đường giải thoát giác ngộ.
Thế nên, Ngài có vị trí tối thượng ở đời, một vị trí không thể có một Đức Phật thứ hai trong suốt hiện kiếp của một Đức Phật tại thế. Kinh Tăng Chi, tập I, trang 37 đã ghi lại sự tán thán này như sau: “Sự kiện này không xảy ra, này các Tỳ Kheo, không có được trong một thế giới có hai vị A la hán, Chính đẳng chính giác, không trước không sau, xuất hiện một lần; sự kiện này không có xảy ra”.
Với toàn bộ ý nghĩa nội dung đoạn kinh trên, chúng ta thấy ngay trong hiện kiếp này chỉ có một Đức Phật thị hiện, không có hai. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Phật duy nhất thị hiện ở thời hiện tại – Thời đại của chúng ta đang hiện hữu, có vị trí có một không hai trong lịch sử loài người. Ngài là một con người toàn bích, giác ngộ đã làm cho chúng sinh biết, đã nói, đã chỉ ra con đường trước đây chưa từng ai khám phá, chưa có ai từng tuyên thuyết về sự thật khổ và con đường giải thoát khổ: “Không có một vị Tỳ kheo, này Bà la môn, thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Thế Tôn, bậc A la hán, Chính Đẳng Giác thành tựu. Này Bà la môn, Thế Tôn là bậc làm khởi dậy con đường trước đây chưa từng hiện khởi, làm cho biết con đường trước đây chưa từng được biết, nói lên con đường trước đây chưa từng nói, là bậc hiểu đạo, biết đạo và thiện xảo về đạo”. (Trung Bộ III, trang 110)
Chính Ngài là người đầu tiên khám phá ra con đường giác ngộ giải thoát và tự mình thực thi con đường ấy. Con đường ấy là một tiến trình gồm 5 giai đoạn, có thể nói bắt đầu từ Giới rồi đến Định, Tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến. Nó được cụ thể hóa thành con đường Thánh đạo mười ngành, khởi đầu bằng Chính tri kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định, Chính trí và Chính giải thoát. Nhờ vậy, mà Đức Phật đã rống lên tiếng rống Sư tử, biểu trưng cho sự ưu việt thượng thừa của Chính pháp Như Lai.
Kể từ sau khi thành đạo, Ngài không ngừng thuyết pháp độ sinh và nhanh chóng thành lập các hội chúng. Hội chúng xuất gia bao gồm hàng Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Thức xoa ma ni, Sa di, Sa di ni sống theo nếp sống phạm hạnh, không gia đình, thoát ly sự ràng buộc các dục, thiểu dục tri túc và cuối cùng là chứng đạt tâm giải thoát, tuệ giải thoát, vượt thoát sầu bi khổ ưu não. Đối với hội chúng tại gia bao gồm nam cư sĩ, nữ cư sĩ thụ trì tam quy ngũ giới, sống theo mười nghiệp thiện, không nên tham đắm các dục lạc, làm các công đức thiện lành, sống đúng chính pháp, thu hoạch tài sản vật chất do chính mình làm ra, lợi mình và lợi người, lợi cả hai. Cả hai hội chúng đều được đức Phật khuyến cáo bằng sự nỗ lực cá nhân để hành trì chính pháp đã lãnh thọ, đã được truyền trao “Như Lai chỉ là bậc Đạo sư dẫn đường, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!”.
Do đó, trong cuộc hành trình về miền đất an lạc, Thế Tôn luôn mong muốn các đệ tử của mình tinh tiến lập hạnh nguyện tu trì, thực hành giới, tâm luôn an trú vào định để cuối cùng là bừng sáng trí tuệ mà các kinh điển truyền thống diễn đạt là các đệ tử Như Lai tu hành phải đạt cho được lõi cây Phạm hạnh, đừng có bao giờ dừng lại ở giác cây, vỏ cây, vỏ trong, vỏ ngoài và cành lá của Phạm hạnh. Điều đó có nghĩa rằng một người sống một đời sống hướng thượng chỉ khi nào đạt được lõi cây Phạm hạnh thì mới đạt được cứu kính hoàn toàn và hạnh phúc lâu dài. Và hạnh phúc chỉ có mặt khi vắng mặt được tất cả mọi khổ đau. Vậy là mọi người con Phật thật sự hạnh phúc và tràn đầy hỷ lạc:
“Vui thay Phật ra đời,
Vui thay pháp được giảng …”
(Kinh Pháp Cú)
Chính ngay tại thế giới này, nơi chúng ta đang hiện hữu, không gian và thời gian đang bước sang năm thứ 2 của thập niên thứ hai, thế kỷ đầu thiên niên kỷ thứ III. Thời điểm mà tri thức của con người ngày được nâng lên một tầm cao mới. Văn minh khoa học điện tử đã tạo ra ngày càng nhiều những sản phẩm vật chất tiện nghi phục vụ cho mọi sinh hoạt cuộc sống nhân sinh, hẳn nhiên nhu cầu về tâm linh càng được phải nâng cao hơn nữa trong đời sống hiện đại.
Do vậy, chính ngay trong lúc này, trách nhiệm và sứ mạng của những Sứ giả Như Lai, Sứ giả Hoằng pháp, Tăng Ni Phật tử, đệ tử của Đức Phật là tích cực dấn thân, vui gánh những gánh nặng đang gánh “Luôn du hành vì an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người” thể hiện tính quyết tâm cao hơn nữa, đem giáo lý cao thượng, tỉnh giác của đức Thế Tôn, san sẻ vào đời… giúp những con người hữu duyên với Phật pháp, nhận chân được thực tướng của các pháp trong thế gian vốn là vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh… để luôn giữ được chính niệm, tỉnh giác trước mọi chi phối, mê hoặc của ác ma vật chất, sự cám dỗ của sự ham ưa hưởng thụ của nghiệp thức vô minh.
Đó cũng là ý nghĩa đích thực của việc hoằng pháp độ sinh, có giá trị thiết thực lợi đạo, ích đời. Nó càng ý nghĩa hơn nữa khi pháp của Đức Phật thuyết giảng khắp nơi trên thế giới, trên mọi miền đất nước, ngay cả biên cương, hải đảo, vùng sâu, vùng xa … bất cứ ai hiện hữu trên cõi đời. Hình ảnh tôn giả Phú Lâu Na vượt qua bao chướng duyên để thuyết pháp độ sinh nhằm đem ánh sáng Phật pháp đến những nơi sầu khổ và bất hạnh; Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông từng đi lên núi, vào rừng, vượt đèo lội suối, dựng am, xây chùa, thuyết pháp “thập thiện” để giáo hóa cho biết bao nhiêu người cùng khổ ở các miền quê. Việc Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc cũng như cho vùng miền ở các tỉnh, thành như: Đắc Lăk, Đà Nẵng, Kiên Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Vĩnh Phúc và nhiều sự kiện khác nữa trong thời gian qua cũng không ngoài mục đích đưa đạo vào đời và làm cho đời thêm tươi sáng.
Năm 2012 là năm kết thúc nhiệm kỳ VI của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc tổ chức các khóa tu, thuyết pháp, biên soạn tài liệu hoằng pháp cho phù hợp với tầm nhìn hôm nay và mai sau, là nội dung ưu tiên hàng đầu trong chương trình hoạt động của Ban Hoằng pháp. Nhất là tiếp tục triển khai chương trình đào tạo 2 lớp Cao - Trung cấp giảng sư, tập huấn Hoằng pháp viên cho nam nữ Phật tử có năng lực dấn thân phụng sự Phật pháp. Đặc biệt, là kết hợp với Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức các khóa bồi dưỡng, tuyên truyền tiến tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VII (Nhiệm kỳ 2012 - 2017) Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ diễn ra trong cuối năm 2012, năm nay.
Nhân ngày Khánh đản của Đức Bổn Sư, chúng ta nhất tâm hướng về Ngài, thành tâm dâng nén hương lòng của niềm tin Tam Bảo, của quyết tâm thực thi lý tưởng vì Đạo vì Đời. Ngưỡng mong ánh sáng Từ bi và Trí tuệ của Thế Tôn tỏa chiếu khắp thế gian, đem lại lợi lạc cho hết thảy cho chúng sinh./.