Nguồn
gốc của lễ tắm Phật bắt nguồn từ sự tích Đức Phật đản sinh. Theo Phật sử, khi
Phật đản sinh, trên trời có chín vị rồng tới phun hai dòng nước nóng lạnh tắm
rửa cho Ngài. Cùng lúc ấy, chư thiên tung hoa trời, trỗi nhạc trời chúc mừng
Thái tử. Về sau, lễ tắm Phật là một trong những nghi thức long trọng trong lễ
hội kỷ niệm Phật đản.
Ở
Ấn Độ và Tây Vực, các tự viện thường hay tôn trí một tượng Phật sơ sinh, mỗi
ngày tín đồ có thể tới viếng chùa và lấy nước rưới lên tượng Phật như là một
hành động biểu trưng cho sự tẩy trừ sự ô nhiễm nơi thân mình. Vào dịp kỷ niệm
Phật đản, tượng Phật sơ sinh được tôn trí trên kiệu hoa, xe hoa diễu hành khắp
nơi trong nước. Khi Phật giáo truyền qua Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt
Nam, trong ngày kỷ niệm Phật đản sinh, lễ tắm Phật được vua chúa tổ chức cực kỳ
trang nghiêm trọng thể trong hoàng cung, về sau phổ biến ở tất cả chùa chiền
trong dân chúng.
Tắm
Phật là nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, ngoài mục đích kỷ niệm
Phật đản sanh còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh
tịnh ba nghiệp thân khẩu ý của con người.
Trước
đây, ngày kỷ niệm Phật đản sanh là mùng 8 tháng Tư âm lịch nên lễ tắm Phật được
tổ chức vào ngày này. Đến năm 1950, Phật giáo thế giới thống nhất kỷ niệm Phật
đản vào ngày 15 tháng Tư âm lịch, nên sau đó, ngày lễ tắm Phật cũng được thay
đổi, tùy theo hoàn cảnh có thể tổ chức lễ này trong các ngày từ mùng 8 đến 15
tháng Tư âm lịch hàng năm.
Để
thực hiện lễ tắm Phật, trước phải trần thiết bàn thờ với đầy đủ hương hoa,
thỉnh tôn tượng Phật sơ sinh để trong chậu hoặc thau lớn tinh sạch. Chuẩn bị
nguyên liệu nấu nước thơm tắm Phật. Ở nước ta các Phật tử thường nấu nước với
hoa lài, hoa cúc, quế…, chờ nước nguội đổ vào chậu và rải thêm hoa lài vào nước
tắm Phật. Có nơi giản tiện thì dùng nước mưa, nước lọc tinh sạch nấu chín (vì
làm lễ xong có một vài người thọ dụng). Theo Dục Tượng Công Đức Kinh: “Phải dùng
các thứ diệu hương như Ngưu đầu, Chiên đàn, Tử đàn, Đa ma la hương, Cam tùng,
Bạch đàn, Uất kim, Long não, Trầm hương, Xạ hương, Đinh hương... làm thành nước
thơm đựng ở trong chậu sạch”. Nước tắm Phật phải là nước tám công đức, vì vậy
người chuẩn bị nước cần phải thành tâm, tin tưởng trọn vẹn vào công đức tắm
Phật mới thành tựu như nguyện.
Đến
giờ hành lễ, đạo tràng trì tụng kinh sám theo nghi thức Lễ tắm Phật. Đến đoạn
tắm Phật, mọi người đồng tụng kệ và chú Tắm Phật rồi tuần tự đi đến lễ đài tôn
trí tượng Phật sơ sinh chắp tay thành kính đảnh lễ, múc nước nhẹ nhàng tưới lên
hai vai của Ngài. Trong lúc tắm Phật, mỗi người cần lắng lòng thanh tịnh quán
tưởng dòng nước cam lộ tinh sạch này sẽ gội nhuần tâm tư. Những tâm niệm tham
lam, sân hận và si mê của bản thân nhờ công đức này mà được tẩy sạch. Những suy
nghĩ, lời nói và việc làm xấu ác cũng được xóa tan. Thân tâm trở nên thanh
tịnh, mát mẻ, nhẹ nhàng.
Đối
với những ngôi chùa chưa có thầy trụ trì cũng nên tổ chức làm lễ tắm Phật trong
mùa Phật đản. Tuy nhiên, vị Phật tử chủ lễ phải hết sức thành tâm, trang nghiêm
và thanh tịnh. Cùng với sự chuẩn bị chu đáo và tâm thành kính của toàn thể đạo
tràng, chắc chắn lễ tắm Phật sẽ đem đến vô lượng công đức và pháp lạc cho toàn
thể Phật tử.
Nhiên Như - Quảng Tánh (Theo Phật pháp bách vấn, tập III)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét