Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Gặp gỡ vua bình vôi ở Tây Đô



Anh Đoàn bên bộ sưu tập đồ cổ

    Trong nhóm người chơi cổ vật ở Tây Đô, anh Trần Quốc Đoàn, 50 tuổi ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn - TP. Cần Thơ là người được mệnh danh “Vua” bình vôi trên đất Tây Đô, vì anh đang sở hữu bộ sưu tập bình vôi cổ rất độc đáo. Trò chuyện với anh mới biết, “kho báu” cổ vật anh có được là nhờ vào cơ sở sản xuất tương chao gia truyền của gia đình. Anh Đoàn cho biết, anh chơi cổ vật cách đây 12 năm. Trong một lần tình cờ đọc được một tài liệu nói về cổ vật, nhất là tài liệu của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển về những giá trị văn hóa của cổ vật nên rất mê. Từ đó, anh vừa sản xuất chao vừa lặn lội khắp vùng ĐBSCL để tìm mua cho bằng được những cổ vật xưa của người dân Nam Bộ. Anh cố công đi tìm từ chỗ những người bán ve chai lông vịt cho đến những cơ sở thu mua phế liệu những món đồ cổ, chủ yếu là bình vôi mà theo cách gọi linh thiêng của những cụ bà xưa là “Ông bình vôi”. Vì “Ông” có mặt hầu hết ở các gia đình người Việt cổ, không những “Ông” giữ cho vôi luôn được dẻo để giúp các cụ ăn trầu ngon miệng mà “Ông” còn là người chứng kiến bao thăng trầm của nhiều thế hệ gia chủ”. Bình vôi được sản xuất theo cấp bậc: gốm sứ xanh trắng, có hoa văn, họa tiết cầu kỳ dành cho chủ cả, bá hộ; loại trơn tru dành cho dân thường; loại màu xanh có nguồn gốc từ Trung Quốc dành cho quan lại, địa chủ, có cả những loại được làm bằng đồng thau.

Bình gốm Cây Mai hình chim dùng trang trí bàn thờ