Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Những đặc sản nổi tiếng tại Cà Mau

Có những món ăn đơn giản đến mức không thể nào đơn giản hơn được nữa, ấy vậy mà nó trở thành đặc sản của một địa phương. Dù đi đâu, xa quê bao lâu người ta vẫn nhớ đến.
Đặc sản ba khía Rạch Gốc

Về với vùng đất Rạch Gốc (thuộc xã Tân Ân huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau), hẳn du khách không khỏi chạnh lòng. Từ trung tâm Tp. Cà Mau, khoảng hơn một giờ đồng hồ đi bằng tàu cao tốc, du khách sẽ đến được với cửa biển Rạch Gốc.
Ngoài các cảnh quan thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ, thì chắc chắn những ai đến đây cũng sẽ rất thích thú với một món ăn mà từ lâu đã trở thành đặc sản của địa phương: ba khía.
Ba khía Rạch Gốc đã có thương hiệu từ xưa đến nay vì chỉ có địa phương này con ba khía mới thật sự ngon, hấp dẫn hơn cả. Khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch hàng năm là vào mùa ba khía. Loại ba khía này ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác.
Ba khía sau khi bắt xong, rửa sạch và muối ngay tại chỗ. Cho muối thấm khoảng 5 đến 7 ngày đêm là có thể ăn được. Muối ba khía không nên mặn quá, cũng không muối lạt quá. Vì nếu mặn thì thịt sẽ xẵng lại, còn nếu lạt quá thì thịt mau bủng, ăn mất ngon.
Ngoài ra, ba khía còn được chế biến bằng cách luộc sả ăn cùng với nước chấm. Nước chấm được chế biến rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt; gồm sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm chút gia vị cho vừa ăn. Với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm do hòa với hơi cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ; ba khía luộc ăn cùng với nước chấm sẽ là một món ăn không thể quên đối với du khách.
Với hai món ăn độc đáo từ ba khía Rạch Gốc của vùng đất mũi, du khách nên đến tận địa phương vào những ngày tháng 7, tháng 8 Âm lịch này để được thưởng thức một cách trọn vẹn. Lẩu mắm U Minh
Nguyên liệu chính của món Lẫu mắm U Minh cũng là mắm sặc (nhưng phải là mắm ngon). Mắm được nấu rả thịt, lược kỹ xương, nêm nếm bột ngọt, đường cho vừa ăn rồi cho vào lẫu. Để cho dậy mùi người ta còn bổ sung thêm một ít lá sã bằm mịn, phần gốc sã đập giập cho vào lẫu. Bí quyết làm cho nước lẫu có vị béo, thơm và sánh người ta cho vào một ít sữa bò thay đường. Lẫu mắm hạp với nhiều lọai thịt hay cá tùy thích. Nhưng lẫu mắm U Minh nhất định phải được nấu với cá đồng. Ngon nhất là lươn, cá rô mề, cá lóc bự hoặc cá trê trắng mới trúng sách.
Ngòai cá ra, lẫu mắm có thể được bổ sung thêm thịt cua đồng, ốc lác, thịt ba rọi,...Nhưng điều thú vị nhất khi ăn món lẫu mắm là được thưởng thức rất, rất nhiều lọai rau đồng. Lẫu mắm là món quy tụ nhiều lọai rau hoang dã nhất. Có thể đúng khi nói rằng, không có món ăn nào trên thế giới lại được ăn kèm với nhiều lọai rau như lẫu mắm. Đặc biệt, lẫu mắm của xứ U Minh không thể nào thiếu đọt chọai, rau the, nhãn lòng, bông súng, rau trai, tàu bay, rau mác,v.v….Người ăn sẽ được thưởng thức hương vị: ngọt, bùi, chua, chát, đắng, cay, của nhiều, rất nhiều lọai rau đồng sẵn có ở vùng đất U Minh.
Lẫu mắm đã trở thành món không thể thiếu ở nhiều nhà hàng sang trọng trong cả nước. Về nguyên tắc chế biến đều giống nhau. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có sự khác biệt bởi việc sử dụng lọai thịt cá nào và dùng rau nào ăn kèm cho hợp với phong thổ của quê hương. Song, dù bạn là người xứ nào, nhưng với bữa tiệc lẫu mắm ở rừng U Minh chắc chắn sẽ là dư vị đậm đà, dung dị và da diết không thể nào quên! Bởi nó gợi lại những ấn tượng quá khứ và kỷ niệm của lớp lớp tiền nhân thời mở cõi. Rùa rang muối

Rùa là một loại động vật hoang dã có rất nhiều ở vùng rừng ngập mặn mũi Cà Mau. Có nhiều loại rùa, nào là rùa vàng, rùa nắp, rùa quạ, rùa hôi, rùa dém..., nhưng ngon nhất là rùa vàng, kế đến là rùa nắp, không có thì “xài đỡ” rùa quạ, chớ rùa hôi hay rùa dém thì đúng như cái tên của nó, nghe mùi là thấy không ngon rồi.
Trước đây rùa sống trong tự nhiên rất nhiều, người dân Cà Mau tha hồ săn bắt đem ra chợ bán. Thời gian gần đây, để bảo vệ động vật hoang dã khỏi bị tuyệt chủng nên chính quyền tỉnh Cà Mau đã cấm săn bắt, buôn bán rùa tự nhiên mà chỉ cho phép buôn bán rùa nuôi (giống như người ta nuôi tôm, cua, sò huyết hay nghêu vậy). Rùa có thể làm được rất nhiều món ăn ngon và bổ, nhưng ngon nhất vẫn là món rùa rang muối, vừa dễ làm, dễ tìm gia vị, vừa được thưởng thức cách ăn dân dã đặc biệt của người xứ Cà Mau.

Chả trứng mực đất Mũi

"Câu mực tuy cực mà vui
Khoái ăn trứng mực, lui cui câu hoài" Trứng mực có gì quyến rũ các ngư phủ đến nỗi trở thành ca dao để trẻ con vùng U Minh thuộc lòng. Người nội trợ trứ danh nào sáng chế món ăn này đến giờ chưa ai biết. Dù vậy, dân câu mực vẫn cứ "lui cui câu hoài" để vừa có tiền lại vừa đáp ứng nhu cầu "khoái ăn trứng mực" của mình, của người.
Trứng mực chiên thành chả có màu vàng rộm như chả quế. Đẹp mắt và có mùi thơm đặc trưng. Chả cắt từng lát chừng ngón tay, dọn ra bàn cùng rau thơm và bánh tráng. Cuốn từng cuốn, chấm nước mắm nhĩ, hay muối tiêu chanh. Món đặc sản này đem đến cho người ăn cái mềm mại của rau, cái dai mềm của bánh tráng, cái dẻo xốp, béo bùi của trứng mực, không lẫn được với bất kỳ món ăn nào.
Thường, những miếng chả trứng mực đặc biệt này, người dân quê biển Cà Mau dành đãi khách phương xa. Nó cũng là món quà quý dùng gửi tặng bà con quyến thuộc tha phương kiếm sống, ăn để mà ngậm ngùi thương nhớ quê nhà. Nếu có dịp về xứ biển Cà Mau, bạn nhớ đòi ăn cho được chả trứng mực, vì đó là một món ngon chỉ có ở vùng đất mũi!
Vọp nướng chấm muối tiêu
Món ăn này vừa mang hương vị đặc biệt, vừa mang niềm vui bất tận cho khách tứ phương. Cà Mau bây giờ rất hiếm vọp, vì nó trở thành món ăn quý hiếm.
Lựa loại vọp ta, rửa sạch, để ráo nước, sắp vào đĩa. Gia vị gồm muối tiêu chanh thêm bột ngọt, các loại rau cải. Lò than cháy đều, đặt lên bàn, để vỉ nướng lên trên. Ðặt vọp lên vỉ, có thể nhiều con cùng một lúc. Khi tiệc đến lúc nào hứng thì món vọp nước sẽ làm cho rôm rả hết ý! Lúc vọp há miệng là vừa chín tới, ăn rất ngọt. Ðể lâu sẽ chín quá, khô nước, thịt dai, nhạt nhẽo.
(Nguồn: Theo camau.gov)

Nếm đặc sản Hà Tiên

Khách du lịch đến Hà Tiên(Kiên Giang) không chỉ bị hút hồn bởi một tổng thể hài hòa: núi, biển, đảo và đồng bằng tuyệt đẹp mà còn sản vật ngon lạ mặn mòi hương vị biển cả.




Ốc giác


Ốc giác là loại ốc to con, có con hơn 1kg, mà phần thịt ốc chiếm hơn ½ trọng lượng. Loài ốc này thường sống theo các vùng đá rạng chìm khuất dưới mặt nước hoặc các vách đá, hang hốc ngập nước quanh chân các hòn đảo.

Sau khi bị bắt, con ốc giác có khả năng sống hàng tuần trong nước mặn. Trước nay, khi bắt được ốc giác theo những mẻ lưới tôm cá, ngư dân thường thưởng thức ngay món ốc này trên tàu như một tặng vật ngon lành của biển cả. Cách thưởng thức đơn giản món ốc giác là luộc hay nướng lên rồi chấm với muối tiêu chanh, hay nhắm kèm với một hạt muối, một trái ớt.



Từ đó người dân vùng Hà Tiên đã chế biến món ăn hấp dẫn - ốc giác trộn gỏi. Thịt của con ốc giác gồm hai phần đều ăn được, phần cùi ốc trắng trong, cứng giòn như mề gà; phần ruột ốc màu nâu nhạt, mềm, vị bùi và béo mà người ăn ốc giác sành điệu gọi là gạch hay gan. Con ốc giác sau khi rửa sạch phần vỏ, đem hấp chín (hoặc luộc), cùi ốc đuợc thái ra thành từng lát mỏng, sau đó trộn với bắp chuối (hoa chuối) thái mịn, rau răm, ớt, dầu ăn và gia vị. Phần ruột ốc xếp lên trên cùng cho khỏi nát, rồi rắc đều lên gỏi đậu phộng rang giòn.

Cồi biên mai


Biên mai là loài có nhiều ở vùng biển Hà Tiên. Người dân địa phương thường gỡ lấy thịt cồi, nướng trên than hồng, tạo thành món nhâm nhi thú vị.

Con biên mai có nhiều ở quần đảo Hải Tặc thuộc huyện Hà Tiên, Kiên Giang, xuất hiện ở những thềm đá ngầm sâu khoảng 5m. Đuôi biên mai dính vào mặt đá, thân đứng thẳng dập dềnh mở, khép miệng theo hơi thở chờ rong tảo hoặc phiêu sinh vật tấp vào mà ngậm miệng lại. Bên ngoài biên mai gồm hai miếng vỏ mầu xanh đầy rong rêu óp lại. Phía đầu to, đằng đuôi tóp nhỏ tựa hồ bắp chuối hột.

Sau khi gỡ biên mai, ngư dân dùng chài đập bể ra, cạy lấy miếng thịt bên trong nơi hai mép vỏ gắn lại. Miếng thịt đó gọi là "cồi" dày và lớn tương tự lát cau khô. Một tấn biên mai chỉ cho được 1 kg cồi tươi. Món ăn cồi biên mai phải ướp phụ gia: tàu vị yểu, tiêu, mỡ, muối... Thực khách dùng que cọng lá dừa dài khoảng hai tấc xiên ở đầu vài viên cồi biên mai, hơ trên bếp than.

Mùi thơm lựng và vị ngọt nếm vào nghe tê tái ở đầu lưỡi, xứng là món ngon lạ lùng của xứ biển Hà Tiên.

Gỏi cá trích


Gỏi cá trích trước nay từng nổi tiếng ở Phú Quốc, Vũng Tàu. Song gỏi cá trích Hà Tiên (Kiên Giang) vẫn  có sức hấp dẫn riêng, làm "mềm lòng" không ít thực khách khó tình và sành ăn gần xa.

Muốn có món gỏi cá trích chất lượng, người ta phải chọn những con cá còn tươi rói, đánh vảy, rửa sạch rồi xắt mỏng thành từng miếng nhỏ.

Tuy cùng là món gỏi nhưng dân địa phương ở Hà Tiên có những cách chế biến khác nhau. Có người lấy thịt phi-lê cá trích ướp trước với ít nước cốt chanh hoặc giấm trong vài phút rồi chắt bỏ nước. Sau đó cho thêm nước mắm nhĩ, đường, gừng, ớt và củ hành tây xắt nhỏ, trộn đều lên.  Người khác thì phi tỏi, củ hành tím cho thơm lừng trước khi trộn với thịt cá tươi và cho thêm ít thính để khử mùi cá. Cách này trông quyến rũ hơn!



Nhưng muốn có một đĩa gỏi cá trích hảo hạng,  người đầu bếp  phải  chế biến đúng bài bản, nhất là không thể thiếu đậu phộng rang vừa giòn thơm và dừa nạo. Dừa nạo cho món này phải là dừa khô thật già để tăng độ béo. Kèm theo một đĩa bánh tráng dẻo, đĩa bún nhỏ sợi, rau non và nước chấm. Tốt nhất là rau vườn, rau dại như đọt xoài, đọt bứa, lá cách, tía tô, cải bẹ xanh... thêm vài trái chuối chát, vài trái khế và ít trái dưa chuột thì càng tuyệt. Riêng nước chấm phải chế biến từ nước mắm nhĩ thơm thanh, được gia vị hài hòa với một chút chua chua của giấm nuôi, cay cay của ớt hiểm giã và vị ngọt, độ béo của đường, đậu phộng rang giã nhuyễn.

Lúc ăn, bạn sẽ dùng đũa gắp cá, dừa, bún và rau cho vào chiếc bánh tráng rồi cuốn tròn lại, chấm, nhai từ từ để thưởng thức mùi vị đặc trưng của cá. Thịt cá trích trộn gỏi giòn hơn thịt cá mai và không tanh. Lắng đọng, bạn sẽ cảm  nhận cả mùi thơm nồng của rau cải, kết hợp với vị ngọt của cá, vị béo của dừa cùng các chất chua, cay, nồng của gia vị.


Bánh canh chả ghẹ


Chợ đêm Đông Hồ (Hà Tiên) có rất nhiều quán ăn, các món ăn rất đa dạng và đã đặt chân đến Hà Tiên, bạn nên thưởng thức món bánh canh chả ghẹ.

Chỉ những vùng ven Biển mới có thể làm món chả ghẹ bởi ở đó mới có loại ghẹ tươi mới vừa đánh bắt, thịt còn săn chắc và rất ngọt khi chế biến món ăn. Về cơ bản, thì bánh canh chả ghẹ cũng như các loại bánh canh khác. Duy có điều, chế biến với ghẹ thì phải nêm nếm cho phù hợp với loại thực phẩm này. Vì vậy, nước dùng của bánh canh chả ghẹ rất đặc trưng, đậm đà phong vị miền Biển.

Nồi nước dùng, ngoài việc nêm nếm bình thường, người ta còn cho vào một ít tôm khô, xương, thịt và đầu cá thu. Chính nhờ những nguyên liệu này mà nồi nước dùng có vị thơm, ngọt và mặn mà hương vị Biển. Còn chả cá thì được làm từ thịt của cá thu kết hợp với cá ảo. Cá ảo là những loài cá nhỏ, sau khi đánh bắt về, người ta lựa những con cá lớn ra, những loại cá vụn vặt còn lại được gọi là cá ảo.

Thịt của cá thu tươi được nạo ra, để lẫn trong các loại cá ảo, sau đó nêm gia vị gồm tiêu, tỏi, hành, nước mắm... rồi trộn đều lên, trộn càng đều chả càng thấm, ăn càng ngon. Sau đó đem hỗn hợp này cho vào cối quết nhuyễn. Quết càng nhuyễn chả sẽ càng dai, rồi cho thêm ít mỡ xắt hạt lựu. Sau đó đem vo tròn thành từng viên cỡ ngón chân cái, rồi đem hấp chín.

Ghẹ sau khi luộc chín, được gỡ lấy thịt ra. Khi ăn, bốc bánh canh cho vào tô, chan nước dùng, sau đó để lên một ít chả, một ít thịt ghẹ, một hoặc hai trứng cút, cùng chút ngò gai xắt nhuyễn, tỏi phi, ớt bằm, nước mắm... làm cho tô bánh canh càng thêm bắt mắt.

Ăn tô bánh canh chả ghẹ, ngoài việc cảm nhận được hương vị đặc trưng của nó, thực khách còn được cung cấp một nguồn năng lượng rất lớn vào cơ thể của mình bởi các Thực phẩm có nguồn gốc từ miệt Biển. Nếu có dịp đến Hà Tiên, Du khách nên tìm ăn thử món này. Bởi vì món này hiện nay được bán rất phổ biến ở đây cả đêm lẫn ngày.

Bún cá Hà Tiên


Bún cá Hà Tiên là một món ngon dễ làm, nhưng có những đặc trưng khác với nhiều nơi. Dù là món ăn dân dã nhưng kỹ thuật chế biến khá công phu: mua cá lóc còn tươi sống khoảng non 1kg/con trở lại.

Làm cá, chặt vây, cạo vẩy, rửa sạch, cắt làm hai khúc: đầu và đuôi. Đầu cá được cắt rời với nguyên bộ lòng. Rạch bao tử, lấy thức ăn ra, chà muối, rửa sạch. Tránh không để vỡ mật, giập gan thì bộ ruột mất ngon. Bộ ruột cá là phần ngon nhất của cá! Cá được đem hấp bằng xửng để nước ngọt trong cá chảy xuống nồi nước lèo bên dưới. Khi thấy cá chín nhăn da thì vớt ra, bỏ da, bẻ cá ra từng miếng bằng ngón tay, xếp gọn ra dĩa để riêng. Tiếp theo, sử dụng loại tôm to bằng ngón tay, còn tươi (tôm sú hoặc tôm sắt) đem rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu, ướp gia vị... trụng chín cho tôm săn lại múc ra tô để nguội. Cho tôm khô vào bọc vải sạch nấu sôi với nước lèo để tăng vị thơm ngọt. Nước lèo phải trong, ngọt nước và có hương vị mặn mà. Mùa mưa, cá lóc đồng thường có trứng, người ta cà nhẹ cho trứng tơi ra, cho vào nồi nước lèo, trứng nổi lên từng hạt nhỏ kết váng vàng tươi trông rất hấp dẫn.

Rau nhút cắt khúc sắp dưới đáy tô. Cho một vốc bún sợi nhỏ vào tô, chế nước lèo thật nóng vào bún, chắt ráo nước, sau đó cho cá và tép lên trên, đổ nước lèo nóng ngập tô. Ngắt vài cọng rau răm rải lên mặt với vài lát ớt đỏ. Nêm bún bằng nước mắm ngon nguyên chất Phú Quốc thì mới đúng điệu, làm tăng hương vị món bún cá. Đặc biệt, bún cá Hà Tiên không sử dụng hành lá, giá sống và rau thơm các loại, trừ rau răm.


Hủ tiếu hấp Hà Tiên


Hủ tiếu hấp là món ăn dân dã của người Hà Tiên. Bán rong ở lề đường nhưng hủ tiếu hấp vẫn hấp dẫn thực khách…

 Nguyên liệu làm hủ tiếu hấp được sử dụng từ sợi hủ tiếu tươi. Sợi hủ tiếu dai và mềm được hấp cách thủy thay vì trụng nước sôi. Hủ tiếu để lượng vừa phải, thích hợp cho ăn nhẹ trong bữa điểm tâm. Nét khác của hủ tiếu hấp Hà Tiên so với các nơi chính là nước cốt dừa thắng sền sệt béo ngậy. Hủ tiếu hấp ăn với bì trộn thính và thịt heo nạc xắt sợi, chả giò chiên. Riêng chả giò được làm từ khoai cao xắt sợi nhỏ, ướp gia vị và hành tiêu kết hợp với thịt xắt nhỏ. Nhờ đó, chả giò có vị bùi của khoai, ngọt của thịt và thơm của gia vị.

 Món ăn này được bán khá nhiều ở thị xã Hà Tiên nhưng lại hiếm khi xuất hiện ở các nhà hàng, quán ăn lớn. Theo những người sành ăn ở Hà Tiên, hủ tiếu hấp ngon nhất Hà Tiên bán ở góc đường Mạc Công Du-Lam Sơn, phía sau chợ nhà lồng cũ.

Xôi Hà Tiên


Nhiều du khách đến Hà Tiên (Kiên Giang) thưởng thức xôi dân dã vào bữa sáng đã buột miệng khen: “Xôi Hà Tiên ngon và đẹp”. Màu óng ánh và vị thơm của nếp, vị béo của dừa làm xao xuyến lòng người…

Xôi được nấu từ nếp thơm nên khi vừa chín đã thơm lừng. Đặc biệt, phụ nữ Hà Tiên nấu xôi rất khéo, hạt nếp chín có màu trắng ngà bóng lưỡng, thoạt nhìn đã kích thích thị giác và truyền xung thần kinh đến não tạo cảm giác thèm ăn nơi đầu lưỡi. Nếu chỉ ăn xôi không cũng thấy ngon vì mùi thơm lừng của nếp và độ vừa ăn. Xôi Hà Tiên có 2 loại ngọt và mặn. Xôi ngọt có thêm nước dừa sặc sánh và xoài chín được chế biến sền sệt như nước sốt. Bên trên để thêm chút dừa nạo sợi. Ăn vào béo ngậy, thơm tho. Xôi mặn Hà Tiên không để nhiều gia vị, thịt như các nơi khác. Xôi mặn Hà Tiên chỉ có lớp tôm khô giã sợi nhuyễn để trên bề mặt nhưng hương vị rất đậm đà. Mỗi gói xôi Hà Tiên nhỏ gọn nằm trong lòng bàn tay. Người ăn ít nhất cũng phải thấy thèm ăn thêm nữa khi đã ăn hết gói xôi.
Trang Korea
YeuDuLich.vn

Nguồn: tổng hợp

Điểm du lịch ở Cà Mau

Vườn chim Cà Mau
Vị trí: Thuộc huyện Đầm Dơi, cách thành phố Cà Mau khoảng 45km về phía đông nam.
Đặc điểm: Đây là nơi cư ngụ của các loại cò.
Xem chi tiết >>
Rừng U Minh
Vị trí: Rừng U Minh nằm sát vịnh Thái Lan, thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.
Đặc điểm: Rừng U Minh là kiểu rừng rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo và quí hiếm trên thế giới.
Xem chi tiết >>
Hòn Đá Bạc
Vị trí: Hòn Đá Bạc thuộc xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách Tp. Cà Mau 50km đường thủy.
Đặc điểm: Hòn Đá Bạc có diện tích 6,43ha, là cụm đảo đẹp gồm ba đảo nằm sát bờ biển.
Xem chi tiết >>
Mũi Cà Mau
Vị trí: Mũi Cà Mau thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách Tp. Cà Mau 118km bằng đường thủy.
Đặc điểm: Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam du khách thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển phía Tây.
Xem chi tiết >>
Đình Tân Hưng
Vị trí: Đình Tân Hưng thuộc ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm Tp. Cà Mau 4km về phía nam, trên tuyến kênh rạch Rập, đường đi huyện Cái Nước.
Đặc điểm: Đình được bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích năm 1992.
Xem chi tiết >>
Chùa Quan Âm
Vị trí: 84/4 đường Rạch Chùa, phường 4, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Đặc điểm: Kiến trúc chùa hiện nay do Hoà thượng Thiện Tường và Thiện Đức xây vào năm 1936. Trong chùa có bia dựng "Sắc tứ Quan Âm cổ tự" và tháp Hoà thượng Trí Tâm.
Xem chi tiết >>
Vườn chim trong thành phố
Vị trí: Vườn chim trong thành phố nằm ở Công viên văn hóa (còn gọi là Lâm Viên 19/5), thuộc Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm thành phố chừng 2km về phía tây.
Đặc điểm: Vườn chim trong thành phố là nơi hội tụ nhiều loài chim.
Xem chi tiết >>
Sân chim Ngọc Hiển
Vị trí: Sân chim Ngọc Hiển thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Đặc điểm: Sân chim Ngọc Hiển là điểm du lịch sinh thái và nghiên cứu về các loài chim trong môi trường sinh thái tự nhiên được bảo vệ tốt của Cà Mau.
Xem chi tiết >>
Đảo Hòn Khoai
Vị trí: Hòn Khoai thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách đất liền 14,6km, nằm về phía tây nam thị trấn Năm Căn.
Đặc điểm: Hòn Khoai là đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quí, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã lôi cuốn.
Xem chi tiết >>
Cà Mau
Diện tích: 5.331,7 km²
Dân số: 1.232 nghìn người (năm 2006)
Tỉnh lỵ: Thành phố Cà Mau
Các huyện: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Cái Nước, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình, Năm Căn, Phú Tân.
Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa, Khmer, Tày.
Xem chi tiết >>

Chùm ảnh du lịch bụi Hà Tiên (Kiên Giang)

Dulichbui's Blog - Thị xã Hà Tiên nằm phía Tây Bắc tỉnh Kiên Giang, là một dải đất hẹp nằm ven biển thuộc tỉnh Kiên Giang nổi tiếng với nhiều thắng cảnh đẹp như Bình San điệp thúy (núi dựng một màu xanh), Thạch Động thôn vân (động đá nuốt mây), Đông Hồ ấn nguyệt (hồ phía đông in hình trăng), Châu Nham lạc lộ (cò về núi ngọc), Lộc Trĩ thôn cư (xóm quê Mũi Nai)…(*)
(*) Tên những bài thơ do Mạc Thiên Tứ sáng tác trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Hà Tiên do Tùng Lâm chụp được trong một chuyến du lịch bụi về đây.

Tượng Mạc Cửu
Đền thờ họ Mạc (hay còn được gọi là lăng Mạc Cửu)

Đền thờ họ Mạc (Hà Tiên)

Chùa Phù Dung - Hà Tiên
Thạch Động nhìn từ xa

Mỏm đá giống hình tượng đầu chim đại bàng gắn liền với truyện Thạch Sanh tại Thạch Động
Bia tưởng niệm
Núi Đá Dựng - Hà Tiên


Khu du lịch biển Mũi Nai - Hà Tiên
Biển Mũi Nai

Cửa khâu quốc tế Hà Tiên

Bài, ảnh: Tùng Lâm

Thơ về Biển số xe các tỉnh thành Việt Nam

Cao Bằng 11 chẳng sai,
Lạng Sơn Tây Bắc 12 cận kề.
98 Hà Bắc mời về,
Quảng Ninh 14 bốn bề là Than.
15 , 16 cùng mang.
Hải Phòng dất Bắc chứa chan nghĩa tình.
17 vùng dất Thái Bình.
18 Nam Ðịnh quê mình đẹp xinh.
Phú Thọ 19 Thành Kinh Lạc Hồng.
Thái Nguyên Sunfat, gang, đồng,
Đôi mươi ( 20 ) dễ nhớ trong lòng chúng ta .
Yên Bái 21 ghé qua.
Tuyên Quang Tây Bắc số là 22
Hà Giang rồi đến Lào Cai,
23 , 24 sánh vai láng giềng .
Lai Châu , Sơn La vùng biên
25 , 26 số liền kề nhau.
27 lịch sử khắc sâu,
Đánh tan xâm lược công đầu Điện Biên.
28 Hòa Bình ấm êm,
29 Hà Nội liền liền 32.
33 là đất Hà Tây.
Tiếp theo 34 đất này Hải Dương.
Ninh Bình vùng đất thân thương,
35 là số đi đường cho dân.
Thanh Hóa 36 cũng gần.
37, 38 tình thân,
Nghệ An, Hà Tĩnh ta cần khắc ghi.
43 Ðà Nẵng khó gì.
47 Ðắc Lắc trường kỳ Tây Nguyên.
Lâm Ðồng 49 thần tiên.
50 Thành Phố tiếp gần sáu mươi.( TPHCM 50 - 59 )
Đồng Nai số 6 lần 10 ( 60 ).
Bình Dương 61 tách rời tỉnh xưa. (Tách ra từ Sông Bé)
62 là đất không xa,
Long An Bến Lức khúc ca lúa vàng.
63 màu mỡ Tiền Giang.
Vĩnh Long 64 ngày càng đẹp tươi.
Cần Thơ lúa gạo xin mời.
65 là số của người Cần Thơ.
Đồng Tháp 66 trước giờ.
67 kế tiếp là bờ An Giang.
68 biên giới Kiên Giang
Cà Mau 69 rộn ràng U Minh.
70 là số Tây Ninh.
Xứ dừa 71 yên bình Bến Tre.
72 Vũng Tàu số xe.
73 Xứ QUẢNG vùng quê thanh BÌNH ( Quảng Bình ).
74 Quảng Trị nghĩa tình.
Cố đô nước Việt Nam mình 75.
76 Quảng Ngãi đến thăm.
Bình Ðịnh 77 âm thầm vùng lên.
78 biển số Phú Yên.
Khánh Hòa 79 núi liền biển xanh.
81 rừng núi vây quanh.
Gia Lai phố núi, thị thành Playku.
Kon tum năm tháng mây mù,
82 dễ nhờ mặc dù mới ra.(tách ra của GiaLai Kontum)
Sóc Trăng có số .
84 kế đó chính là Trà Vinh.
85 Ninh Thuận hữu tình.
86 Bình Thuận yên bình gần bên.
Vĩnh Phúc 88 vùng lên.
Hưng Yên 89 nhơ tên nhãn lồng.
Quãng Nam đất thép thành đồng,
92 số mới tiếp vòng thời gian.
93 dất mới khai hoang,
Chính là Bình Phước bạt ngàn cao su.
Bạc Liêu mang sô 94.
Bắc Kạn 97 có từ rất lâu .
Bắc Giang 98 vùng sâu.
Bắc Ninh 99 những câu Quan, hò.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh
Chữ cái trên biển số cho biết quận/huyện đăng ký:
Quận 1 là T;
Quận 2, Quận 9, Thủ Đức: X ;
Quận 3: F;
Quận 4, Quận 7, Nhà Bè: Z,
Quận 5: H;
Quận 6: K;
Quận 8: L;
Quận 10: U;
Quận 11: M;
Quận Bình Tân, Bình Chánh: N;
Quận 12, Hóc Môn, Củ Chi: Y;
Quận Tân Bình: P;
Quận Bình Thạnh: S,
Quận Gò Vấp: V,
Quận Phú Nhuận: R.
Sưu tầm

5 mẹo chống say khi đi tàu xe

Một con người có thể đứng, đi bộ, leo cầu thang, đi thăng bằng trên dây, di chuyển linh hoạt trên đôi chân của mình là nhờ có tiền đình. Tiền đình là một bộ phận trong cơ thể giúp con người cảm nhận không gian, kiểm soát trạng thái cân bằng. Nhưng với những người có tiền đình quá nhậy cảm thì đây lại là một vấn đề. Khi đi tầu xe, tiền đình của hộ sẽ hoạt động mạnh hơn bình thường để cảm nhận không gian và vị trí tương đối của cơ thể.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, 2 giác quan khác là mắt và tai cũng hoạt động tích cực. Thông tin thu nhận từ 3 cơ quan này không thống nhất, dẫn đến cơ thể mất kiểm soát thăng bằng và bắt đầu nôn nao. Vì vậy để không say xe thì phải giảm bớt sự nhậy cảm của tiền đình hay nói vui là tạm tắt nó đi. Có những mẹo vặt để tránh say xe, đánh lừa tiền đình của bạn:

Ngồi ghế trước:
Để không bị xóc, mắt luôn nhìn thẳng về phía trước sẽ đỡ say hơn. Chẳng may vẫn choáng váng, hãy nhắm mắt, hít thở sâu và đung đưa người theo nhịp xe lăn. Hãy tập trung vào vấn đề khác như kể chuyện cười sẽ làm giảm sự căng thẳng cho tiền đình. Vì thế, trong những chuyến du lịch, nếu hướng dẫn viên dí dỏm, hay pha trò, thì trên xe gần như không có người bị say.

Tinh dầu quýt:
Tinh dầu quýt giúp an thần nhẹ làm cân bằng hệ thống thần kinh. Ngoài ra còn có tác dụng chống co thắt dạ dày, ruột nên chống nôn khi đi tàu xe.  Bạn có thể mua ít trái quýt, ăn từng múi, vỏ quýt gấp lại thành một ống nhỏ nhét vào hai lỗ mũi, hay nặn cho tinh dầu bay vào mũi cũng được. Nhiều hãng lữ hành xịt tinh dầu quýt trên xe sẽ giảm thiểu lượng người bị say xe.

Gừng:
Trước ghế ngồi mà bạn có một ly trà gừng ấm thì chắc bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Theo nghiên cứu so sánh công dụng chống say xe của gừng và Dramamin (thuốc chống say xe) thì bột gừng khô có hiệu lực chống say hơn Dramamin, trong khi gừng không gây ra cảm giác buồn ngủ, khô miệng, táo bón và bí đái như dùng Dramamin. Cũng theo nghiên cứu thì tác dụng chống say tàu xe của gừng là do làm êm dịu dạ dày. Vì vậy, trước khi lên xe, bạn mang theo 1 củ gừng tươi đã xắt lát, thỉnh thoảng ngậm 1 lát. Bạn có thể dùng 1 - 2 lát gừng dán lên rốn, băng lại cũng có tác dụng, đặc biệt với trẻ nhỏ sợ vị cay của gừng.

Bánh mì:
Khi ăn bánh mì, tuyến tụy sẽ tiết ra trypsin. Men này trao đổi chất với axit amin trong bánh mì có tác dụng trấn tĩnh thần kinh. Bánh mì không chỉ để ăn. Bạn hãy lấy ruột bánh mì ra mà nhấm nháp suốt dọc đường còn vỏ bánh thì để ngửi để tránh mùi tầu xe.

Bấm huyệt hợp cốc:
Nằm giữa ngón cái và ngón trỏ. Bấm cho đến khi tê là đạt yêu cầu.
Huyệt hợp cốc cũng là cách làm hết say.

Và cuối cùng nếu các cách trên đều vô tác dụng thì bạn chỉ còn cách cầu viện đến những viên thuốc. Nhưng cần nói thêm, bạn có say xe đi mãi cũng quen và hết say, bởi cơ thể luôn có cơ chế tự điều chỉnh để thích nghi. Đừng “trang bị” tâm lý lo sợ thì các triệu chứng “say” sẽ nhanh chóng “bay” ra khỏi não của bạn.

Những Địa Điểm Tham Quan, Du Lịch Ở Hà Tiên

 
Hà Tiên được mệnh danh là một Việt Nam thu nhỏ, nơi có những cảnh đẹp làm sao xuyến lòng người.
 
1. Núi Tô Châu:
    Trên quốc lộ 80 gần đến ngã ba vào nội ô thị xã Hà Tiên, du khách sẽ nhìn thấy núi Tô Châu với vị trí đặc biệt thường được du khách ghé thăm. Núi tiểu Tô Châu nằm sát bờ Đông Hồ, trên sườn núi ngoài vườn tiêu, bạch đàn còn có chùa chiền được xây dựng. Riêng Đại Tô Châu còn có nền đá xưa thời họ Mạc. Trèo lên sườn núi du khách có thể dõi tầm quan sát toàn cảnh thị xã Hà Tiên, sông Giang Thành và xa hơn là khu vực Thất Sơn của tỉnh An Giang.
 
 

2. Thạch Động:
    Thạch Động là một khối đá vôi khổng lồ cao gần 50m, nằm sát quốc lộ 80, cách trung tâm thị xã Hà Tiên 03km về hướng Tây Bắc. Thạch Động còn được gọi là Thạch Động Thôn Vân (động đá nuốt mây) trong thơ ca Tao Đàn Chiêu Anh Các. Và nơi đây đã gắn liền với truyền thuyết “Thạch Sanh Lý Thông”. Tại đây đã từng diễn ra những trận chiến ác liệt chống quân xâm lược, góp phần tô đậm truyền thống anh hùng của quân dân Hà Tiên. Hiện nay dưới chân Thạch Động có bia căm thù tưởng niệm 130 người đã bị bọn diệt chủng pôn pốt tàn sát vào ngày 14.03.1978 tại xã Mỹ Đức.
 
 

3. Bãi Tắm Mũi Nai:
   Qua khỏi cầu Tô Châu đến vòng xuyến rẽ tráitheo tỉnh lộ 28 thuộc phường Pháo Đài khoảng 06 km về phía Tây của trung tâm thị xã Hà tiên, du khách sẽ đến bãi tắm Mũi Nai. Cách đây gần 300 năm, cạnh Mũi Nai có xóm ngư dân đẹp và thơ mộng đã đi vào văn học qua bài thơ Lộc Trĩ Thôn Cư ( xóm núi Mũi Nai) của Tao Đàn Chiêu Anh Các. Đến Mũi Nai, du khách có thể tắm biển, ngắm cảnh thiên nhiên, thưởng thức những đặc sản của miền biển, tham quan các dịch vụ vui chơi giải trí trên biển…
 
 

4. Lăng Mạc Cửu:
    Lăng Mạc Cửu nằm trong quần thể núi Bình San, tọa lạc trên đường Mạc Cửu thuộc phường Bình San , thị xã Hà Tiên, được Bộ Văn Hóa – Thông tin công nhận là “ Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia” vào ngày 21/01/1989. Núi Bình San với tên gọi đầy đủ trong thơ ca của Tao Đàn Chiêu Anh Các là Bình San Điệp Thúy ( Bình San chồng biếc). Và người dân địa phương còn gọi núi Bình San là “ núi Lăng” vì trên núi có lăng tẩm của vị Khai Trấn Quốc Công Mạc Cửu, vị tướng kiêm nhà thơ Mạc Thiên Tích cùng lăng mộ các tướng sĩ đã theo giúp họ Mạc xây dựng và bảo vệ Hà Tiên. Còn dưới chân núi là đền thờ họ Mạc, còn gọi là Mạc Công Miếu với hai câu đối: “ Nhất môn trung nghĩa gia thịnh trọng; Thất diệp phiên hàn quốc sủng vinh”, như ghi lại công lao của dòng họ Mạc đối với đất Hà Tiên.
 
 

5. Chùa Tam Bảo:    
    Chùa Tam Bảo nằm ngay trung tâm thị xã Hà Tiên, tọa lac tại số 75 Phương Thành, phường Bình San. Chùa được thành lập năm 1730, do Mạc Cửu sáng lập để mẹ của ông là Thái Bà Bà tu niệm, bấy giờ gọi là Tiêu Tự. Sau khi bà mất, ông đã cho đúc một tượng phật với một chuông bằng đồng để thờ và tưởng niệm đấng từ thân. Mạc Thiên Tích đã vịnh cảnh “ Tiêu Tự Thần Chung” trong Hà Tiên thập Cảnh như d0ể nói lên tâm tư của mình khi ở nơi dinh thự, khi nghe tiếng chuông chùa vào buổi sáng. Hiện nay, sau chùa còn ngôi mộ của Thái Bà Bà, xung quanh chùa còn lại bức tường cổ gần 300 năm, họ Mạc đã cho xây dựng để ngăn giặc.
 
 

6. Nhà Lưu Niệm Đông Hồ:
    Thi sĩ Đông Hồ, tên thật là Lâm Tấn Phác (1906 – 0965), người con của đất Hà Tiên, đã có công lao rất lớn là đem lại thành tựu quý giá trong công cuộc nghiên cứu và tìm hiểu về Tao Đàn Chiêu Anh Các. Ông cùng người bạn thơ, cùng là bạn đời - nữ sĩ Mộng Tuyết đã làm sáng danh nền văn học Hà Tiên. Chính quyền địa phương cùng gia đình ông đã xây dựng một nhà lưu niệm vào năm 1995, tại số 42 Trần Hầu ngay trung tâm thị xã( trên nề Trí Đức học xá cũ), như để tưởng nhớ những cống hiến cho sự nghiệp văn học, giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Đông Hồ.
 
 

7. Đá Dựng:
    Núi Đá Dựng cao gần 100m, cách trung tâm thị xã Hà Tiên khoảng 06km, từ quốc lộ 80 vào Đá Dựng hơn một cây số, nhìn xa Đá Dựng như một hình thang cân. Trong Hà Tiên Thập Cảnh, Đá Dựng với tên gọi Châu Nham Lạc Lộ ( cò về núi ngọc). Đá Dựng có vị trí chiến lược quan trọng, đã đi vài lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và Quân dân Hà Tiên như một truyền thống hào hùng. Đến tham quan di tích lịch sử Đá Dựng như trở về cội nguồn dân tộc, đồng thời khám phá vẻ đêp kỳ bí của các hang động.
 
 

8. Bãi Bàng:
    Bãi Bàng là một bãi cát bằng phẳng, nồi liền với bãi trước của Mũi Nai, là một bãi tắm tốt, cảnh vật ở đây còn rất hoang sơ, từ đây có thể nhìn thấy đảo Phú Quốc, quần đảo Hải Tặc… trong những ngày trời trong mây tạnh.
 
 

9. Chùa Lò Gạch:
   Chùa nằm dưới chân núi Bình San, cạnh lăng Mạc Cửu, được Hòa Thượng Thích Chí Hòa xây dựng năm 1945, đặt tên là Tịnh Xá Chí Hòa. Do chánh điện của thịnh xá tọa lạc trong một lò gạch bỏ hoang nên người dân địa phương  còn gọi tịnh xá Chí Hòa là chùa Lò Gạch. Năm 1993, tịnh xá Chí Hòa được đổi tên hiệu thành chùa Phật Đà. Chùa tọa lạc tại số 52 Mạc Cửu thuộc phường Bình San.
 

 
 

10. Chùa Năm Ông:
     Chùa Năm Ông nằm ngay trung tâm thị xã Hà Tiên, tọa lạc tại số 52 Mạc Thiên Tích , phường Bình San. Còn được gọi là Miếu Quan Thánh Đế Quân, là một trong những nơi mà người dân địa phương sùng kính tôn thờ coi như chốn linh thiêng. Chùa được thành lập thời Mạc Thiên Tích( sách Gia Định Thành Tông Chí).
 
 

11. Đầm Đông Hồ:
     Đông Hồ là một hồ nước phẳng lặng giữa bốn bề sông núi rất thơ mộng: phía hữu nạn là núi Ngũ Hổ, phía tả ngạn là dãy núi Tô Châu, phía đông có sông Giang Thành, phía tây có sông Hà Tiên đoạn dẫn ra biển. Hồ nước nằm về phía đông thị xã Hà Tiên, rộng khoảng 14km2. Vào những đêm trăng cảnh vật trên Đông Hồ rất đẹp, ánh trăng lung linh trên sóng nước mặt hồ rất đẹp và nên thơ đã đi vào thơ ca hàng trăm năm qua với tên gọi “Đông Hồ Ấn Nguyệt”.
 
 

12. Đình Thần Thành Hoàng:
     Đình Thần Thành Hoàng còn gọi là Đình Thần Hà Tiên, nằm ngay trung tâm thị xã Hà Tiên, tọa lạc trên đường Trần Hầu thuộc phường Đông Hồ. Đình Thần Thành Hoàng có từ rất xa xưa, trước thời vua Minh Mạng, gọi là Miếu Hội Đồng. Năm 1850, chỗ này mới được lợp ngói. Toàn bộ kiến trúc ngôi đình vẫn được giữ nguyên trong lần trùng tu quy mô nhất của các danh sĩ Hà Tiên vào ngày 14/01/1888. Hàng năm, đình tổ chúc cúng kỳ yên vào ngày 15,16 và 17 tháng 02 âm lịch.
 
 

13. Núi Đèn:
      Núi đèn còn gọi là núi Đèn Rọi, gồm hai ngọn núi cách nhau khoảng 300m, núi Đèn Nhỏ(117m) và núi Đèn Lớn(131m), nằm cạnh bờ biển, cách bãi trước của khu du lịch Mũi Nai khoảng 01 km. Lên đỉnh núi Đèn Nhỏ, nơi có ngọn đèn, du khách có thể ngắm cảnh thiên nhiên, hưởng những luồng gió mát từ biển thổi vào, biển khơi chập chùng, đảo to, đảo nhỏ vô cùng kỳ vĩ…
 
 

14. Chùa Phù Dung:
“ Phù Dung Cổ Tự” thuộc phía bắc núi Bình San, được nhiều người biết đến qua tuồng cổ “Áo cưới trước cổng chùa” được hư cấu từ hai nhân vật có thật là Tổng binh Đại Đô Đốc Mạc Thiên Tích và người vợ thứ của ông là bà Nguyễn Thị Xuân. Và đặc biệt nhất là chùa Phù Dung có điện thờ Ngọc Hoàng phía sau chùa.
 
 

15. Chợ Hà Tiên:
     Chợ nằm trên đường Trần Hầu, ngay trung tâm thị xã Hà Tiên, và đây là khu trung tâm thương mại nhộn nhịp nhất của thị xã. Qua khỏi cầu Tô Châu rẽ phải thì đến khu vực chợ. Chợ Hà tiên nằm bên cạnh bờ sông nối liền với công viên Đông Hồ. Ngày nay, Hà Tiên phát triển rất phồn thịnh và các mặt hàng được bán ở chợ cũng đa dạng và phong phú hơn.
 
 

16. Bãi Biển Tà Lu:
     Đi theo tỉnh lộ 28, bãi biển Tà Lu cách bãi sau của khu du lịch Mũi Nai khoảng 800m. Bãi biển nơi đây khá đẹp và lý tưởng, ít sóng và không sâu thẳm. Từ đây du khách có thể nhìn những hòn đảo lớn và nhỏ của nước ta và của nước bạn Campuchia, từ khơi xa nhấp nhô trên mặt biển.
 

 
 

17. Bãi Tắm Bãi Nò:
     Bên cạnh Bãi Nò có xóm chài, nhà cửa đông vui, dưới những hàng dừa cao trông thật đẹp và thơ mộng. Cảnh vật ở đây còn rất hoang sơ và gần với thiên nhiên. Bãi tắm ở đây khá đẹp và lý tưởng. Bãi Nò nồi liền với Núi Đèn, Bãi Bằng và Mũi Nai.
 
 

18. Chùa Thiên Trúc:
      Chùa Thiên trúc tọa lạc tại số 178/11 Phương Thành, phường Bình San , thị xã Hà Tiên. Chùa được thành lập khoảng thế kỷ 17. Chánh điện của chùa được trùng tu năm 1960, có kiến trúc rất độc đáo. Chùa Thiên Trúc còn được dân địa phương gọi là chùa Phật Lớn bởi trong chánh điện của chùa có tượng phật ngồi cao gần 3m.
 
 

19. Cầu Tô Châu:
     Cầu Tô Châu nằm tại vị trí km 337+915-QL 80; dài 541,8m, rộng 11m, được khởi công xây dựng vào ngày 09/07/2000 và hoàn thành vào ngày 30/04/2003. Chiếc cầu bắc qua đôi bờ cửa biển Hà Tiên, nối liền hai bờ Đại Kim Dự và Tiểu Kim Dự, trông thật duyên dáng và đáng yêu.
 
 

20. Mũi Dong:
     Mũi Dong là đoạn bãi biển nằm trãi dài theo quốc lộ 80, gần ngã ba Cây Bàng, thuộc xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên. Bã biển ở đây không sâu lắm do sự bồi đắp thường xuyên của cát biển. Trên đường vào nội ô thị xã, du khách có thể dừng lại nơi đây để ngoạn cảnh sơn thủy hữu tình.
 
 

21. Mũi Ông Cọp:
     Mũi Ông Cọp nằm sát quốc lộ 80, có ngọn núi cùng tên cao hơn 100m, nhô ra biển. Đây là cửa ngõ vào thị xã Hà Tiên. Du khách sẽ thích thú bởi phong cảnh nơi đây thật ngoạn mục, gió từ biển thổi vào lồng lộng, nước biển xanh biếc, đường xá uốn lượn, đồi núi chập chùng…
 
 

22. Chùa Xà Xía:
     Chùa Xà Xía nằm trên tỉnh lộ 28, thuộc xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên. Chùa được xây dựng theo kiến trúc độc đáo của người dân tộc Khmer Nam bộ. Hàng năm , ở đây tổ chức các lễ hội theo phong tục tập quán của người Khmer và cũng giống như đồng bào khmer ở các tỉnh Nam bộ, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của bà con dân tộc Khmer ở địa phương.

HaTienTourist (Tổng hợp)