Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

du lịch Sài Gòn

Du Lịch Hà Nội

XƯA VÀ NAY




XƯA VÀ NAY
Buồn vui mấy chuyện xưa nay
Dăm ba câu chuyện vần xoay ở đời
Xưa chim bay ở trên trời
Nay trong lồng trước,sau ngồi đĩa men
Xưa em áo trắng quần đen
Nay em váy ngắn,ai xem thì tùy
Xưa con lễ phép cực kỳ
Nay con chửi bố,mẹ thì a dua
Xưa ông họ Lã buôn vua
Nay ông còn sống cũng thua buôn …làng
Xưa cha lên núi đào vàng
Nay cha đào ở trong hàng tham quan
Xưa anh giàu có trời ban
Nay anh giàu có ăn gian tiền chùa
Xưa nhà sát vách gió lùa
Nay nhà sát vách có thừa si lanh
Xưa em hay diện xa-tanh
Nay em lên Mẹc tung hoành váy bay
Xưa đi uống rượu để say
Nay đi uống để ký thay hợp đồng
Xưa cô chổng tĩ vót chông
Nay cô đánh đĩ chổng mông lên trời
                                                    Xưa nghe ru điệu à ơi
Nay xem hip hop với lời sexsy
   Xưa ăn nước giềng Long trì
Nay khoan giếng tới âm ty địa tầng
     Xưa ra đình ngắm chị Hằng
Nay ra đình ngắm mấy thằng pê đê
    Xưa lương đủ sống đề huề
Nay lương đưa vợ chỉ về mua rau
Xưa mèo trèo ở cây cau
Nay quân tiểu hổ rủ nhau nhà hàng
    Xưa thi hương,hội rõ ràng
Nay thi đại học xếp hàng là xong
    Xưa em thủ tiết đợi chồng
Nay ra khỏi cửa đã không còn gì
Xưa con chơi oẳn tù tì
Nay con lên Net cái gì cũng xơi
             Xưa nàng tắm nước giếng khơi
Ngày nay nàng cứ bể bơi lộ hàng
        Xưa ông điếu bát mơ màng
Nay con chích phát lên đàng vô tư
    Xưa phong bì để đưa thư
Nay phong bì để làm hư con người
Xưa thơ là để ru đời
Nay thơ là để than lời thiên thu
 (Văn Hinh Bồng)

Chơi chữ:Lục bát toàn T

                                       Tôi tên Tiến,tự:Tiến Tùng
                                 Tên tôi thế tại tổ tông túng tiền
                                       Tuổi thơ tôi tuyệt tựa tiên
                                 Từ thằng thẳng thắn tới tên thật thà
                                       Tính tôi trung thực,thiết tha
                                 Thêm thói te tởn tại ta tinh tường
                                       Tuy thế tôi thích tình thương
                                 Tình thương thế tại tôi thường tương tư
                                        Thất tình tôi thác từ từ
                                 Thôi !Trang tuyệt thế thiên thu !Tại trời!
                                       Tại trước tôi tán  tức thời
                                 Tức thì tôi thấy tả tơi tấm tình
                                        Tôi thường thưởng thức Trạng Trình
                                 Tâm tư tôi tạc trong tranh thủy triều
                                        Tôi tạc tới tận tranh thêu
                                 Thi thoảng tôi thích tự thiêu trên trời
                                        Tôi thương tôi tựa thương …tôi
                                 Thâm tâm tôi thấy thảnh thơi tan tành
                                        Tài tôi  thì thật tưởi tanh
                                 Tuy thế tất thảy tan thành tàn tro
                                        Thường thì tôi thích tôn thờ
                                 Tôn thờ tôi tán thành thơ tâm tình
                                        Thơ tôi trác tuyệt thiên thanh
                                 Từ thôn trang tới thị thành thích tôi
                                        Thân tôi thế tại tôi thôi
                                 Tôi thề tôi tiến tới thời thiên thu.
KNT ST

Những điều ít biết về người thiết kế nhà sàn Bác Hồ

Nhung dieu it biet ve nguoi thiet ke nha san Bac Ho
KTS Nguyễn Văn Ninh
Năm 1957, Bác Hồ trực tiếp giao: “ Chú Ninh hãy thiết kế một ngôi nhà cho Bác, nhưng đó không phải là một ngôi biệt thự !”.
Nguyễn Văn Ninh, sinh ngày 3/2/1908 tại phố Đông Kinh (thị xã Lạng Sơn) - Nơi rộn rã, đầy ắp tiếng lượn, tiếng Sli trong những ngày chợ phiên xứ Lạng. Bóng áo chàm của chàng trai, cô gái Tày - Nùng thấp thoáng sau những dãy nhà trình tường với mái ngói âm dương cong vút đã in đậm trong tấm trí của Ninh.
Năm 12 tuổi, học xong tiểu học, cậu bé Ninh phải từ biệt người thân xuống miền xuôi học tiếp bậc trung học. Những lần học ở trường Bưởi (Hà Nội) Nguyễn Văn Ninh đã tham gia bãi khóa phản đối sự hà khắc của giặc Pháp. Nguyễn Văn Ninh là người ham học hỏi, chịu khó nên đỗ đầu khóa của khoa Kiến trúc đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1926 - 1931).
Năm 1932, ông phiêu bạt vào Huế và trở thành kiến trúc sư cung đình. 10 năm ở Huế, kiến trúc sư đã thiết kế, tu bổ và xây dựng nội ngoại thất các công trình trong thành nội, các lăng tẩm, công thự, biệt thự. Trong đó có một công trình “để đời” đó là nhà nghỉ của Bảo Đại ở Đà Lạt (thiết kế năm 1939, thi công xong năm 1943)...
Là một trí thức yêu nước, có thiện cảm với cách mạng, mùa thu năm 1945 ông tham gia cướp chính quyền ở Đà Lạt và được bầu làm Ủy viên UBND Cách mạng tỉnh Lâm Viên (nay là tỉnh Lâm Đồng).
Cuộc kháng chiến nổ ra, Nguyễn Văn Ninh trở về quê hương xứ Lạng. Ông tham gia vào hoạt động chính quyền cách mạng và tranh thủ thiết kế, thi công nhà Hội trường tỉnh bằng tranh, tre, gỗ đủ cho hàng trăm người họp...
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng và chuyên ngành kiến trúc, Nguyễn Văn Ninh đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhiều công trình do ông thiết kế đã trở thành di sản quý, lưu truyền cho thế hệ sau.
Khi kháng chiến thành công, trở về Hà Nội, ngay sau khi vừa tiếp quản xong Nha Kiến trúc, KTS Nguyễn Văn Ninh được giao nhiệm vụ thiết kế lễ đài Ba Đình để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ về Thủ đô - ngày 1/1/1955 và đài Liệt sĩ Ba Đình..
Nhung dieu it biet ve nguoi thiet ke nha san Bac Ho
Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ chủ tịch
Nhưng một công trình mà ông tâm huyết, lao tâm khổ tứ để làm đó là năm 1957, Bác Hồ trực tiếp giao cho Nguyễn Văn Ninh thiết kế ngôi nhà cho Bác ở. Với một đề tài vô cùng hắc búa là: “Chú Ninh hãy thiết kế một ngôi nhà cho Bác nhưng đó không phải là một ngôi biệt thự !”.
Hàng đêm, Nguyễn Văn Ninh trăn trở suy nghĩ để làm sao ngôi nhà phải toát lên sự giản dị, tư tưởng gần dân và đặc biệt phải tiện ích, kết hợp được vốn dân tộc cổ truyền mà không lạc hậu.
Đã hơn nửa tháng suy nghĩ phác thảo, Nguyễn Văn Ninh nhớ lại những năm tháng Bác hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Rồi cả những ngày bản thân hoạt động cách mạng ở Bản Đao (Tân Văn, Bình Gia, Lạng Sơn) năm 1946.
Khi đó UBND tỉnh ở nhà sàn của dân. Thấy ngôi nhà sàn tiện ích cũng như cách bài trí rất khoa học nên Nguyễn Văn Ninh đã bỏ thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu, đo, vẽ và ghi chép tỉ mỷ cách bố cục, kiến trúc của nhà sàn vào trong cuốn sổ tay...
Một hôm đang giữa đêm ông vùng dậy, giở sổ bắt tay vào thiết kế. Việc thiết kế kéo dài liên tục trong 2 đêm. Khi xem đồ án kiến trúc ngôi nhà, Hồ Chủ tịch đã rất hài lòng. Người nói: “Chú làm việc rất đúng ý của Bác !”.
Một năm sau công trình được đưa vào sử dụng nhân dịp mừng sinh nhật lần thứ 68 của Người... Ngày nay, mỗi lần đến thăm Lăng Bác, ngôi nhà sàn ẩn mình trong những lùm cây xum xuê có dáng vóc trang nghiêm mà giản dị, gần gũi.
Nó thoáng mát, thanh tao mà ấm cúng. Nhà lợp ngói bẻ gốc, rường cột đều là loại gỗ dổi rất bền. Loại gỗ này có vân, khi đánh bóng lên tạo màu sắc rất đẹp. Gỗ có dầu mùi thoang thoảng hương thơm rất dễ chịu. Nhưng nó không phải là loại gỗ “tứ thiết” quý hiếm như người ta tưởng.
Ngày khánh thành ngôi nhà sàn, Bác mời cơm Nguyễn Văn Ninh cùng đội thi công. Đến 16 giờ, mọi người đã tập trung khá đông đủ, nhưng KTS Nguyễn Văn Ninh chưa vẫn có mặt. Quá giờ hẹn độ 2 phút, Bác bảo mọi người ra ngoài vườn chụp ảnh kỷ niệm. Khi người chụp ảnh giương máy lên định chụp thì Nguyễn Văn Ninh chạy tới.
Thì ra ông say sưa nghiên cứu nốt một đồ án xây dựng nên đã đến muộn 5 phút. Bác Hồ thấy vậy liền vẫy tay gọi Nguyễn Văn Ninh đến cho ngồi trước mặt vừa thân ái vừa hài hước nói: “Chú đến muộn rồi nhé. Bác đặt tên cho chú là Kiến. Kiến ở đây có nghĩa là kiến trúc sư vừa có nghĩa là kiến bò chậm, đến muộn...!”.
KTS Nguyễn Văn Ninh vinh dự được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu 2 lần. Ngoài ra, trong sự nghiệp kiến trúc của mình ông còn có nhiều công trình có giá trị như Tượng đài liệt sĩ Bông Lau - Bố Củng (tỉnh Lạng Sơn). Hình khối đài liệt sĩ này đã một thời được coi là khuôn mẫu để khắp nơi làm theo...
KTS Nguyễn Văn Ninh mất ngày 15/4/1975 khi ông chuẩn bị vào Nam. Cơn sốt ác tính đã quật ngã ông ở tuổi 67, nhưng những tác phẩm do ông sáng tạo mãi mãi đi vào lịch sử kiến trúc nước nhà...
Xứ Lạng, tháng Tám 2005
Nguyễn Duy Chiến
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)

Ngắm các thành cổ Việt Nam từ trên cao

1. Thành cổ Hà Nội

Thành cổ Hà Nội và đặc biệt, Hoàng thành Thăng Long là một quần thể di tích gắn liền với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu thời kỳ từ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ 7) qua thời Đinh - Tiền Lê, và sau đó phát triển mạnh mẽ dưới thời Lý, Trần, Lê.

Đây là một công trình kiến trúc cổ kính đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và nó trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích ở Việt Nam.
Đúng vào lúc 6h30 ngày 1/8/2010 (giờ Việt Nam), Ủy ban di sản thế giới đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội là khu di sản văn hóa thế giới. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.

2. Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị nổi tiếng nhất vì gắn liền với trận đánh ác liệt, kéo dài 81 ngày đêm giữ thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam diễn ra năm 1972.

Ngày nay, từ trên cao, người xem có thể nhận ra một cách rõ rệt các trục đường ngang dọc bắt chéo thành hình chữ thập chia khu vực thành cổ Quảng trị thành 4 ô vuông đều nhau.

3. Kinh thành Huế

Kinh Thành Huế là tòa thành nằm ở cố đô Huế, nơi đóng đô của vương triều nhà Nguyễn trong suốt 140 năm (tức từ năm 1805 đến 1945). Hiện nay Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.

Hiện nay, Kinh thành Huế có vị trí trong bản đồ Huế như sau: phía nam giáp đường Trần Hưng Đạo và Lê Duẩn; phía tây giáp đường Lê Duẩn; phía bắc giáp đường Tăng Bạt Hổ; phía đông giáp đường Phan Đăng Lưu.
Kinh Thành Huế được quy hoạch ở bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520 ha. Kinh Thành và mọi công trình kiến trúc của Hoàng Thành, Tử Cấm Thành đều xoay về hướng Nam, hướng mà trong Kinh Dịch đã ghi “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ“ - ý nói vua quay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ.

Vòng thành có chu vi gần 10km, cao 6,6m, dày 21m được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các đại bác, kho đạn; thành ban đầu chỉ đắp bằng đất, mãi đến cuối đời Gia Long mới bắt đầu xây gạch.

Bên ngoài vòng thành có một hệ thống hào bao bọc ngay bên ngoài. Riêng hệ thống sông đào (Hộ Thành Hà) vừa mang chức năng bảo vệ vừa có chức năng giao thông đường thủy có chiều dài hơn 7 km (đoạn ở phía Tây là sông Kẻ Vạn, đoạn phía Bắc là sông An Hòa, đoạn phía Đông là sông Đông Ba, riêng đoạn phía Nam dựa vào sông Hương.

4. Thành cổ Sơn Tây

Thành cổ Sơn Tây là một tòa thành quân sự xây dựng bằng gạch đá ong (là loại vật liệu xây dựng đặc thù của vùng Sơn Tây), được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia vào năm 1994. Ngày nay, tòa thành này vẫn còn tồn tại ở trung tâm thị xã Sơn Tây, Hà Nội và trở thành một khu di tích lịch sử và kiến trúc quân sự.

Thành được xây dựng theo kiến trúc Vauban (*) vào năm 1822 triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn, tại thủ phủ của trấn Sơn Tây (sau này là tỉnh Sơn Tây). Thành thất thủ vào tay quân đội Pháp vào cuối năm 1883.


5. Thành Bát Quái

Thành Bát Quái - thành Quy là một tòa thành của nhà Nguyễn thuộc Gia Định kinh xây dựng theo kiến trúc Vauban tồn tại từ năm 1790 đến năm 1835.

Ở khu vực mà ngày nay là trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Đây là một công trình có tính phòng thủ quan trọng, giúp các vua Nguyễn giữ vững an ninh vùng Gia Định trong một khoảng thời gian tương đối dài.
Tháng 8 năm Đinh Dậu (7/9/1788), lợi dụng khi quân Tây Sơn đang bận tái lập trật tự Bắc Hà và đánh quân Thanh, Nguyễn Ánh đánh chiếm được Sài Gòn và biến nơi đây thành cơ sở chống lại quân Tây Sơn.

Hai năm sau đó, năm 1790, Nguyễn Ánh chọn đất Sài Gòn làm kinh đô, đổi tên là Gia Định kinh rồi ông nhờ hai người Pháp là Olivier de Puymanel (Việt danh là "Ông Tín") và Le Brun, đều là sĩ quan công binh Pháp, vẽ họa đồ và huy động 30.000 dân phu xây thành bảo vệ thật kiên cố theo kiến trúc Vauban nhưng mang hình Bát Quái, theo định hướng phong thổ Á Đông và mỹ thuật dân tộc Việt Nam. Tường thành cao 15 thước mộc (khoảng 4,8 m), toàn bằng đá ong Biên Hòa kiểu "lục lăng", nhằm củng cố chân đứng của mình trên đất Gia Định.

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, hiệu là Gia Long, dời kinh đô từ Gia Định kinh (Sài Gòn) về Huế. Năm 1811, kinh thành Huế được làm xong thì Gia Định kinh được đổi thành Gia Định thành, trở thành thị sở của quan Tổng trấn Nam Kỳ.

Sau khi vua Minh Mạng xử Lê Văn Duyệt tội "nhị tâm" (hai lòng), con nuôi của Lê Văn Duyệt Lê Văn Khôi nổi loạn, đánh chiếm lấy thành Bát Quái và biến nơi đây thành căn cứ chính cho cuộc nổi dậy từ năm 1833 đến 1835. Sau khi đánh bại Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho phá thành Bát Quái để lập thành Gia Định mới năm 1837. Chính vì sự phá hủy này mà thành Bát Quái còn bị gọi Gia Định phế thành.


6. Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích lịch sử văn hóa liên quan đến sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử.

Nơi đây chính là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn: thống nhất giang sơn, đánh Tống dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô.
Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ…

Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích tự nhiên 13.87 km² thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.

Toàn bộ khu di tích Cố đô Hoa Lư nằm trên địa bàn giáp ranh giới 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình.

7. Thành Đồ Bàn

Thành Đồ Bàn hay Vijaya còn gọi là thành cổ Chà Bàn hoặc thành Hoàng Đế, thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn tỉnh Bình Định, cách 27 km về hướng tây bắc. Toàn thể tòa thành nằm trên một vùng đất cao so với các cánh đồng xung quanh.

Vijaya là kinh đô của Chăm Pa (khi đó có tên Chiêm Thành) kéo dài 5 thế kỷ, từ năm 999 đến năm 1471. Trong khoảng thời gian này, các vua Chăm đã cho xây dựng rất nhiều đền tháp quanh khu vực kinh thành, mà nay vẫn còn tồn tại 8 ngôi tháp.
Cuối thế kỷ 18, Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn sử dụng lại nền cũ của thành Vijaya để xây dựng Thành Hoàng Đế. Năm 1902, thành Hoàng Đế được nhà Nguyễn sử dụng lại và gọi là thành Bình Định. Vào năm 1816, vua Gia Long cho phá bỏ thành Bình Định để chuyển thủ phủ về Quy Nhơn.

Hiện nay dấu tích của vương triều Chăm Pa tại Vijaya còn lại là đôi sư tử đá dùng để trang trí, được chạm đổ theo phong cách nghệ thuật Bình Định vào thế kỷ 12-14, và ngôi Tháp Cánh Tiên, một trong các phong cách nghệ thuật các tháp Chăm.

Di tích Đồ Bàn hiện nay không còn nguyên vẹn, chỉ còn sót lại các bức tường thành. Tường thành xây bằng đá ong, có hào, đường lát đá hoa cương. Trong thành có những di tích cũ của người Chăm như giếng vuông, voi, bên cửa hậu có gò Thập Tháp.

Đặc biệt ngôi tháp Cánh Tiên cao gần 20 m, góc tháp có tượng rắn làm bằng đá trắng, 2 voi đá và nhiều tượng quái vật. Tháp này được đánh giá là tiêu biểu cho phong cách Bình Định, có niên đại nửa sau thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12, nằm trong giai đoạn lịch sử từ triều Harivarman IV (1074-1081) đến triều Harivarman V (1113-1139).

Phía Bắc thành có Chùa Thập Tháp Di Đà (được xây trên nền của mười tháp Chăm cổ), phía Nam thành có chùa Nhạn Tháp, đều là những ngôi chùa cổ. Trong đó còn giữ được nhiều di tích, hiện vật liên quan đến văn hóa Chăm Pa và phong trào Tây Sơn như lăng Võ Tánh, lăng Ngô Tùng Châu, cổng thành cũ.

Trong lăng còn chiếc lầu bát giác cổ kính, trong lầu còn tấm bia đá khắc công tích của Ngô Tùng Châu và Võ Tánh (năm 1800). Bia bằng đá trắng, chịu nhiều gió bụi thời gian đến nay đã mòn cả những chữ Hán khắc trên đó.

8. Thành Cổ Loa

Cổ Loa là kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của Nhà nước dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên. Hiện nay, di tích Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vào vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa. Cổ Loa là một khu đất đồi cao ráo nằm ở tả ngạn sông Hoàng. Con sông này qua nhiều thế kỷ bị phù sa bồi đắp và nay đã trở thành một con lạch nhỏ, nhưng xưa kia sông Hoàng là một con sông nhánh lớn quan trọng của sông Hồng, nối liền sông Hồng với sông Cầu, con sông lớn nhất trong hệ thống sông Thái Bình.

Như vậy, về phương diện giao thông đường thủy, Cổ Loa có một vị trí vô cùng thuận lợi hơn bất kỳ ở đâu tại đồng bằng Bắc Bộ vào thời ấy. Đó là vị trí nối liền mạng lưới đường thủy của sông Hồng cùng với mạng lưới đường thủy của sông Thái Bình. Hai mạng lưới đường thủy này chi phối toàn bộ hệ thống đường thủy tại Bắc bộ Việt Nam.

9. Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ - thành Tây Đô hay thành Tây Giai là kinh đô Việt Nam thời nhà Hồ, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Thành được xây vào năm 1397 dưới triều Trần do quyền thần Hồ Quý Ly chỉ huy. Thành được xây dựng trên địa phận hai thôn Tây Giai, Xuân Giai nay thuộc xã Vĩnh Tiến và thôn Đông Môn nay thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

Thành Tây Đô ở vào địa thế khá hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự quân sự hơn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá. Mặt bằng thành hình chữ nhật chiều Bắc - Nam dài 870,5m, chiều Đông - Tây dài 883,5m. Mặt ngoài ghép bằng đá khối kích thước trung bình 2m x 1m x 0,70 m, mặt trong đắp đất. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng tiền - hậu - tả - hữu.

Trong đó cửa chính nam to nhất, gồm 3 cửa cuốn dài 33,8 m, cao 9,5 m, rộng 15,17 m. Các phiến đá xây đặc biệt lớn (dài tới 7 m, cao 1,5 m, nặng chừng 15 tấn). Thành đã bị phá huỷ, di tích còn lại là các cổng thành bằng đá, thành bậc ở chính diện chạm một đôi tượng rồng đá đẹp, dài 3,62 m. Thành Tây Đô thể hiện một trình độ rất cao về kĩ thuật xây vòm đá vào thời bấy giờ.

10. Thành cổ Bắc Ninh


Bắc Ninh là một trong 13 tỉnh được vua Minh Mạng thành lập đầu tiên ở Bắc Kỳ vào năm 1831. Nguyên là trấn Kinh Bắc thời vua Gia Long, được đổi thành trấn Bắc Ninh năm 1822. Địa bàn tỉnh Bắc Ninh khi ấy bao trùm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, một phần các tỉnh Hưng Yên, Lạng Sơn và thành phố Hà Nội ngày nay.

Bắc Ninh là cửa ngõ phía đông Bắc của Thủ đô, cách trung tâm Hà Nội 31 km về phía Đông Bắc. Phía Tây và Tây Nam giáp thủ đô Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên.

Thành Bắc Ninh có kiến trúc quy hoạch mang dáng dấp các công trình quân sự của Vauban. Nhìn từ trên cao, thành Bắc Ninh có hình ngôi sao 6 cánh nằm trong hình lục lăng, với nhiều hào nước bao quanh.


                                                                                                              Tiến Hoàng (tổng hợp)
(*) Vauban (1633-1707), tên thật là Sébastien Le Prestre, là kỹ sư công binh người Pháp, từng đưa ra phương thức  xây dựng và sửa hơn 300 thành luỹ và đồn bốt của Pháp. Phần lớn trong số này là dùng để phòng thủ cho các vùng biên giới. 

Những pháo đài quân sự xây theo kiến trúc Vauban là một phức hợp các công trình liên quan chặt chẽ với nhau và có giá trị phòng ngự rất cao, bao gồm các bộ phận bảo vệ và đề kháng như lũy, pháo đài, đài quan sát, tường bắn, hào, hộ thành ...

Phương thức cấu trúc của loại thành luỹ này xuất hiện khi quân đội nhiều nước trên thế giới vượt qua khỏi thời đại chiến đấu bằng cung tên và gươm giáo, khi họ được trang bị vũ khí bắn đạn đẩy đi bằng thuốc súng.

Nghệ thuật kiến trúc quân sự này được áp dụng để xây dựng nhiều thành lũy ở một số nước Tây phương và các xứ thuộc địa từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, trong đó có Việt Nam. Toà thành đầu tiên tại Việt Nam xây dựng theo kiến thúc Vauban là thành Bát Quái xây năm 1790 tại Gia Định. Toà thành thứ hai, với quy mô to lớn hơn, chính là Kinh thành Huế.

Đội Ý vô địch thi bắn pháo hoa quốc tế

Tối 30/4, với phần trình diễn xuất sắc mang tên “Cầu vồng Đà Nẵng”, đội Ý đã đoạt chức vô địch cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012. Giải nhì thuộc về đội Pháp và Trung Quốc.
Đội chủ nhà Đà Nẵng và đội Canada đứng ở vị trí thứ ba.
Là đội trình diễn cuối cùng, nhà đương kim vô địch - Công ty Parente Fireworks (Ý) đã đem đến bài thi chủ đề “Cầu vồng Đà Nẵng”.
Màu cam tượng trưng cho tín ngưỡng và những giá trị tinh thần của con người.
Âm thanh nền cho phần trình diễn của đội Ý khá đặc sắc, khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ.
Sự kết hợp màu sắc hài hòa.
Vẽ hình ngôi sao năm cánh trên bầu trời.
Những bông hoa khổng lồ.
Đội Ý đã kết thúc phần trình diễn với màu tím, tượng trưng cho năng lượng giữa bầu trời và trái đất.

Phần trình diễn của đội Pháp

Trình diễn đầu tiên trong đêm thi thứ hai, đội Pháp đã mang đến cho người xem những màn pháo hoa tuyệt đẹp.
Nhà vô địch năm 2010 trình diễn với chủ đề “Ngũ Hành Sơn và Sắc màu cuộc sống”.
Đây là câu chuyện về sức mạnh biểu tượng của mỗi sắc màu trong năm sắc của Ngũ Hành Sơn.
Những ánh sáng mạnh mẽ tôn vinh thành phố trẻ Đà Nẵng trên bước đường hội nhập với những nhà tòa nhà chọc trời.
Đội Pháp đã đoạt giải nhì năm nay.
  • vnexpress
 
  • Đà Nẵng Điện tử giới thiệu màn trình diễn của đội Parente Fireworks (Ý), giải nhất DIFC 2012:
    Ảnh: Thanh Tuyền
    Ảnh: Thanh Tuyền
    Ảnh: Thanh Tuyền
    Ảnh: Thanh Tuyền
    Ảnh:Văn Thành Lê
    Ảnh:Văn Thành Lê
    Ảnh:Văn Thành Lê
    Ảnh:Văn Thành Lê
    Ảnh: Văn Nở
    Ảnh: Văn Nở
    Ảnh:Văn Thành Lê
    Ảnh:Văn Thành Lê
    Ảnh: Văn Nở
    Ảnh: Văn Nở
    Ảnh: Thanh Tuyền
    Ảnh: Thanh Tuyền
    Ảnh: Thanh Tuyền
    Ảnh: Thanh Tuyền
     

Nón làng Chuông: Ngời sáng vẻ đẹp truyền thống


 


Muốn ăn cơm trắng cá trê 
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông

Cách trung tâm Hà Nội chừng 40 km về phía Tây, làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) từ hàng trăm năm nay đã nổi tiếng về nghề làm nón lá. Với 2.400 hộ dân ở đây, nghề làm nón không giàu nhưng đủ sống, hợp với vùng quê nghèo, ít cày cấy. Từ lâu đời, hình ảnh người phụ nữ thướt tha trong tà áo dài và chiếc nón lá hay đằm thắm trong tà áo tứ thân với chiếc nón quai thao, đã in đậm vào tâm thức người Việt Nam. Chiếc nón lá theo người phụ nữ Việt Nam trên mọi nẻo đường, trên những cánh đồng lam lũ, và ngày nay, trên cả những sàn diễn thời trang rực rỡ. Nón làng Chuông đẹp dáng, lại bền, từng là kỷ vật của bao cô gái bước lên xe hoa theo chồng.
Xa xưa, nón làng Chuông là món quà tiến hoàng hậu, công chúa bởi vẻ đẹp rất riêng, được làm nên bởi những bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân làng nghề. Còn ngày nay, nón làng Chuông có mặt khắp nơi, cả trong và ngoài nước.
Nón làng Chuông

Trung bình một ngày, làng Chuông làm được 7.000 chiếc nón, mang tiêu thụ ở các tỉnh. Ngoài ra, nón làng Chuông đã được xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Tuy nhiên, so với các làng nghề khác, người dân làng Chuông vẫn còn nghèo. Nguyên liệu lá lụi phải nhập từ các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, vì làng không tự trồng được. Giá nón xuất đi lại rẻ, chỉ từ 3.000 đến 7.000 đ/chiếc, nên cả gia đình cùng làm thì chỉ thu nhập trung bình một hộ chỉ là 10.000 – 15.000 đ/ngày.

Cầm chiếc nón trắng lóa với những đường khâu khéo léo và chắc chắn trên tay, ít ai biết rằng, để làm nên nó cũng thật lắm công phu. Đầu tiên là việc chọn lá. Lá lụi mua về được vò trong cát rồi phơi hai, ba nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang bạc trắng. Sau đó, lá được lót dưới nắm giẻ, dùng lưỡi cày miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn, không nát.

Vòng nón làm bằng cật nứa vót nhỏ và đều. Khi nối, bắt buộc vòng nón phải tròn và chỗ nối không có vết gợn. Khác với nón thường có đến 20 lớp vòng, nón làng Chuông có 16 lớp vòng, giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại.

Tiếp theo, người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nứa rồi khâu. Khâu là một công đoạn rất khó, vì lá dễ rách, nên chỉ những bàn tay khéo léo, có kinh nghiệm mới làm được. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh thoăn thoắt, nhưng mềm mại, từng mũi khâu thẳng, đều từ vòng trong và vòng ngoài.

Chiếc nón thành hình, người thợ hơ chiếc nón qua hơi diêm sinh làm cho mầu nón trở nên trắng muốt và nón không mốc.

Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp người như nón ba tầm cho các cô gái; nón nhô, nón lông, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Nhưng từ năm 1940 cho đến nay, những người thợ làng Chuông chỉ còn làm duy nhất một loại nón.

Ông Hai Cát, một nghệ nhân giờ đã hơn 80 tuổi, là người có công mang nón Xuân Kiều, còn gọi nón Ba Đồn, về làng sản xuất thay cho các loại nón cổ.

Hiện tại, làng chỉ còn hai nghệ nhân làm nón cổ. Đó là ông Lê Văn Tuy làm nón chóp và ông Trần Văn Canh làm nón ba tầm, còn gọi là nón quai thao.

Làm nón quai thao khó và phức tạp hơn làm nón thường, nhưng lại không sử dụng phổ biến. Bởi vậy, nghề làm nón đã nghèo, làm nón quai thao lại càng nghèo hơn. Nhưng với ý định “Giữ cho một sản vật cổ truyền không bị mất đi trong cuộc sống hiện tại và để con cháu biết giữ gìn nó”, nghệ nhân Trần Văn Canh đã quyết định tìm hiểu và giữ nghề truyền thống làm nón quai thao của làng. Bảy mươi tư tuổi, bị mất một chân trong cuộc chiến tranh, nhưng bàn tay ông vẫn nhanh nhẹn, khéo léo. Sản phẩm ông làm ra được xuất đi theo đơn đặt hàng của đoàn văn công các tỉnh. Những chiếc nón quai thao của ông đã từng được trưng bày tại các triển lãm trong và ngoài nước.

Chợ làng Chuông họp một tháng sáu phiên chính, vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30. Những phiên chợ này chỉ bày bán một thứ hàng duy nhất là nón. Nón được xếp thành từng chồng dài, trắng lóa. Nghề làm nón thích hợp với phụ nữ và họ cũng là người tiêu thụ chủ yếu. Vì thế, các phiên chợ làng thu hút rất đông các bà, các cô tới. Đến phiên chợ làng Chuông vào những ngày đầu năm, mới thấy hết được những đặc sắc của một làng nghề truyền thống, mới biết rằng mầu nón trắng đã trở thành một thứ gần gũi thân thiết với người dân. Mầu trắng của nón lấp loáng khắp nơi, xen lẫn khuôn mặt hồng hào của người thôn nữ, cùng những tiếng cười nói, mời chào rộn ràng. Mặc dù còn nghèo, nhưng nhiều gia đình chỉ làm nón mà đã nuôi hai, ba người con học hết đại học. “Tôi tự hào với nghề truyền thống của làng, nhưng mong rằng, làng nghề được quan tâm nhiều hơn để cuộc sống những người làm nón như chúng tôi bớt khó khăn”. Một nghệ nhân hơn 40 năm gắn bó với nghề, gia đình từng năm đời làm nón, đã thổ lộ như vậy.

Bên những triền đê phơi lá lụi trắng xóa, bàn tay những người dân làng Chuông, từ em bé 7, 8 tuổi cho đến cụ già 70, 80 tuổi vẫn từng ngày gìn giữ vẻ đẹp cho một nghề truyền thống, giữ gìn một nép đẹp bình dị của người phụ nữ Việt Nam, góp thêm niềm tự hào của chúng ta với bạn bè quốc tế.

Tuyệt phẩm pháo hoa của đội Ý vô địch

Chung cuộc DIFC 2012, với màn trình diễn đẹp choáng ngợp, thống lĩnh màn đêm sông Hàn, đội Parente đến từ Ý, ứng viên “lão làng” nhất DIFC 2012 với hơn 100 năm kinh nghiệm trình diễn pháo hoa đã đoạt ngôi vô địch đầy thuyết phục.
Hàng triệu người dân và du khách đến Đà Nẵng hẳn khó mà quên những ấn tượng đẹp nao lòng từ những màn trình diễn hoành tráng và bay bổng, lãng mạn của những nhà trình diễn pháo hoa đẳng cấp quốc tế, từng vô địch DIFC (Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng) 2010 và DIFC 2011: đội J.C.O đến từ nước Pháp và đội Parente - đại diện nước Ý.

Hướng tới chủ đề “Sắc màu Đà Nẵng” của DIFC 2012, đội Jacques Couturier Organisation (J.C.O) đến từ Pháp đã vẽ lên nền trời Đà Nẵng bức tranh danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Vẫn phong cách lãng mạn đầy chất thơ, màn trình diễn của J.C.O một lần nữa dìu người xem đi qua một hành trình cảm xúc bay bổng trong âm nhạc và sắc màu lộng lẫy của pháo hoa. Trên nền trời đêm sông Hàn, trong triệu ánh mắt nhìn ngỡ ngàng, những hiệu ứng pháo hoa lạ và đầy quyến rũ của đội Pháp được trình diễn hết sức điêu luyện.

Các nghệ sĩ J.C.O lần lượt sử dụng những pháo hoa đa sắc tạo ra những hình khối biểu tượng cho 5 ngọn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Pháo hoa đẹp huyền hoặc, thăng hoa cảm xúc phiêu diêu như lạc chân vào những hang động huyền bí, và rồi như quên mình trước biển trời bao la của Non Nước (tên gọi danh thắng Ngũ Hành Sơn của người địa phương)

Một hành trình xúc cảm êm dịu mang lại cho khán thính giả quả thực là món quà tinh tế mà đội Pháp mang đến Đà Nẵng trong lần trở lại thành phố bên dòng sông Hàn này. Từ đôi bên bờ sông Hàn, tiếng trầm trồ không ngớt của người xem đã tán dương màn trình diễn đẹp của đội Pháp.

màn trình diễn bay bổng đầy chất thơ của đội J.C.O đến từ Pháp
Mấy phút lắng đọng sau màn trình diễn pháo hoa của đội Pháp, đôi bên bờ sông Hàn lại rộn ràng khi những tia pháo hoa đầu tiên của những nhà trình dễn pháo hoa đến từ nước Ý (đội Parente) bay lên từ lòng sông.
Nếu như người Pháp mang đến cho khán thính giả những xúc cảm êm dịu thì người Ý lại có một trình diễn pháo hoa quyện hòa trong âm nhạc mang lại những xúc cảm mạnh mẽ. Họ đã mang đến Đà Nẵng một cầu vồng sắc màu rực rỡ.
Pha trình diễn mở màn của đội Ý mở ra với những giai điệu mang âm hưởng âm nhạc thính phòng của bản nhạc phim “August’s Rhapsody in C Major” đầy mê hoặc. Điểm tô trên nền trời là hàng loạt những chùm pháo hoa có đủ những sắc màu của cầu vồng. Và lần lượt từng gam màu chủ đạo chiếm lĩnh màn đêm tượng trưng cho những ý nghĩa đẹp như mô tả của các thành viên nhà Parente cho màn trình diễn của mình: màu đỏ tượng trưng cho quê hương xứ xở đẹp huy hoàng, màu cam tượng trưng cho tín ngưỡng và những giá trị tinh thần, màu vàng phấp phới ánh sao trên nền cờ đỏ sao vàng như một lời ngợi ca của người Ý dành riêng tặng nước chủ nhà Việt Nam, màu xanh lá cây trải ra những cánh rừng, màu xanh da trời là biển, là sông và màu tím tượng trưng cho năng lượng sống, là tinh túy của đất trời, bao gồm trong đó sắc đỏ của sức sống mãnh liệt và cả sắc xanh êm dịu như những cung bậc sắc màu của cuộc sống.
Phần cuối màn trình diễn của đội Ý, cũng là màn trình diễn cuối cùng của DIFC 2012 mang lại một chuỗi những cảm xúc với cung bậc tăng dần và rồi thăng hoa bằng một sự bùng nổ rực rỡ và tuyệt đẹp của hàng ngàn quả pháo hoa thắp sáng cả bầu trời.

Màn trình diễn đẹp thuyết phục của nhà vô địch DIFC 2012 của "lão làng" Parente đến từ Ý
Pháo hoa đẹp vô cùng tràn ngập nơi những đáy mắt người và như đang gieo hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp hơn. “Lão làng” Parente đại diện nước Ý hoàn toàn xứng ngôi quán quân DIFC 2012. Đội Pháp và đội Trung Quốc cùng về nhì. Hai giải ba thuộc về đội chủ nhà Đà Nẵng- Việt Nam và đội Canada.
  • Khánh Hiền (Dantri)