Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Ngắm các thành cổ Việt Nam từ trên cao

1. Thành cổ Hà Nội

Thành cổ Hà Nội và đặc biệt, Hoàng thành Thăng Long là một quần thể di tích gắn liền với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu thời kỳ từ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ 7) qua thời Đinh - Tiền Lê, và sau đó phát triển mạnh mẽ dưới thời Lý, Trần, Lê.

Đây là một công trình kiến trúc cổ kính đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và nó trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích ở Việt Nam.
Đúng vào lúc 6h30 ngày 1/8/2010 (giờ Việt Nam), Ủy ban di sản thế giới đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội là khu di sản văn hóa thế giới. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.

2. Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị nổi tiếng nhất vì gắn liền với trận đánh ác liệt, kéo dài 81 ngày đêm giữ thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam diễn ra năm 1972.

Ngày nay, từ trên cao, người xem có thể nhận ra một cách rõ rệt các trục đường ngang dọc bắt chéo thành hình chữ thập chia khu vực thành cổ Quảng trị thành 4 ô vuông đều nhau.

3. Kinh thành Huế

Kinh Thành Huế là tòa thành nằm ở cố đô Huế, nơi đóng đô của vương triều nhà Nguyễn trong suốt 140 năm (tức từ năm 1805 đến 1945). Hiện nay Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.

Hiện nay, Kinh thành Huế có vị trí trong bản đồ Huế như sau: phía nam giáp đường Trần Hưng Đạo và Lê Duẩn; phía tây giáp đường Lê Duẩn; phía bắc giáp đường Tăng Bạt Hổ; phía đông giáp đường Phan Đăng Lưu.
Kinh Thành Huế được quy hoạch ở bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520 ha. Kinh Thành và mọi công trình kiến trúc của Hoàng Thành, Tử Cấm Thành đều xoay về hướng Nam, hướng mà trong Kinh Dịch đã ghi “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ“ - ý nói vua quay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ.

Vòng thành có chu vi gần 10km, cao 6,6m, dày 21m được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các đại bác, kho đạn; thành ban đầu chỉ đắp bằng đất, mãi đến cuối đời Gia Long mới bắt đầu xây gạch.

Bên ngoài vòng thành có một hệ thống hào bao bọc ngay bên ngoài. Riêng hệ thống sông đào (Hộ Thành Hà) vừa mang chức năng bảo vệ vừa có chức năng giao thông đường thủy có chiều dài hơn 7 km (đoạn ở phía Tây là sông Kẻ Vạn, đoạn phía Bắc là sông An Hòa, đoạn phía Đông là sông Đông Ba, riêng đoạn phía Nam dựa vào sông Hương.

4. Thành cổ Sơn Tây

Thành cổ Sơn Tây là một tòa thành quân sự xây dựng bằng gạch đá ong (là loại vật liệu xây dựng đặc thù của vùng Sơn Tây), được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia vào năm 1994. Ngày nay, tòa thành này vẫn còn tồn tại ở trung tâm thị xã Sơn Tây, Hà Nội và trở thành một khu di tích lịch sử và kiến trúc quân sự.

Thành được xây dựng theo kiến trúc Vauban (*) vào năm 1822 triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn, tại thủ phủ của trấn Sơn Tây (sau này là tỉnh Sơn Tây). Thành thất thủ vào tay quân đội Pháp vào cuối năm 1883.


5. Thành Bát Quái

Thành Bát Quái - thành Quy là một tòa thành của nhà Nguyễn thuộc Gia Định kinh xây dựng theo kiến trúc Vauban tồn tại từ năm 1790 đến năm 1835.

Ở khu vực mà ngày nay là trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Đây là một công trình có tính phòng thủ quan trọng, giúp các vua Nguyễn giữ vững an ninh vùng Gia Định trong một khoảng thời gian tương đối dài.
Tháng 8 năm Đinh Dậu (7/9/1788), lợi dụng khi quân Tây Sơn đang bận tái lập trật tự Bắc Hà và đánh quân Thanh, Nguyễn Ánh đánh chiếm được Sài Gòn và biến nơi đây thành cơ sở chống lại quân Tây Sơn.

Hai năm sau đó, năm 1790, Nguyễn Ánh chọn đất Sài Gòn làm kinh đô, đổi tên là Gia Định kinh rồi ông nhờ hai người Pháp là Olivier de Puymanel (Việt danh là "Ông Tín") và Le Brun, đều là sĩ quan công binh Pháp, vẽ họa đồ và huy động 30.000 dân phu xây thành bảo vệ thật kiên cố theo kiến trúc Vauban nhưng mang hình Bát Quái, theo định hướng phong thổ Á Đông và mỹ thuật dân tộc Việt Nam. Tường thành cao 15 thước mộc (khoảng 4,8 m), toàn bằng đá ong Biên Hòa kiểu "lục lăng", nhằm củng cố chân đứng của mình trên đất Gia Định.

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, hiệu là Gia Long, dời kinh đô từ Gia Định kinh (Sài Gòn) về Huế. Năm 1811, kinh thành Huế được làm xong thì Gia Định kinh được đổi thành Gia Định thành, trở thành thị sở của quan Tổng trấn Nam Kỳ.

Sau khi vua Minh Mạng xử Lê Văn Duyệt tội "nhị tâm" (hai lòng), con nuôi của Lê Văn Duyệt Lê Văn Khôi nổi loạn, đánh chiếm lấy thành Bát Quái và biến nơi đây thành căn cứ chính cho cuộc nổi dậy từ năm 1833 đến 1835. Sau khi đánh bại Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho phá thành Bát Quái để lập thành Gia Định mới năm 1837. Chính vì sự phá hủy này mà thành Bát Quái còn bị gọi Gia Định phế thành.


6. Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích lịch sử văn hóa liên quan đến sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử.

Nơi đây chính là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn: thống nhất giang sơn, đánh Tống dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô.
Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ…

Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích tự nhiên 13.87 km² thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.

Toàn bộ khu di tích Cố đô Hoa Lư nằm trên địa bàn giáp ranh giới 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình.

7. Thành Đồ Bàn

Thành Đồ Bàn hay Vijaya còn gọi là thành cổ Chà Bàn hoặc thành Hoàng Đế, thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn tỉnh Bình Định, cách 27 km về hướng tây bắc. Toàn thể tòa thành nằm trên một vùng đất cao so với các cánh đồng xung quanh.

Vijaya là kinh đô của Chăm Pa (khi đó có tên Chiêm Thành) kéo dài 5 thế kỷ, từ năm 999 đến năm 1471. Trong khoảng thời gian này, các vua Chăm đã cho xây dựng rất nhiều đền tháp quanh khu vực kinh thành, mà nay vẫn còn tồn tại 8 ngôi tháp.
Cuối thế kỷ 18, Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn sử dụng lại nền cũ của thành Vijaya để xây dựng Thành Hoàng Đế. Năm 1902, thành Hoàng Đế được nhà Nguyễn sử dụng lại và gọi là thành Bình Định. Vào năm 1816, vua Gia Long cho phá bỏ thành Bình Định để chuyển thủ phủ về Quy Nhơn.

Hiện nay dấu tích của vương triều Chăm Pa tại Vijaya còn lại là đôi sư tử đá dùng để trang trí, được chạm đổ theo phong cách nghệ thuật Bình Định vào thế kỷ 12-14, và ngôi Tháp Cánh Tiên, một trong các phong cách nghệ thuật các tháp Chăm.

Di tích Đồ Bàn hiện nay không còn nguyên vẹn, chỉ còn sót lại các bức tường thành. Tường thành xây bằng đá ong, có hào, đường lát đá hoa cương. Trong thành có những di tích cũ của người Chăm như giếng vuông, voi, bên cửa hậu có gò Thập Tháp.

Đặc biệt ngôi tháp Cánh Tiên cao gần 20 m, góc tháp có tượng rắn làm bằng đá trắng, 2 voi đá và nhiều tượng quái vật. Tháp này được đánh giá là tiêu biểu cho phong cách Bình Định, có niên đại nửa sau thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12, nằm trong giai đoạn lịch sử từ triều Harivarman IV (1074-1081) đến triều Harivarman V (1113-1139).

Phía Bắc thành có Chùa Thập Tháp Di Đà (được xây trên nền của mười tháp Chăm cổ), phía Nam thành có chùa Nhạn Tháp, đều là những ngôi chùa cổ. Trong đó còn giữ được nhiều di tích, hiện vật liên quan đến văn hóa Chăm Pa và phong trào Tây Sơn như lăng Võ Tánh, lăng Ngô Tùng Châu, cổng thành cũ.

Trong lăng còn chiếc lầu bát giác cổ kính, trong lầu còn tấm bia đá khắc công tích của Ngô Tùng Châu và Võ Tánh (năm 1800). Bia bằng đá trắng, chịu nhiều gió bụi thời gian đến nay đã mòn cả những chữ Hán khắc trên đó.

8. Thành Cổ Loa

Cổ Loa là kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của Nhà nước dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên. Hiện nay, di tích Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vào vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa. Cổ Loa là một khu đất đồi cao ráo nằm ở tả ngạn sông Hoàng. Con sông này qua nhiều thế kỷ bị phù sa bồi đắp và nay đã trở thành một con lạch nhỏ, nhưng xưa kia sông Hoàng là một con sông nhánh lớn quan trọng của sông Hồng, nối liền sông Hồng với sông Cầu, con sông lớn nhất trong hệ thống sông Thái Bình.

Như vậy, về phương diện giao thông đường thủy, Cổ Loa có một vị trí vô cùng thuận lợi hơn bất kỳ ở đâu tại đồng bằng Bắc Bộ vào thời ấy. Đó là vị trí nối liền mạng lưới đường thủy của sông Hồng cùng với mạng lưới đường thủy của sông Thái Bình. Hai mạng lưới đường thủy này chi phối toàn bộ hệ thống đường thủy tại Bắc bộ Việt Nam.

9. Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ - thành Tây Đô hay thành Tây Giai là kinh đô Việt Nam thời nhà Hồ, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Thành được xây vào năm 1397 dưới triều Trần do quyền thần Hồ Quý Ly chỉ huy. Thành được xây dựng trên địa phận hai thôn Tây Giai, Xuân Giai nay thuộc xã Vĩnh Tiến và thôn Đông Môn nay thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

Thành Tây Đô ở vào địa thế khá hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự quân sự hơn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá. Mặt bằng thành hình chữ nhật chiều Bắc - Nam dài 870,5m, chiều Đông - Tây dài 883,5m. Mặt ngoài ghép bằng đá khối kích thước trung bình 2m x 1m x 0,70 m, mặt trong đắp đất. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng tiền - hậu - tả - hữu.

Trong đó cửa chính nam to nhất, gồm 3 cửa cuốn dài 33,8 m, cao 9,5 m, rộng 15,17 m. Các phiến đá xây đặc biệt lớn (dài tới 7 m, cao 1,5 m, nặng chừng 15 tấn). Thành đã bị phá huỷ, di tích còn lại là các cổng thành bằng đá, thành bậc ở chính diện chạm một đôi tượng rồng đá đẹp, dài 3,62 m. Thành Tây Đô thể hiện một trình độ rất cao về kĩ thuật xây vòm đá vào thời bấy giờ.

10. Thành cổ Bắc Ninh


Bắc Ninh là một trong 13 tỉnh được vua Minh Mạng thành lập đầu tiên ở Bắc Kỳ vào năm 1831. Nguyên là trấn Kinh Bắc thời vua Gia Long, được đổi thành trấn Bắc Ninh năm 1822. Địa bàn tỉnh Bắc Ninh khi ấy bao trùm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, một phần các tỉnh Hưng Yên, Lạng Sơn và thành phố Hà Nội ngày nay.

Bắc Ninh là cửa ngõ phía đông Bắc của Thủ đô, cách trung tâm Hà Nội 31 km về phía Đông Bắc. Phía Tây và Tây Nam giáp thủ đô Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên.

Thành Bắc Ninh có kiến trúc quy hoạch mang dáng dấp các công trình quân sự của Vauban. Nhìn từ trên cao, thành Bắc Ninh có hình ngôi sao 6 cánh nằm trong hình lục lăng, với nhiều hào nước bao quanh.


                                                                                                              Tiến Hoàng (tổng hợp)
(*) Vauban (1633-1707), tên thật là Sébastien Le Prestre, là kỹ sư công binh người Pháp, từng đưa ra phương thức  xây dựng và sửa hơn 300 thành luỹ và đồn bốt của Pháp. Phần lớn trong số này là dùng để phòng thủ cho các vùng biên giới. 

Những pháo đài quân sự xây theo kiến trúc Vauban là một phức hợp các công trình liên quan chặt chẽ với nhau và có giá trị phòng ngự rất cao, bao gồm các bộ phận bảo vệ và đề kháng như lũy, pháo đài, đài quan sát, tường bắn, hào, hộ thành ...

Phương thức cấu trúc của loại thành luỹ này xuất hiện khi quân đội nhiều nước trên thế giới vượt qua khỏi thời đại chiến đấu bằng cung tên và gươm giáo, khi họ được trang bị vũ khí bắn đạn đẩy đi bằng thuốc súng.

Nghệ thuật kiến trúc quân sự này được áp dụng để xây dựng nhiều thành lũy ở một số nước Tây phương và các xứ thuộc địa từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, trong đó có Việt Nam. Toà thành đầu tiên tại Việt Nam xây dựng theo kiến thúc Vauban là thành Bát Quái xây năm 1790 tại Gia Định. Toà thành thứ hai, với quy mô to lớn hơn, chính là Kinh thành Huế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét