Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Khám phá giếng phun địa nhiệt đẹp kỳ lạ

Nằm trong thung lũng Hualapai (Mỹ), cách khu vực Bắc Gerlach, Nevada khoảng 32 km. Giếng phun địa nhiệt Fly Geyser tình cờ được hình thành vào năm 1916 trong quá trình khoan giếng.

Trong những thập kỷ đầu, giếng này có chức năng cung cấp nước như bình thường. Tuy nhiên, nhiều năm sau người ta phát hiện ra một điểm nước nóng địa nhiệt trên tường và rồi bắt đầu bắt đầu phun ra khỏi mặt giếng.

Dòng nước khoáng bắt đầu tăng lên không ngừng, tạo ra một vòi nước trên mặt giếng, phun trào cho đến ngày nay.
Những mạch phun để lại các cột nước cao tới 1,5m tính từ mặt giếng. Trong nước có nhiều loại chất khoáng khác nhau, bao gồm cả dioxit lưu huỳnh, chính chất này đã tạo ra màu sắc tuyệt đẹp cho giếng phun.

Khám phá giếng phun địa nhiệt đẹp kỳ lạ

Khám phá giếng phun địa nhiệt đẹp kỳ lạ

Khám phá giếng phun địa nhiệt đẹp kỳ lạ

Khám phá giếng phun địa nhiệt đẹp kỳ lạ

Khám phá giếng phun địa nhiệt đẹp kỳ lạ
Theo Người Đưa Tin

Lạc vào xứ sở của Alibaba

Nền văn minh Ba Tư cổ lâu đời rất đáng để cho bạn khám phá.

Persepolis (thành cổ Ba Tư) là một địa danh rất nổi tiếng, là kinh đô nghi lễ của Đế quốc Ba Tư dưới thời Achaemenes – đề quốc đầu tiên của người Ba Tư (tồn tại trong khoảng 690 – 328 TCN).
 

Xứ sở nên thơ của Alibaba
 
Kiến trúc lộng lẫy nhất trong quần thể Persepolis chính là cung điện Apadana. Được xây dựng trong vòng 30 năm Apadana thực sự là một kiệt tác kiến trúc với những cột đá được chạm khắc tinh xảo phô diễn tài năng của người thợ thủ công Ba Tư cổ đại.

Hàng năm, tại Persepolis đều có tổ chức nghi lễ cúng tế thần linh và các lễ hội mang tính chất cộng đồng.

Cho đến ngày nay , thời gian và chiến tranh đã tàn phá hầu hết Persepolis nhưng những giá trị văn hóa và kiến trúc của Persepolis vẫn luôn tồn tại. Persepolis chính là minh chứng vĩ đại cho sự hưng thịnh của đế quốc Ba Tư cổ đại.
 



Chắc chắn khi bạn còn bé, không ai là không từng say sưa với câu chuyện Alibaba nổi tiếng và mơ ước một lần được đến thăm vùng đất của chàng trai tài hoa này. Vậy tại sao hè này, bạn không làm một chuyến du lịch đến Ba Tư nhỉ? Chắc chắn sẽ có nhiều điều thú vị đang chờ đợi bạn.
Theo Gia Đình Xã Hội

10 thị trấn ma quái hấp dẫn nhất thế giới

Những thành phố bị lãng quên đầy bí ẩn có sức hút đặc biệt đối với những du khách có máu phiêu lưu.
1. Bodie (California, Mỹ)
Bodie có lẽ là thị trấn ma quái nổi tiếng nhất thế giới khi có hẳn một trang mạng xã hội riêng. Thị trấn này được xây dựng vào thời kì hoàng kim của cơn sốt tìm vàng. Đến năm 1880, dân số nơi đây đã đạt đến con số 10.000. Nhưng dần dần, Bodie bị lãng quên sau nhiều cơn hỏa hoạn.

Bodie (California, Mỹ)

2. Hashima (Nhật Bản)
Hòn đảo này nằm ngoài khơi, cách thành phố Nagasaki của Nhật 19 km. Vào năm 1890, đảo được công ty Mitsibishi mua lại để khai thác các mỏ than. Và các toà nhà bê tông đầu tiên nhiều tầng được xây dựng cho các gia đình người lao động, với chiều dài 160 m2, chiều rộng 450 m2 làm nơi sinh sống của 5000 người khai thác mỏ than. Năm 1974 nhà máy bị đóng cửa vì nguồn than cạn kiệt. Nơi đây cũng trở nên hoang hóa. Cho tới tháng 4 năm 2009 nhà máy được mở cửa trở lại và Hashima thu hút khách du lịch tham quan bằng thuyền.

Hashima (Nhật Bản)


3. Pripyat (Ukraine)
Pripyat được xây dựng vào những năm 1970, làm nơi ở cho công nhân nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Thị trấn này có hơn 50.000 cư dân sinh sống, nhưng bị bỏ hoang sau thảm hoạ hạt nhân tại nhà máy này.
 
 Pripyat (Ukraine)

4. Pod Sanzhi City ( Đài Loan)
Đây là một dự án về trung tâm nghỉ dưỡng được thiết kế cho tương lai, nhưng bị bỏ một cách nhanh chóng vì lí do thiếu kinh phí và tai nạn lao động trong quá trình xây dựng.
 
 Pod Sanzhi City ( Đài Loan)

5. Kolmanskop (Namibia)
Thị trấn này xây dựng vào năm 1908 khi người Đức nhập cư khai thác kim cương. Theo thời gian, mỏ kim cương nơi đây bị cạn kiệt, người lao động bỏ đi hết. Thị trấn bị bỏ hoang này ngày nay là địa điểm thu hút khách du lịch và là sân chơi cho các nhiếp ảnh gia.
 
Kolmanskop (Namibia)

6. Cracow (Italy)
Một thành phố hấp dẫn thời Trung cổ mà bây giờ trở thành trường quay cho nhiều bộ phim nổi tiếng (Quantum of Solace, The Passion of the Christ…)
 
Cracow (Italy)

7. Varosha (Cyprus)
 Thành phố này chiếm 1/4 diện tích thành phố Famagusta. Hồi những năm 1970, nơi đây là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của thế giới, nơi yêu thích của các ngôi sao giàu có nổi tiếng như Elizabeth Taylor, Richard Burton, Raquel Welch và Brigitte Bardot. Nhưng vào năm 1974 xảy ra cuộc xung đột với người dân Thổ Nhĩ Kì, người dân Cryprus bỏ đi hết. Cho tới bây giờ nơi đây vẫn còn bị bỏ hoang.


Varosha (Cyprus)

8. Agdam (Azerbaijan)
Là một thành phố cổ nằm ở phía tây nam Azerbaijan, có hơn 50.000 dân sinh sống. Do xảy ra chiến tranh ác liệt giữa Nagorno - Karabakh (1988-1994) nên dân cư sơ tán hết.


Agdam (Azerbaijan)

9. Kadykchan (Nga)
Kadykchan là một thị trấn nằm sâu trong hẻm núi nhỏ, do những tù nhân Gulag xây dựng trong thế chiến thứ II. Sau đó nó làm chỗ cư ngụ của thợ mỏ để khai thác than. Rồi nhu cầu cung ứng giảm xuống, cộng thêm vụ nổ tại mỏ làm cho 6 người thiệt mạng vào năm 1996, người ta quyết định đóng cửa hầm mỏ hoàn toàn. Cũng theo số liệu thống kê thì dân số của thị trấn này giảm từ 10.270 năm 1986 đến 287 năm 2007.
 
Kadykchan (Nga)

10. Oradour-sur-Glane (Limousin, Pháp)


Oradour-sur-Glane (Limousin, Pháp)

Tên Oradour-sur-Glane vẫn gắn liền với cuộc thảm sát của Phát xít Đức tại đây hồi Thế chiến II. Những đống đổ nát của thị trấn này vẫn giữ uy nguyên như một minh chứng cho nỗi đau của đàn bà, trẻ con và đàn ông trong thị trấn này bị giết hại ngày 10/6/1944.
Theo Zing

Kẹo Sìu Châu


Nguyên liệu làm ra kẹo Sìu Châu là lạc hoặc lạc pha lẫn với vừng, kết hợp với đường và gạo nếp thơm. Để làm kẹo Sìu Châu ngon thì quan trọng nhất là phải có nguyên liệu tốt: hạt lạc được lựa chọn rất kỹ mà theo dân gian phải là loại "lạc bò". Loại lạc này không quá to, mẩy, ăn rất béo. Bí quyết để có kẹo Sìu Châu ngon là công đoạn khử vị chát của lạc. Đường phải là đường kính trắng loại đặc biệt.
Lạc được rang chín tới, cho vào nấu với đường, quyện mạch nha. Khi nấu, phải chú ý sao cho vừa đủ lửa, không to quá cũng không nhỏ quá để kẹo vừa chín tới.
Nếu như ví kẹo Sìu Châu với vẻ đẹp của người con gái thì người nào đó đã từng biết và thưởng thức nó sẽ phải thốt lên: "Thật là được cả sắc lẫn hương". Này nhé, những thanh kẹo mới nhìn thôi đã đủ hấp dẫn rồi; toàn thanh kẹo ánh lên màu óng ánh của mật ong. Thanh kẹo trong như hổ phách nhìn rõ từng hạt lạc bên trong. Từng thanh kẹo xù xì được bọc trong lớp áo làm từ bột nếp hương, thoảng mùi thơm mát như hương thơm của cánh đồng lúa vào mùa gặt.
Nào, bây giờ bạn ghé môi cắn một miếng kẹo Sìu Châu, bạn sẽ cảm nhận được sự giòn tan. Hãy nhai thật kỹ, vị ngọt của kẹo sẽ thấm đượm, lan tỏa, thấm đến cổ họng vấn vương mãi không thôi. Đặc biệt kẹo ăn không dính răng nên có thể thoải mái nhâm nhi và có thể để rất lâu mà không chảy nước.
   
 

GẠO TÁM XOAN HẢI HẬU NAM ĐỊNH


"Cơm Tám ăn với chả chim. Chồng đẹp, vợ đẹp những nhìn mà no". Không biết trong dân gian có bao nhiêu câu ca dao tục ngữ nói về sự quý giá, cao sang của hạt gạo Tám xoan - loại gạo kén cả nồi thổi, lẫn thức ăn đi cùng. Chả thế, một thời gạo Tám xoan đã khiến cả dãy phố Hà Nội trở nên nổi tiếng. Khách sang, kén ăn dù ở đâu về cũng tìm đến phố cơm Tám giò chả Hàng Buồm để thưởng thức.
Theo các cụ "lão nông tri điền" ở Hải Hậu - nơi có gạo Tám xoan nổi tiếng cả nước, thứ gạo trắng trong, thơm ngon tinh khiết này là sự gắn kết tuyệt vời của thiên nhiên và con người. Cũng như nhãn Hưng Yên, cam Bố Hạ, chè Thái Nguyên,... đâu phải xã nào, huyện nào cũng trồng được. ở Hải Hậu, gạo Tám Xoan chỉ trồng được ở vùng đất "Cửu An, Nhất Phúc" (tên gọi của 9 thôn có chữ đầu là An và thôn Phúc Khải) của vùng ven sông Ninh và sông Kim Giang.
Gạo Tám Xoan có từ bao giờ?
Hải Hậu vốn là huyện có trình độ thâm canh và năng suất lúa cao trong cả nước. "Vật đổi, sao dời", nhưng gạo Tám thơm vùng quê Hải Hậu vẫn giữ được tiếng thơm đến tận bây giờ. Những năm tháng chiến tranh, cho dù năng suất thấp, kỹ thuật trồng cấy cầu kỳ, nhưng các xã có chân ruộng cấy gạo Tám vẫn không bỏ đi thứ đặc sản quý báu mà cha ông để lại. Nhờ vậy, ngày ấy mỗi khi có khách quốc tế đến Việt Nam, cơm Tám vẫn có mặt trong các bữa cơm mời bạn.
Cụ Hiếu ở xã Hải Giang - người cao tuổi nhất trong xã đã 70 năm sống bằng nghề nông - cho biết: "Trồng lúa Tám khó và công phu lắm. Nhưng công người bỏ ra bao nhiêu thì hạt gạo dâng tặng lại cho hương thơm bấy nhiêu. Chứ lúa Tám mà cứ trồng tràn lan và bón đầy phân hoá học thì khi thổi cơm chỉ có mà nhạt thếch".
Chẳng biết từ bao giờ, người trồng lúa Tám thơm ở Hải Hậu cứ cha truyền con nối, răm rắp làm theo công thức chọn đất tốt, cày ngâm, bừa ải, cấy sớm gặt muộn, khi gặt phải vào lúc lúa "chín tám" sau tiết hạn lộ, còn chăm bón thì phải phân chuồng, kèm phân xanh là lá xoan, lá tràm,... Đến những năm 1980, một vài nơi đã có máy xay xát hỗ trợ người nông dân, nhưng người làm lúa Tám Hải Hậu vẫn theo lối cổ truyền với những chiếc cối xay hoà nhịp cùng tiếng chày giã gạo thậm thịch thâu đêm.
Tiếng lành đồn xa
Vào vụ gặt, nếu ai có dịp đi qua những cánh đồng của các xã Hải Toàn, Hải Phong, Hải An, Hải Giang,... những nơi có diện tích trồng lúa Tám dường như đều cảm thấy bầu không khí như được ướp hương thơm. Ra khỏi làng rồi mà vẫn tưởng như hương thơm lúa Tám phảng phất đâu đây. Vào nhà nào mà thấy ngoài những cót thóc tẻ lại có chum vại, phủ lá chuối khô đậy kỹ lưỡng thì biết là đựng thóc Tám. Những năm gần đây, với xu thế sản xuất hàng nông sản, ngoài các xã chuyên canh, một số địa phương khác trong huyện cũng chọn vùng đất tốt chuyển sang cấy lúa Tám. Chính vì thế sản lượng gạo Tám ở Hải Hậu có năm lên tới 10 nghìn tấn. Gạo xuất bán theo đường tiểu ngạch ra nước ngoài, bán trên thị trường trong Nam ngoài Bắc, nhưng tiêu thụ mạnh nhất vẫn là Hà Nội.
Song mua được gạo Tám Hải Hậu chính hiệu không phải dễ. Có trường hợp bao bì chữ in là thế, nhưng chất lượng sản phẩm bên trong lại không như ý muốn vì là gạo lai tạp không rõ xuất xứ. Đó còn chưa nói đến chuyện, nhiều giống lúa mới có hạt gạo thơm dài được người bán vò thứ lá có mùi thơm na ná như gạo Tám để đánh lừa người tiêu dùng,... Vì thế, khi Viện khoa học - kỹ thuật nông nghiệp kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định xúc tiến xây dựng thương hiệu cho gạo Tám, người dân Hải Hậu rất vui mừng.
Theo Namdinh.gov.vn

Kẹo Sìu Châu - quà quê đặc sản xứ thành Nam

Ăn miếng kẹo Sìu Châu giòn tan, thơm bùi và ngọt thanh mà không dính răng. Thưởng thức kẹo cùng một chén trà nóng trong không khí se lạnh và lất phất mưa xuân thì ngon không gì bằng.
Xuân có kẹo Sìu, Xuân đượm sắc
Tết có thơ Vỵ, Tết Nguyên Hương!
Nhắc đến hai câu thơ ấy, ngày Tết đến xuân về, người ta nhớ ngay tới vị ngọt ngào, giòn tan của kẹo Sìu Châu xứ thành Nam, thứ kẹo quyện giữa hạt vừng, hạt lạc và bàn tay khéo léo của con người nơi đây làm cho vị Tết thêm đậm đà, tinh khiết.

Kẹo Sìu Châu 
Nếu có dịp về đất Nam Định những ngày này, không khí làm kẹo Sìu nhộn nhịp khắp các lò, các xưởng. Bởi đây là thứ kẹo thường được ưa chuộng vào những ngày Tết, một miếng kẹo nhấm nháp cùng ly trà xanh, chúc tụng nhau đầu xuân được xem là nét văn hóa vẫn còn lưu giữ trong nhiều gia đình.
Kẹo Sìu Châu gần giống với kẹo lạc nhưng thơm và ngon hơn. Ngay cái tên kẹo Sìu Châu cũng gây cho nhiều người sự tò mò, thích thú. Theo người dân Nam Định, cái tên kẹo Sìu Châu đã có từ rất lâu đời và gắn liền với một cửa hàng làm kẹo ngon có tiếng. Cửa hàng đó được đặt trước đền Triều Châu ngay bến Ngự sông Vị hoàng (con sông lấp nổi tiếng trong thơ Tú Xương), nên nhân dân quanh vùng quen gọi là kẹo ngon trước cửa đền Triều Châu, rồi gọi đơn giản hơn cho dễ nhớ là kẹo Triều Châu, rồi thành kẹo Sìu Châu hay kẹo Sìu như ngày nay.
Nguyên liệu làm kẹo Sìu Châu rất dễ kiếm, gồm lạc, vừng, đường, mạch nha. Lạc chọn làm kẹo phải được chọn lọc cẩn thận từ những hạt lạc to, mẩy, bóng vỏ và tròn, khi rang chín phải giòn, thơm bùi, vỏ săn lại. Vừng có thể là vừng trắng hoặc vừng đen, mỗi loại vừng sẽ làm cho kẹo Sìu ngon một vị và màu sắc cũng khác nhau. Sau khi vừng và lạc rang chín sẽ được tách vỏ, sẩy cho thật sạch.
Khâu tiếp theo nấu đường với mạch nha trên bếp to lửa, khi hỗn hợp đường sôi lên thì cho lạc và vừng vào đảo đều tay sao cho lạc và vừng quyện lấy nhau cho đến khi sóng sánh màu nâu hồng là được. Bước cuối cùng là đổ hỗn hợp kẹo còn nóng lên khay có bột nếp để kẹo chống ẩm và nhanh tay cán mỏng kẹo để cắt thành phên hay chia thành từng miếng vuông nhỏ cho vừa miệng.
Ăn miếng kẹo Sìu châu giòn tan, thơm bùi và ngọt thanh mà không dính răng. Thưởng thức kẹo cùng một chén trà nóng trong không khí se lạnh và lất phất mưa xuân thì ngon không gì bằng.
Ngày nay, kẹo Sìu Châu được biết đến là thứ kẹo quê dân dã không thể thiếu khi Tết đến xuân về và là thứ kẹo ngon rất đỗi tự hào của vùng đất học, đất văn xứ Thành Nam.
(Theo Vnexpress)

Về Nam Định thưởng thức “bánh cuốn làng Kênh”

Làng Kênh lắm ao, nhiều hồ, dân cư đông đúc có nghề làm bánh cuốn… Không phải ngẫu nhiên trong dân gian lại có câu: “Chổi Vĩnh Trường, bánh cuốn Kênh, tương Tức Mặc, rau muống Thượng Lỗi”.
Sản phẩm làm bằng gạo của làng Kênh nghe đâu còn là thứ quà quý để dâng vua và cụ tổ nghề còn được vua Trần sắc phong Thành hoàng làng. Chỉ có điều qua năm tháng chiến tranh, bây giờ tìm tại dấu tích xưa cũng không còn ai biết đã lưu lạc phương nào. Nhưng chắc chắn rằng bánh cuốn làng Kênh đã từng là món ăn nổi tiếng một thời và đến nay số người quay lại làm nghề cũng không phải là ít. 
Một trong gần năm chục gia đình quay lại nghề bánh cuốn những năm gần đây là anh Trần Đăng Chiểu, con trai ông Trần Đăng Giảng, một trong hàng trăm gia đình làm bánh cuốn nổi tiếng ở làng Kênh trước đây. Anh Chiểu có quá nhiều kỷ niệm ấu thơ dính dấp tới bánh cuốn. Như người ta nói: "Buôn trầu ăn chũm cau", nhà làm bánh cuốn, nhưng anh chỉ được ăn bánh không lành lặn do sơ xuất khi tráng. Ngày xưa những gia đình ở hai bên phố Vải Màn (nay là phố Hai Bà Trưng) vẫn quen ăn bánh cuốn tháng của bà Trần Thị Chòe, mẹ anh Chiểu. Mỗi ngày bà Chòe chỉ làm sáu, bảy bơ gạo. Sáng sáng bà dậy sớm nổi lửa làm bánh và chính bà lại đội bánh đi đến từng nhà ở phố Vải Màn - cứ như đầu bếp chuyên lo món ăn sáng cho các gia đình - làm xong “nhiệm vụ” ở phố, bà chỉ xuống vài ba thuyền buôn là cắp thúng ra về. 
Bánh cuốn làng Kênh có bí quyết riêng và chỉ truyền nghề cho con dâu trong gia đình. Ngày ấy khi ở trong quân đội, nghe tin mẹ bị bom Mỹ giết hại, anh Chiểu đã có ý định khôi phục lại nghề cũ của gia đình. Vậy là anh chưa xuất ngũ, nàng dâu Trần Thị Chè, vốn làm nghề tráng bánhphở, bánh cuốn ở phố Hàng Tiện đã được rước về làm bánh cuốn làng Kênh.
So với bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn làng Kênh ăn đứt về độ mỏng, mịn và trắng của hình, độ thơm của bánh và độ đậm đà của nước chấm. Dụng cụ làm bánh cuốn nghe đơn giản nhưng rất cầu kỳ. Gáo múc bột phải bằng ống nứa tép, que cất và sểu nhân phải bằng tre, phía trong có lớp vải bảo ôn. Vung nồi, phải đạt được hai yêu cầu kỹ thuật là thấm nước và giữ nhiệt, bánh mới chín nhanh. Gạo làm bánh phải là gạo Mộc Tuyền loại ngon, gạo pha tạp bánh sẽ không trắng. Bột bánh phải được xay tay bằng cối đá - Nhiều nơi xay bột bằng máy, bánh không ngon vì bột đã dở chín, dở sống. Dầu tráng bánh ngày xưa là dầu lạc ép (tất nhiên phải là dầu ép đến đâu dùng đến đó). Bởi dùng mỡ bánh dễ bị khô và có mùi không ngon. Ngày nay dùng dầu ô liu phải cho bay hết hơi dầu, bánh mới thơm có độ bóng và mềm. Mộc nhĩ, hành sau khi phơi tái, phi thơm phải giữ sao cho khô, nếu không bánh sẽ hấp hơi. Người ta nói bánh cuốn là “cô nàng rất khó tính”, kể cũng không ngoa. Không cẩn thận một chút là mặc dầu tráng đúng kỹ thuật, bánh vẫn nhão và từ chuyên môn trong làng bánh nói là “bánh bị ma vầy”. Ngay lá chuối để xếp bánh cũng kén lá chuối tây (goòng), nếu dùng lá chuối tiêu bánh sẽ đắng. Tốt nhất là chọn được lá có độ mềm lại không mang tính chát như lá rong đao (rong diềng). Lau rửa lá, ủ bánh cũng không đơn giản. Vỉ cói sạch khô, đậy trên một lớp lá cũng phải khô, nếu không bánh cũng bị hỏng. Nước mắm chấm bánh cuốn ngày xưa phải là nước mắm Ô Long, vàng óng và thơm. Ngày nay có thể dùng nước mắm ngon loại mười bốn ngàn đồng một lít. Nguyên liệu pha nước chấm gồm có: nước mắm ngon, dấm thanh, đường trắng và gia vị cổ truyền. Nước chấm được pha theo tỷ lệ đặc biệt, khi ăn được vắt thêm một lát chanh. Mùa lúa còn có vài giọt cà cuống. 
Từ cái thời cả làng mỗi sáng có hàng trăm đội bánh, có nhà tới hai, ba đội đi bán trong thành phố, đến nay mặc dầu đã bán nghề cho một số nơi, làng Kênh vẫn có trên năm mươi gia đình chuyên làm bánh. Những người làng Kênh không chở bánh đi rong để bán. Họ thường ngồi cố ăn bánh cuốn Kênh. Một số gia đình đã có mặt hàng ngay tại các phố, buổi sáng hoặc buổi tối vừa tráng vừa bán luôn nên bánh nóng và ngon. Gia đình anh Chiểu bán bánh ở chợ Văn Miếu. Chị Chè nói rằng khách hàng của chị chủ yếu là các cháu học sinh con cái công nhân nên mặc dù lãi ít chị vẫn rất vui. 
Được những người cùng sản xuất ra một mặt hàng, lại được công nhận bánh cuốn gia truyền làng Kênh là món ăn ngon hơn hẳn phải đâu là chuyện dễ.
(Theo Báo Nam Định)

Bánh phu thê

Được gói bằng những tấm lá dong giản dị, rồi luộc lên, bánh phu thê không khoe mùi tỏa hương như bánh rán, bánh khúc chỉ tới khi bóc bánh đặt lên đĩa sứ người ta mới thật sự ngỡ ngàng.
Dưới lớp vỏ bánh sắc vàng trong suốt rắc lấm tấm những hạt vừng đen, nhân bánh hiện ra. Ngoài đỗ xanh đãi sạch vỏ đã được hấp chín đánh tơi, người ta còn cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và hương ngũ vị. Bột làm bánh phải được làm từ gạo nếp, xay bằng cối nước, sau đó lọc lấy chất tinh, ép cho ráo nước rồi phơi khô (còn bột thô thì bán cho hàng bánh rán). Tới khi làm bánh phải dùng nước quả dành dành nhào bột để lấy mầu sắc tự nhiên chứ không được pha phẩm mầu. Người ta còn nạo đu đủ xanh, ngâm phèn rồi cắt nhỏ nhào lẫn với bột để bánh có thêm độ giòn.

Khi ăn bánh ta sẽ thấy độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường..., tất cả hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh. Nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh bẻ khuôn hình vuông bằng lá dừa, như biểu tượng vuông tròn của triết lý âm dương. Người ta dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân như thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình phu thê. Triết lý ngũ hành cũng được thể hiện một cách tinh tế qua năm mầu của bánh, đó là mầu trắng của bột lọc và cùi dừa, mầu vàng của dành dành và nhân đỗ, mầu đen của hạt vừng, mầu xanh của lá, mầu đỏ của lạt buộc. Tất cả như biểu tượng cho sự hòa hợp của đất trời và con người. Lá gói bánh cũng là lá dong gói bánh chưng, nhưng phải làm kỹ hơn, sau khi rửa sạch lá để ráo nước người ta phải tước bớt cọng để khi gói bánh được mềm mại. Lá lót trong phải là lá chuối tây dẻo luộc chín hong khô chứ không được dùng lá chuối tiêu. Người ta còn quét lên lá một lớp mỡ để khi bóc bánh không bị dính, lại làm cho bánh có độ ngậy đặc trưng. Mỗi nhà đều có một bí quyết làm bánh riêng vì vậy bánh của mỗi nhà đều có hương vị riêng, một nhãn hiệu riêng. Tất cả các khâu từ nhào bột, nặn bánh, làm nhân, tước lá, luộc bánh... đều phải làm thủ công, tốn nhiều nhân lực. Bánh gói xong được buộc dây rơm nếp, luộc xong, người ta tháo bỏ dây rơm, úp bụng hai chiếc bánh vào nhau rồi dùng lạt đỏ buộc thành cặp; có lẽ vì vậy mà người đời gọi là bánh phu thê.
Ngày nay kinh tế đã phát triển, mức sống đã cao hơn nhưng bánh phu thê vẫn là thứ bánh quý tộc được nhiều người ưa thích, ai đã một lần thưởng thức thì khó có thể nào quên.

Chất hóm hỉnh trong ca dao tình yêu Nam bộ


Sự mộc mạc hồn nhiên ở từ ngữ, cách thể hiện dung dị và ngộ nghĩnh gây nên những bất ngờ thú vị là chất hóm hỉnh thường thấy trong ca dao tình yêu Nam Bộ. Đó cũng là biểu hiện tính cách đặc trưng của người dân nơi đây.
Trước hết là chất hóm hỉnh không cố tình, không dụng công, toát ra một cách tự nhiên qua những từ ngữ mộc mạc; không hề chau chuốt chân thật đến độ người nghe phải bật cười. Một anh chàng quá đỗi si tình đã trở thành "liều mạng":

"Dao phay kề cổ, máu đổ không màng
Chết thì chịu chết, buông nàng anh không buông"

Một cô nàng thật thà cả tin đã giật mình "hú vía" vì kịp thời nhận ra "chân tướng" đối tượng:
"May không chút nữa em lầm
Khoai lang khô xắt lát em tưởng cao ly sâm bên Tàu"

Có những nỗi niềm tương tư ấp ủ trong lòng, nhưng cũng có khi người ta không ngại ngần thổ lộ trực tiếp với bạn tình:
"Tôi xa mình hổng chết cũng đau
Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền"

Họ là những người lao động chân chất, nên cũng bày tỏ tình cảm với nhau bằng thứ khẩu ngữ thường ngày không chưng diện, màu mè, tuy vậy, cái tình trong đó cũng mãnh liệt và sâu sắc.
Đây là lời tâm sự của một anh chàng đêm hôm khuya khoắt lặn lội đi thăm người yêu:
"Thương em nên mới đi đêm
Té xuống bờ ruộng đất mềm hổng đau
May đất mềm nên mới hổng đau
Phải mà đất cứng ắt xa nhau phen này"

Chàng thật thà chất phác, nhưng mà cũng có chút ranh ma đấy chứ? Chất hóm hỉnh đã toát ra từ cái "thật thà tội nghiệp".
Nhưng phần lớn vẫn là sự hóm hỉnh mang tính chất đùa nghịch. Một chàng trai đã phóng đại nỗi nhớ người yêu của mình bằng cách so sánh ví von trào lộng:
"Vắng cơm ba bữa còn no
Vắng em một bữa giở giò không lên"

Nỗi vấn vương tơ tưởng đi vào tận giấc ngủ khiến chàng trở nên lú lẫn một cách buồn cười:
"Phòng loan trải chiếu rộng thình
Anh lăn qua đụng cái gối, tưởng bạn mình, em ơi!"

Nhưng cái độc đáo là ở đây nỗi niềm đó lại được bộc lộ một cách hài hước:
"Tôi xa mình ông trời nắng tôi nói mưa
Canh ba tôi nói sáng, giữa trưa tôi nói chiều"

Có một chút phóng đại làm cho lời nói nghe hơi khó tin! Nhưng hề gì. Chàng nói không phải cốt để đối tượng tin những điều đó là sự thật mà chỉ cốt cho nàng thấu hiểu tấm tình si của mình. Nàng bật cười cũng được, phê rằng "xạo" cũng được, miễn sao hiểu rằng mình đã phải ngoa ngôn lên đến thế để mong người ta rõ được lòng mình.
Lại có một chàng trai đang thời kỳ tiếp cận đối tượng, muốn khen cô nàng xinh đẹp, dễ thương mà khó mở lời trực tiếp. Để tránh đột ngột, sỗ sàng, chàng đã nghĩ ra một con đường vòng hiếm có:
"Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh
Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương"

Mục đích cuối cùng chỉ đơn giản là khen "mình dễ thương" mà chàng đã vòng qua năm non bảy núi. Bắt đầu từ thế giới tự nhiên - trong thế giới tự nhiên lại bắt đầu từ ông trời - tạo hóa sinh ra những loại cây, hoa đẹp đẽ - rồi mới bước qua thế giới của loài người - trong thế giới loài người lại từ hiện tại ngược dòng lịch sử để bắt đầu từ tổ tiên ông bà, tới thế hệ cha mẹ, rồi tới nhân vật chính - "mình". Thật là nhiêu khê, vòng vo tam quốc làm cho đối tượng hoàn toàn bất ngờ. Những lời ngộ nghĩnh kia dẫn dắt tới sự hiếu kỳ háo hức muốn biết "chuyện gì đây", cho đến khi cái kết cục thình lình xuất hiện làm cho cô nàng không kịp chống đỡ... Nhưng mà nó thật êm ái, thật có duyên biết bao, nên dù phải đỏ mặt, cô hẳn cũng vui lòng và không thể buông lời trách móc anh chàng khéo nịnh!
Ngược lại, cũng có những lời tỏ tình khá táo bạo, sỗ sàng, nhưng hình ảnh thì lại hết sức ngộ nghĩnh, dí dỏm:
"Con ếch ngồi dựa gốc bưng
Nó kêu cái "quệt", biểu ưng cho rồi"

Những người nghe câu "xúi bẩy" này không thể không bật cười, còn đối tượng xúi bẩy cùng lắm cũng có thể tặng cho người xúi có phần trơ tráo kia một cái nguýt dài.
Những câu ca dao hóm hỉnh không chỉ bật lên từ tâm trạng đang vui, tràn đầy hy vọng, có khi "rầu thúi ruột" mà họ vẫn đùa. Những trắc trở trong tình yêu nhiều lúc được trào lộng hóa để ẩn giấu nỗi niềm của người trong cuộc:
"Thác ba năm thịt đã thành bùn
Đầu thai con chim nhạn đậu nhánh tùng chờ em"

Quả là "khối tình thác xuống tuyền đài chưa tan", nên chàng lại quyết tâm chờ tiếp ở kiếp sau cho đến khi nào nên duyên nên nợ. Kiên nhẫn đến thế là cùng!
Khi chàng trai cố gắng đến hết cách vẫn không cưới được người mình yêu, không biết trút giận vào đâu, bèn đổ lỗi cho một nhân vật tưởng tượng:
"Quất ông tơ cái trót
Ổng nhảy tót lên ngọn cây bần
Biểu ông xe mối chỉ năm bảy lần, ổng không xe"

Thái độ quyết liệt trong tình yêu lắm lúc được thể hiện đầy ấn tượng. Anh chàng hay cô nàng trong câu ca dao dưới đây đã xem cái chết nhẹ như lông hồng. Thà chết còn hơn là lẻ bạn!
"Chẳng thà lăn xuống giếng cái "chũm"
Chết ngủm rồi đời
Sống chi đây chịu chữ mồ côi
Loan xa phượng cách biết đứng ngồi với ai"

Có chàng trai thì quyết tâm đem tuổi thanh xuân gửi vào cửa Phật:
"Nếu mà không lấy đặng em
Anh về đóng cửa cài rèm đi tu"

Chàng vừa muốn tỏ lòng mình vừa muốn thử lòng người yêu. Và cô nàng cũng tỏ ra quyết tâm không kém. Chàng đi đến đâu nàng theo đến đó để thách thức cùng số phận:
"Tu đâu cho em tu cùng
May ra thành Phật thờ chung một chùa"

Bằng câu đùa dí dỏm của mình, cô nàng đã làm nhẹ hẳn tầm nghiêm trọng của vấn đề trong tư tưởng anh chàng và cũng hóa giải tâm tư lo âu, phiền muộn của chàng - "Có gì đáng bi quan đến thế? Cái chính là em vẫn giữ vững lập trường" - đồng thời cũng hàm thêm chút chế giễu - "Mà có chắc là tu được không đấỷ".
Khi yêu, nhiều cô gái cũng mạnh dạn bày tỏ tình cảm của mình không kém các chàng trai.
"Phải chi cắt ruột đừng đau
Để em cắt ruột em trao anh mang về"

Không tiếc cả thân thể, sinh mạng của mình, nhưng cô gái chỉ... sợ đau, thật là một cái sợ đầy nữ tính rất đáng yêu. Hay khi chàng trai muốn liều mình chứng tỏ tình yêu, nhưng cũng lại "nhát gan" đến bật cười:
"Gá duyên chẳng đặng hội này
Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy... tôi chèo vô"

Tinh nghịch, hóm hỉnh những lúc đùa vui và cả những khi thất vọng, đó là vũ khí tinh thần của người lao động để chống chọi những khắc nghiệt của hoàn cảnh. Những chàng trai, cô gái đất phương Nam đã lưu lại trong lời ca câu hát cả tâm hồn yêu đời, ham sống, hồn nhiên của họ trên con đường khai mở vùng đất mới của quê hương tiếp nối qua bao thế hệ - Đó là tinh thần phóng khoáng, linh hoạt, dày dạn ứng biến của những con người "Ra đi gặp vịt cũng lùa; Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu"...
Đoàn Thị Thu Vân

Làng gốm Bát Tràng

Đã từ lâu đồ gốm sứ Bát Tràng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Theo các nhà khảo cổ, thì ngay thời Lý, thời Trần, sứ Bát Tràng đã được xuất đi nhiều nơi như: Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Pháp...
Ca dao cổ có viết:
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây

Theo truyền thuyết, người làng Bồ Bát (Thanh Hóa) từ thời Lý, ra Thăng Long lập nên phường gốm Bát Tràng ven bờ sông Hồng.



Nghệ nhân cao tuổi của làng gốm Bát Tràng
Đầu tiên, làng có tên Bạch Thổ Phường, rồi đổi tên là Bát Tràng Phường, mãi sau này mới gọi là Bát Tràng. Nghề gốm ở đây hưng thịnh suốt từ thời Lý, thời Trần. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi có ghi: “Làng Bát Tràng làm đồ gốm. Làng Huê Cầu nhuộm vải thâm....”. Cũng theo sách Dư địa chí còn ghi “Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm - Huê Cầu thuộc huyện Văn Giang, hai làng ấy cung ứng đồ bang giao với Trung Quốc là bảy mươi bộ bát sứ, hai trăm tấm vải thâm...”.
Đã từ lâu đồ gốm sứ Bát Tràng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Theo các nhà khảo cổ, thì ngay thời Lý, thời Trần, sứ Bát Tràng đã được xuất đi nhiều nơi như: Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Pháp... Qua khai quật ở cửa cảng Vân Đồn (Quảng Ninh), phố Hiến (Hưng Yên)..., ta còn gặp rất nhiều hiện vật gốm sứ Bát Tràng.

Gốm Bát Tràng từ xưa đã có một phong cách đặc biệt,
không lẫn với gốm sứ các địa phương khác
 
Các mặt hàng gốm men ngọc, men hoa lan, men rạn của Bát Tràng rất đặc biệt. Như bát, đĩa, đôn, chậu, thống, chân đèn... của Bát Tràng từ xưa đã có một phong cách đặc biệt, không lẫn với gốm sứ Thổ Hà, Phủ Lãng, Hương Canh...
Từ thời xa xưa cho đến ngày nay, Bát Tràng vẫn luôn có hàng trăm lò gốm nhả khói. Cuộc sống lao động sản xuất thương mại ở đây, từ bao đời, vẫn luôn sôi động. Bến sông thuyền bè tấp nập chở than, củi, đất sét là nguyên liệu sản xuất đến Bát Tràng. Cùng hàng loạt thuyền bè chở sản phẩm gốm từ Bát Tràng đi các tỉnh gần, tỉnh xa. Vào làng, trong bất kỳ ngõ xóm nào, đều thấy tất bật người làm đất, người chuốt hình, người tráng men, người chuyển sản phẩm vào lò, người ra lò. Sản phẩm gốm bề bộn, bày biện trong nhà này, nhà kia, ngõ này, ngõ nọ. Bát Tràng là một công trường thủ công sôi động bậc nhất của đất Thăng Long xưa và nay.
Là làng nằm ven sông, nguồn đất làm gốm ở đây phải đi khai thác từ Sơn Tây, Phúc Yên, Đông Triều về. Nguồn đất sét ở Hồ Lao, Trúc Thôn rất tốt, sét trắng, mịn, chịu nhiệt cao.

Gốm nghệ thuật Bát Tràng
rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay
Chỉ cần nói riêng công đoạn xử lý đất sét để làm gốm sứ ở Bát Tràng đã thấy lắm công phu. Đất sét chở về, được đổ ngâm vào hệ thống bể chứa bể lọc. Đất sét được ngâm trong nước một vài tháng cho phân rã, tới độ chín, đánh tơi, nhuyễn trong bể chứa, đoạn tháo xuống bể lọc cho lắng, lọc tạp chất hữu cơ nổi trên hớt bỏ. Phần đất sét nhuyễn, sạch lắng dưới được chuyển sang bể phơi, bể ủ. Tới đây, đất sét trắng, mịn, sánh như bột gạo, mới đem lên sản xuất gốm sứ được.
Dụng cụ sản xuất chính của lò gốm cổ là cái bàn xoay. Bàn xoay được chôn xuống đất, người thợ ngồi chân đạp bàn xoay, tay buông bắt từng thỏi đất, chuốt lên thành bình, thành lọ, bát, đĩa. Tay người thợ như có ngữ, họ làm thủ công, vậy mà các sản phẩm có độ giống nhau khá cao, như có khuôn dập. Mãi sau này, kỹ nghệ làm đất sét thật nhuyễn, rồi rót vào khuôn thạch cao để tạo nên các sản phẩm gốm mộc, đã là cuộc các mạng kỹ thuật với làng gốm. Hiện tại, số hàng gốm chuốt tay ở Bát Tràng còn duy trì, song ít. Đa số hàng rót khuôn, vì thế tạo năng suất rất cao cho thôn xóm.

 Chậu gốm Bát Tràng đắp nổi ba màu thế kỷ XIX
Khi gốm mộc được phơi khô, chuyển qua công đoạn vẽ và tráng men. Người thợ gốm Bát Tràng có hoa tay vẽ hoa lá, chim muông, người vật để trang trí lên đồ gốm tăng vẻ đẹp. Men gốm Bát Tràng xưa nay được xếp hàng nhất so với các vùng gốm khác ở nước ta. Men ngọc, men hoa lam, men rạn... là những men truyền thống của Bát Tràng. Bí quyết pha men ở đây không dễ gì thợ gốm nơi khác bắt chước được.
Qua từng gia đoạn sản xuất, người thợ Bát Tràng lại cải tiến tạo nên nhiều kiểu lò nung gốm thích hợp. Từ kiểu lò cổ truyền xưa là lò ếch, tới lò dàn, lò bầu, lò hộp... mỗi loại lò nung lại thích hợp với từng loại sản phẩm khác nhau. Nguyên liệu để nung lò cũng được thay đổi theo tưng giai đoạn. Từ việc đốt lò bằng cỏ khô, rồi tiến tới củi, than đá, nay có lò thí nghiệm đốt bằng điện, bằng ga, đã dần nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành.
Ngày nay, khoa học kỹ thuật đã được áp dụng nhiều khâu trong sản xuất gốm, song riêng khâu đốt lò vẫn còn giữ nhiều tín ngưỡng. Ngày giờ đốt lò, ra lò, là những ngày thiêng liêng với thợ gốm. Kỹ thuật đốt lò quyết định chất lượng sản phẩm gốm sứ.

Gạch cổ Bát Tràng thế kỷ XV
Ca dao cổ có nói về gạch Bát Tràng, đó là những viên gạch lớn được xếp làm bao thơi trong lò. Vì được làm từ chất đất sét tốt, được nung trong lò chín đều, nên những viên gạch Bát Tràng ngày xưa rất nuột, chín già. Gạch Bát Tràng xưa thường được dành để xây đình, xây chùa, bó quây bờ giếng, bờ ao làng. Những viên gạch tốt, xây trần, chịu mưa nắng bao năm trời, không rêu, không xói mòn, đủ biết kỹ thuật của người thợ gốm ra sao.
(Theo Nghề Cổ đất Việt của Vũ Từ Trang)

Thành nhà Hồ, công trình độc nhất vô nhị tại Việt Nam


Được xây dựng bằng những phiến đá dài trung bình 1,5 m, có tấm tới 6 m, xếp chồng lên nhau mà không cần chất kết dính, hơn 600 năm qua, hệ thống tường bao quanh thành nhà Hồ vẫn còn khá nguyên vẹn.


Thành nhà Hồ hiện nay nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá). Đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành này còn được gọi là Tây Đô (hay Tây Giai) để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô.
Theo sử liệu, vào năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời cũng là cách để hướng lòng dân đoạn tuyệt với nhà Trần.
thanh nha ho
Cổng thành phía Nam là cổng chính dẫn vào Hoàng thành. Ảnh: Lê Hoàng.
Thế đất được chọn nằm ở khu vực giữa sông Mã và sông Bưởi, phía bắc có núi Thổ Tượng, phía tây có núi Ngưu Ngọa, phía đông có núi Hắc Khuyển, phía nam là nơi hội tụ của sông Mã và sông Bưởi.
Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50 m. Công trình này có nhiệm vụ bảo vệ nội thành.
Hoàng thành được xây dựng trên bình đồ có hình gần vuông. Chiều Bắc - Nam dài 870,5 m, chiều Đông - Tây dài 883,5 m. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng Tiền - Hậu - Tả - Hữu. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các cổng này được xây dựng theo kiến trúc hình mái vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau.
Cổng tiền (cổng phía Nam) là cổng chính, có ba cửa. Cửa giữa rộng 5,82 m, cao 5,75 m, hai cửa bên rộng 5,45 m, cao 5,35 m. Ba cổng còn lại chỉ có một cửa. Tường thành cao trung bình 5-6 m, chỗ cao nhất là cổng tiền cao 10 m.
Nối liền với cửa Nam là con đường Hoa Nhai (đường Hoàng Gia) lát đá dài khoảng 2,5 km hướng về đàn tế Nam Giao (nơi nhà vua tế lễ) được xây dựng vào tháng 8/1402.
thanh nha ho
Trải qua hơn 600 năm với những thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, tường thành phía ngoài còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Lê Hoàng.
Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá dài trung bình 1,5 m, có tấm dài tới 6 m, trọng lượng ước nặng 24 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.
Những phiến đá nặng hàng tấn chỉ xếp lên mà không cần chất kết dính vẫn đảm bảo độ bền vững. Qua hơn 600 năm cùng những biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành còn khá nguyên vẹn, dù thời gian xây dựng rất gấp gáp, chỉ trong khoảng 3 tháng.
Theo sử sách trong thành còn rất nhiều công trình được xây dựng, như điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, tây Thái Miếu, đông Thái miếu, núi Thọ Kỳ, Dục Tượng... rất nguy nga, chẳng khác gì kinh đô Thăng Long.
Tuy nhiên, trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.
thanh nha ho
Trong số hàng nghìn hiện vật được khai quật ở thành nhà Hồ, có nhiều loại vũ khí gồm đạn đá, chông sắt bốn cạnh, mũi dao, mũi tên, đinh thuyền... Ảnh: Lê Hoàng.
Ngày 27/6, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Ông Vương Văn Việt, Phó chủ tịch UBND Thanh Hóa cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử của di tích này. Trước mắt tỉnh sẽ thực hiện việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo theo đúng luật Di sản văn hóa của Việt Nam và Công ước quốc tế về di sản thế giới, tiếp tục xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch bảo tồn, trùng tu di sản này.
Tiếp đó tỉnh sẽ phối hợp với cơ quan chức năng từng bước khai quật khảo cổ học, kêu gọi nguồn lực đầu tư nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn di tích và thu hút du khách. “Cùng với cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long, tỉnh Thanh Hóa rất vinh dự và tự hào vì có một kinh thành được công nhận là di sản văn hóa thế giới”, ông Việt nhấn mạnh.
Lê Hoàng

Cận cảnh thành nhà Hồ


Cổng thành phía Nam là cổng chính dẫn vào Hoàng thành. Cổng này có ba cửa (cửa giữa rộng 5,82 m, cao 5,75 m, hai cửa bên rộng 5,45 m, cao 5,35 m).
Cổng thành phía Bắc.
Cổng phía Đông.
Cổng phía Tây.
Các cổng được xây dựng theo kiến trúc hình mái vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau.
Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây bằng những phiến đá màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá dài trung bình 1,5 m, có tấm dài tới hơn 6 m, trọng lượng ước nặng 24 tấn.
Nếu như mặt ngoài tường thành được ghép bằng đá xanh thì mặt trong tường được đắp bằng đất và đá nhỏ.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại với rất nhiều thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, hiện nay một số đoạn thành ở khu vực phía đông và phía bắc đang bị sạt lở.
Theo sử sách trong thành có điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, tây Thái Miếu, đông Thái miếu, núi Thọ Kỳ, Dục Tượng... rất nguy nga, chẳng khác kinh đô Thăng Long. Dấu tích nền móng của những cung điện xưa đang nằm ẩn mình dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng... Ảnh chụp mặt trong thành nhà Hồ nhìn từ cổng phía Nam.
Ở giữa hoàng thành giờ chỉ còn lại hai con rồng đá bị chặt mất đầu. Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, đôi rồng đá này thuộc loại tượng rồng lớn và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam...


Từ năm 2004 đến nay, qua nhiều lần khai quật khảo cổ quần thể di sản thành nhà Hồ, các nhà khoa học đã phát hiện hàng chục nghìn di vật, hiện vật quý liên quan đến triều Hồ như bi đá (dùng kết hợp với các con lăn để vận chuyển những khối đá lớn phục vụ việc xây tường thành)...
Gạch bìa bằng đất nung dùng để xây dựng phía trên lớp tường thành bằng đá, nhằm tạo độ cao cho thành, cũng như tạo điều kiện cho quân sĩ quan sát xung quanh thành khi tuần tra, canh gác.
Ngói đầu đao, đầu rồng... dùng để trang trí góc mái cung điện thời nhà Hồ.
Đầu chim phượng.
Cùng hàng nghìn hiện vật bằng gốm có giá trị khác.
Đặc biệt, trong đó có các loại vũ khí gồm đạn đá, chông sắt bốn cạnh, mũi dao, mũi tên, đinh thuyền. Điều đó chứng tỏ công tác phòng thủ quân sự được triều nhà Hồ rất chú trọng.
Để hoàn thiện việc định đô của vương triều, năm 1402 nhà Hồ đã cho xây dựng đàn tế Nam Giao ở Đốn Sơn cách thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía đông nam. Đây là nơi hàng năm vương triều Hồ tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc vào những dịp đại xá thiên hạ.
Vật liệu kiến trúc chính để xây dựng đàn là đá xanh và gạch ngói bằng đất nung.
Một công trình được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là Giếng Vua (hay còn gọi là giếng Ngự Duyên, Ngự Dục). Giếng có hình vuông, được kè đá, dùng để cho nhà vua tẩy trần trước khi hành lễ trên đàn tế.
Lê Hoàng