Ốc giác
Ốc giác là loại ốc to con, có con hơn 1kg, mà phần thịt ốc chiếm hơn ½ trọng lượng. Loài ốc này thường sống theo các vùng đá rạng chìm khuất dưới mặt nước hoặc các vách đá, hang hốc ngập nước quanh chân các hòn đảo.
Sau khi bị bắt, con ốc giác có khả năng sống hàng tuần trong nước mặn. Trước nay, khi bắt được ốc giác theo những mẻ lưới tôm cá, ngư dân thường thưởng thức ngay món ốc này trên tàu như một tặng vật ngon lành của biển cả. Cách thưởng thức đơn giản món ốc giác là luộc hay nướng lên rồi chấm với muối tiêu chanh, hay nhắm kèm với một hạt muối, một trái ớt.
Từ đó người dân vùng Hà Tiên đã chế biến món ăn hấp dẫn - ốc giác trộn gỏi. Thịt của con ốc giác gồm hai phần đều ăn được, phần cùi ốc trắng trong, cứng giòn như mề gà; phần ruột ốc màu nâu nhạt, mềm, vị bùi và béo mà người ăn ốc giác sành điệu gọi là gạch hay gan. Con ốc giác sau khi rửa sạch phần vỏ, đem hấp chín (hoặc luộc), cùi ốc đuợc thái ra thành từng lát mỏng, sau đó trộn với bắp chuối (hoa chuối) thái mịn, rau răm, ớt, dầu ăn và gia vị. Phần ruột ốc xếp lên trên cùng cho khỏi nát, rồi rắc đều lên gỏi đậu phộng rang giòn.
Cồi biên mai
Biên mai là loài có nhiều ở vùng biển Hà Tiên. Người dân địa phương thường gỡ lấy thịt cồi, nướng trên than hồng, tạo thành món nhâm nhi thú vị.
Con biên mai có nhiều ở quần đảo Hải Tặc thuộc huyện Hà Tiên, Kiên Giang, xuất hiện ở những thềm đá ngầm sâu khoảng 5m. Đuôi biên mai dính vào mặt đá, thân đứng thẳng dập dềnh mở, khép miệng theo hơi thở chờ rong tảo hoặc phiêu sinh vật tấp vào mà ngậm miệng lại. Bên ngoài biên mai gồm hai miếng vỏ mầu xanh đầy rong rêu óp lại. Phía đầu to, đằng đuôi tóp nhỏ tựa hồ bắp chuối hột.
Sau khi gỡ biên mai, ngư dân dùng chài đập bể ra, cạy lấy miếng thịt bên trong nơi hai mép vỏ gắn lại. Miếng thịt đó gọi là "cồi" dày và lớn tương tự lát cau khô. Một tấn biên mai chỉ cho được 1 kg cồi tươi. Món ăn cồi biên mai phải ướp phụ gia: tàu vị yểu, tiêu, mỡ, muối... Thực khách dùng que cọng lá dừa dài khoảng hai tấc xiên ở đầu vài viên cồi biên mai, hơ trên bếp than.
Mùi thơm lựng và vị ngọt nếm vào nghe tê tái ở đầu lưỡi, xứng là món ngon lạ lùng của xứ biển Hà Tiên.
Gỏi cá trích
Gỏi cá trích trước nay từng nổi tiếng ở Phú Quốc, Vũng Tàu. Song gỏi cá trích Hà Tiên (Kiên Giang) vẫn có sức hấp dẫn riêng, làm "mềm lòng" không ít thực khách khó tình và sành ăn gần xa.
Muốn có món gỏi cá trích chất lượng, người ta phải chọn những con cá còn tươi rói, đánh vảy, rửa sạch rồi xắt mỏng thành từng miếng nhỏ.
Tuy cùng là món gỏi nhưng dân địa phương ở Hà Tiên có những cách chế biến khác nhau. Có người lấy thịt phi-lê cá trích ướp trước với ít nước cốt chanh hoặc giấm trong vài phút rồi chắt bỏ nước. Sau đó cho thêm nước mắm nhĩ, đường, gừng, ớt và củ hành tây xắt nhỏ, trộn đều lên. Người khác thì phi tỏi, củ hành tím cho thơm lừng trước khi trộn với thịt cá tươi và cho thêm ít thính để khử mùi cá. Cách này trông quyến rũ hơn!
Nhưng muốn có một đĩa gỏi cá trích hảo hạng, người đầu bếp phải chế biến đúng bài bản, nhất là không thể thiếu đậu phộng rang vừa giòn thơm và dừa nạo. Dừa nạo cho món này phải là dừa khô thật già để tăng độ béo. Kèm theo một đĩa bánh tráng dẻo, đĩa bún nhỏ sợi, rau non và nước chấm. Tốt nhất là rau vườn, rau dại như đọt xoài, đọt bứa, lá cách, tía tô, cải bẹ xanh... thêm vài trái chuối chát, vài trái khế và ít trái dưa chuột thì càng tuyệt. Riêng nước chấm phải chế biến từ nước mắm nhĩ thơm thanh, được gia vị hài hòa với một chút chua chua của giấm nuôi, cay cay của ớt hiểm giã và vị ngọt, độ béo của đường, đậu phộng rang giã nhuyễn.
Lúc ăn, bạn sẽ dùng đũa gắp cá, dừa, bún và rau cho vào chiếc bánh tráng rồi cuốn tròn lại, chấm, nhai từ từ để thưởng thức mùi vị đặc trưng của cá. Thịt cá trích trộn gỏi giòn hơn thịt cá mai và không tanh. Lắng đọng, bạn sẽ cảm nhận cả mùi thơm nồng của rau cải, kết hợp với vị ngọt của cá, vị béo của dừa cùng các chất chua, cay, nồng của gia vị.
Bánh canh chả ghẹ
Chợ đêm Đông Hồ (Hà Tiên) có rất nhiều quán ăn, các món ăn rất đa dạng và đã đặt chân đến Hà Tiên, bạn nên thưởng thức món bánh canh chả ghẹ.
Chỉ những vùng ven Biển mới có thể làm món chả ghẹ bởi ở đó mới có loại ghẹ tươi mới vừa đánh bắt, thịt còn săn chắc và rất ngọt khi chế biến món ăn. Về cơ bản, thì bánh canh chả ghẹ cũng như các loại bánh canh khác. Duy có điều, chế biến với ghẹ thì phải nêm nếm cho phù hợp với loại thực phẩm này. Vì vậy, nước dùng của bánh canh chả ghẹ rất đặc trưng, đậm đà phong vị miền Biển.
Nồi nước dùng, ngoài việc nêm nếm bình thường, người ta còn cho vào một ít tôm khô, xương, thịt và đầu cá thu. Chính nhờ những nguyên liệu này mà nồi nước dùng có vị thơm, ngọt và mặn mà hương vị Biển. Còn chả cá thì được làm từ thịt của cá thu kết hợp với cá ảo. Cá ảo là những loài cá nhỏ, sau khi đánh bắt về, người ta lựa những con cá lớn ra, những loại cá vụn vặt còn lại được gọi là cá ảo.
Thịt của cá thu tươi được nạo ra, để lẫn trong các loại cá ảo, sau đó nêm gia vị gồm tiêu, tỏi, hành, nước mắm... rồi trộn đều lên, trộn càng đều chả càng thấm, ăn càng ngon. Sau đó đem hỗn hợp này cho vào cối quết nhuyễn. Quết càng nhuyễn chả sẽ càng dai, rồi cho thêm ít mỡ xắt hạt lựu. Sau đó đem vo tròn thành từng viên cỡ ngón chân cái, rồi đem hấp chín.
Ghẹ sau khi luộc chín, được gỡ lấy thịt ra. Khi ăn, bốc bánh canh cho vào tô, chan nước dùng, sau đó để lên một ít chả, một ít thịt ghẹ, một hoặc hai trứng cút, cùng chút ngò gai xắt nhuyễn, tỏi phi, ớt bằm, nước mắm... làm cho tô bánh canh càng thêm bắt mắt.
Ăn tô bánh canh chả ghẹ, ngoài việc cảm nhận được hương vị đặc trưng của nó, thực khách còn được cung cấp một nguồn năng lượng rất lớn vào cơ thể của mình bởi các Thực phẩm có nguồn gốc từ miệt Biển. Nếu có dịp đến Hà Tiên, Du khách nên tìm ăn thử món này. Bởi vì món này hiện nay được bán rất phổ biến ở đây cả đêm lẫn ngày.
Bún cá Hà Tiên
Bún cá Hà Tiên là một món ngon dễ làm, nhưng có những đặc trưng khác với nhiều nơi. Dù là món ăn dân dã nhưng kỹ thuật chế biến khá công phu: mua cá lóc còn tươi sống khoảng non 1kg/con trở lại.
Làm cá, chặt vây, cạo vẩy, rửa sạch, cắt làm hai khúc: đầu và đuôi. Đầu cá được cắt rời với nguyên bộ lòng. Rạch bao tử, lấy thức ăn ra, chà muối, rửa sạch. Tránh không để vỡ mật, giập gan thì bộ ruột mất ngon. Bộ ruột cá là phần ngon nhất của cá! Cá được đem hấp bằng xửng để nước ngọt trong cá chảy xuống nồi nước lèo bên dưới. Khi thấy cá chín nhăn da thì vớt ra, bỏ da, bẻ cá ra từng miếng bằng ngón tay, xếp gọn ra dĩa để riêng. Tiếp theo, sử dụng loại tôm to bằng ngón tay, còn tươi (tôm sú hoặc tôm sắt) đem rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu, ướp gia vị... trụng chín cho tôm săn lại múc ra tô để nguội. Cho tôm khô vào bọc vải sạch nấu sôi với nước lèo để tăng vị thơm ngọt. Nước lèo phải trong, ngọt nước và có hương vị mặn mà. Mùa mưa, cá lóc đồng thường có trứng, người ta cà nhẹ cho trứng tơi ra, cho vào nồi nước lèo, trứng nổi lên từng hạt nhỏ kết váng vàng tươi trông rất hấp dẫn.
Rau nhút cắt khúc sắp dưới đáy tô. Cho một vốc bún sợi nhỏ vào tô, chế nước lèo thật nóng vào bún, chắt ráo nước, sau đó cho cá và tép lên trên, đổ nước lèo nóng ngập tô. Ngắt vài cọng rau răm rải lên mặt với vài lát ớt đỏ. Nêm bún bằng nước mắm ngon nguyên chất Phú Quốc thì mới đúng điệu, làm tăng hương vị món bún cá. Đặc biệt, bún cá Hà Tiên không sử dụng hành lá, giá sống và rau thơm các loại, trừ rau răm.
Hủ tiếu hấp Hà Tiên
Hủ tiếu hấp là món ăn dân dã của người Hà Tiên. Bán rong ở lề đường nhưng hủ tiếu hấp vẫn hấp dẫn thực khách…
Nguyên liệu làm hủ tiếu hấp được sử dụng từ sợi hủ tiếu tươi. Sợi hủ tiếu dai và mềm được hấp cách thủy thay vì trụng nước sôi. Hủ tiếu để lượng vừa phải, thích hợp cho ăn nhẹ trong bữa điểm tâm. Nét khác của hủ tiếu hấp Hà Tiên so với các nơi chính là nước cốt dừa thắng sền sệt béo ngậy. Hủ tiếu hấp ăn với bì trộn thính và thịt heo nạc xắt sợi, chả giò chiên. Riêng chả giò được làm từ khoai cao xắt sợi nhỏ, ướp gia vị và hành tiêu kết hợp với thịt xắt nhỏ. Nhờ đó, chả giò có vị bùi của khoai, ngọt của thịt và thơm của gia vị.
Món ăn này được bán khá nhiều ở thị xã Hà Tiên nhưng lại hiếm khi xuất hiện ở các nhà hàng, quán ăn lớn. Theo những người sành ăn ở Hà Tiên, hủ tiếu hấp ngon nhất Hà Tiên bán ở góc đường Mạc Công Du-Lam Sơn, phía sau chợ nhà lồng cũ.
Xôi Hà Tiên
Nhiều du khách đến Hà Tiên (Kiên Giang) thưởng thức xôi dân dã vào bữa sáng đã buột miệng khen: “Xôi Hà Tiên ngon và đẹp”. Màu óng ánh và vị thơm của nếp, vị béo của dừa làm xao xuyến lòng người…
Xôi được nấu từ nếp thơm nên khi vừa chín đã thơm lừng. Đặc biệt, phụ nữ Hà Tiên nấu xôi rất khéo, hạt nếp chín có màu trắng ngà bóng lưỡng, thoạt nhìn đã kích thích thị giác và truyền xung thần kinh đến não tạo cảm giác thèm ăn nơi đầu lưỡi. Nếu chỉ ăn xôi không cũng thấy ngon vì mùi thơm lừng của nếp và độ vừa ăn. Xôi Hà Tiên có 2 loại ngọt và mặn. Xôi ngọt có thêm nước dừa sặc sánh và xoài chín được chế biến sền sệt như nước sốt. Bên trên để thêm chút dừa nạo sợi. Ăn vào béo ngậy, thơm tho. Xôi mặn Hà Tiên không để nhiều gia vị, thịt như các nơi khác. Xôi mặn Hà Tiên chỉ có lớp tôm khô giã sợi nhuyễn để trên bề mặt nhưng hương vị rất đậm đà. Mỗi gói xôi Hà Tiên nhỏ gọn nằm trong lòng bàn tay. Người ăn ít nhất cũng phải thấy thèm ăn thêm nữa khi đã ăn hết gói xôi.
Trang Korea
YeuDuLich.vn
Nguồn: tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét