Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Gặp gỡ vua bình vôi ở Tây Đô



Anh Đoàn bên bộ sưu tập đồ cổ

    Trong nhóm người chơi cổ vật ở Tây Đô, anh Trần Quốc Đoàn, 50 tuổi ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn - TP. Cần Thơ là người được mệnh danh “Vua” bình vôi trên đất Tây Đô, vì anh đang sở hữu bộ sưu tập bình vôi cổ rất độc đáo. Trò chuyện với anh mới biết, “kho báu” cổ vật anh có được là nhờ vào cơ sở sản xuất tương chao gia truyền của gia đình. Anh Đoàn cho biết, anh chơi cổ vật cách đây 12 năm. Trong một lần tình cờ đọc được một tài liệu nói về cổ vật, nhất là tài liệu của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển về những giá trị văn hóa của cổ vật nên rất mê. Từ đó, anh vừa sản xuất chao vừa lặn lội khắp vùng ĐBSCL để tìm mua cho bằng được những cổ vật xưa của người dân Nam Bộ. Anh cố công đi tìm từ chỗ những người bán ve chai lông vịt cho đến những cơ sở thu mua phế liệu những món đồ cổ, chủ yếu là bình vôi mà theo cách gọi linh thiêng của những cụ bà xưa là “Ông bình vôi”. Vì “Ông” có mặt hầu hết ở các gia đình người Việt cổ, không những “Ông” giữ cho vôi luôn được dẻo để giúp các cụ ăn trầu ngon miệng mà “Ông” còn là người chứng kiến bao thăng trầm của nhiều thế hệ gia chủ”. Bình vôi được sản xuất theo cấp bậc: gốm sứ xanh trắng, có hoa văn, họa tiết cầu kỳ dành cho chủ cả, bá hộ; loại trơn tru dành cho dân thường; loại màu xanh có nguồn gốc từ Trung Quốc dành cho quan lại, địa chủ, có cả những loại được làm bằng đồng thau.

Bình gốm Cây Mai hình chim dùng trang trí bàn thờ


Bình gốm Cây Mai hình con kỳ lân dùng để cắm nhang


Bình vôi cổ Việt Nam thế kỷ 19


Bình vôi màu đỏ
    Hiện nay, bộ sưu tập “Ông bình vôi” của anh Đoàn có trên 200 cái với đủ loại kích cỡ, màu sắc và chất liệu, hầu hết được sản xuất từ thế kỷ 18 và 19 ở Việt Nam, Trung Quốc và kể cả của người Chiêm Thành. Hầu hết các bình vôi đều có quai xách được chạm vẽ hình nhiều loài hoa, loài cá, long - lân - quy - phụng, hổ, kỳ lân… Cái nào cũng có cái miệng để đổ vôi vào và lấy vôi ra ăn bằng cây chìa vôi (được làm bằng đồng, phía trên có nút gù vừa để cầm vừa để bịt kín miệng bình vôi không cho gió lọt vào làm đông vôi; còn phía dưới chìa vôi giống bàn chân chim Chìa Vôi, tiện cho việc têm vôi, quết trầu). Anh Đoàn cho biết thêm: Khoảng 3 năm trở lại đây, việc mua cổ vật, nhất là bình vôi, ở ĐBSCL rất khó. Một phần do người dân khá lên nên không còn mang đồ cổ gia truyền ra bán nữa; một phần do qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân biết thêm nhiều về giá trị lịch sử văn hóa cổ vật nên càng quý và không muốn bán. Nếu như khoảng 5-10 năm trước, những loại bình vôi cổ nầy từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/ cái, thì bây giờ mua cả triệu đồng chưa chắc được. “Tôi có được bộ sưu tập bình vôi cổ như bây giờ, quả là một sự may mắn lớn”, anh cười. Ngoài ra, anh Đoàn còn sở hữu trên 100 tấm sắc phong là những tấm văn bản do vua chúa triều Nguyễn phong thưởng cho các vị quan thần; bộ gốm men Lâm Quế trên 100 món gồm: tô, chén, đĩa, tách… có từ thời Vua Gia Long về sau; hàng trăm món cổ vật khác từ các loại ché rượu, bình hoa, mặt rồng, mặt bợm… thuộc dòng gốm Cây Mai của đất Sài Gòn xưa, gốm Biên Hòa sản xuất năm 1960, gốm Bát Tràng thế kỷ 19 với men rạn ngũ sắc được đắp nổi tinh xảo. Nhiều đĩa gốm sứ dạng phong cảnh treo tường có xuất xứ thời đầu thuộc Pháp, nhiều bình cắm nhang hình con kỳ lân, rồng thuộc dòng gốm Cây Mai. Đặc biệt, cái đôn tứ quý “Mai, Lan, Cúc, Trúc” - gốm Cây Mai được chạm khắc công phu với nhiều họa tiết, hoa văn được coi là hàng “độc”; nhiều khay cổ cẩn ốc xà cừ, trên chục cái đèn “tọa đăng”, đèn đế cao của Pháp, nhiều tấm liễn cẩn ốc xà cừ có nội dung dạy đạo làm người của những bậc tiền bối.

Bình vôi, gốm Việt Nam thế kỷ 18


Bình vôi có quai cầm cá tiên


Bình vôi bằng đồng - Cung đình Huế


Đôn độc chiêu - gốm Cây Mai
    Khi được tham quan ngôi nhà anh Đoàn, chúng tôi cảm giác như đang bước vào một bảo tàng cổ vật. Anh tâm sự: “Tôi chơi cổ vật là muốn lưu giữ lại những kỷ vật gia truyền của người Nam Bộ xưa, nhằm góp một chút công sức lưu giữ những nét văn hóa của người xưa cho con cháu các thế hệ sau được biết đến và có ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa đẹp đẽ của dân tộc”.
TRƯƠNG CÔNG KHẢ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét