Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Khoa bảng Việt Nam

Các kỳ thi Nho học ở Việt Nam bắt đầu có từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm 1919 đời vua Khải Định. Trong 845 năm đó, đã có nhiều loại khoa thi khác nhau, ở mỗi triều đại lại có những đặc điểm khác nhau, song trong các đời Lý, Trần, Hồ có một đặc điểm chung là các khoa thi đều do triều đình đứng ra tổ chức, chỉ đạo thi. Hệ thống thi cử tuyển người làm quan này gọi là khoa cử
Khái quát

Khoa bảng là cái bảng danh dự, liệt kê tên họ các thí sinh đỗ đạt học vị trong các kỳ thi cử này, phần lớn được tuyển chọn làm quan chức cho triều đại phong kiến Việt Nam. Khoa bảng là tĩnh từ để chỉ những người đỗ đạt này. Thí dụ: "Gia đình khoa bảng" là gia đình có học, có người trong họ đỗ đạt cao trong những kỳ thi cử do triều đình tổ chức và chấm khảo.

Các sách xưa dùng chữ Nho dạy Nho giáo cho thí sinh dự các kỳ thi Hương, thi Hội gồm có: Nhân thiên tự, sử học vấn tân, ấu học ngũ ngôn thi, Minh tâm bảo giám, Minh đạo gia huấn, Tam tự kinh và bộ sách giáo khoa là Tứ Thư (Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học và Trung dung), Ngũ Kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu). Nhiều nho sĩ còn đọc thêm cả bách gia Chu Tử, các sách Phật giáo, Đạo giáo nữa. Khối lượng sách học thật là đồ sộ, lại phải học thuộc lòng và hiểu đúng nghĩa nên nho sinh mất rất nhiều công phu học và vất vả gian nan.[1]. Cực khổ nhất là phải chờ hai ba năm mới có kỳ thi. Khi đi thi thí sinh lại phải mang theo lều, chõng, thức ăn, lặn lội xa xôi lên kinh thành. Tác giả Ngô Tất Tố có viết truyện Lều chõng [2]để nói lên những oái ăm của các kỳ thi này.

Ngày nay nghe đến hai từ "lều chõng", có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những từ ấy từ biệt chúng ta mà đi tới chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay. Nhưng mà trước hơn hai chục năm đi ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, "lều", "chõng" đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong miếu đường làm rường cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám "lều chõng" mà ra. Lều chõng với nước Việt Nam chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chúng nó đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong. Với chúng, nước Việt Nam trong một thời kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía. (Ngô Tất Tố, Thời vụ số 109 ra ngày 10-3-1939)

Thời Lý - Trần tổ chức thi Tam giáo để tuyển những người thông hiểu cả ba tôn giáo Nho, Phật và Lão. Khoa thi Tam giáo đầu tiên diễn ra năm 1195 đời Lý Cao Tông. Người đỗ Tam giáo gọi là Tam giáo xuất thân. Khoa thi Tam giáo cuối cùng tổ chức năm 1247 đời Trần Thái Tông. Hình thức này sau đó không áp dụng nữa.

Cuối thời nhà Trần, Hồ Quý Ly nắm quyền điều hành triều đình đã đặt ra lệ thi Hương đầu tiên ở các địa phương năm 1396 đời Trần Thuận Tông, lấy người đỗ được học vị cử nhân. Năm sau (1397) tổ chức thi Hội ở kinh đô. Đây là khoa thi Hội đầu tiên.

Từ thời Hậu Lê, việc thi cử được tiến hành đều đặn và quy củ. Các kỳ thi theo thứ tự là Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình. Người đỗ đầu cả ba thì gọi là Tam Nguyên (như Tam Nguyên Nguyễn Khuyến).

Thi Hương được tổ chức mỗi 3 năm, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Thi Hội sau thi Hương 1 năm, vào năm Sửu, Mùi, Thìn, Tuất.

Thi hương

Cuộc thi được tổ chức tại các trường nhiều nơi (từ Hương do nghĩa khu vực quê hương của người thi). Nhưng không phải tỉnh nào cũng được tổ chức thi Hương. Trường thi chia ra làm nhiều vùng. Ba bốn trấn hoặc tỉnh cùng thi ở một nơi, thí dụ trường Nam là tập trung thí sinh ở các tỉnh chung quanh Nam Định, trường Hà các tỉnh chung quanh Hà Nội v.v. Số thí sinh mỗi khoa có đến hàng nghìn người.



Dân chúng xem bảng yết danh những người thi đỗ kỳ thi Hương năm 1897


Theo quy định từ năm 1434, thi Hương có 4 kỳ.
  • Kỳ I: kinh nghĩa, thư nghĩa;
  • Kỳ II: chiếu, chế, biểu;
  • Kỳ III: thơ phú;
  • Kỳ IV: văn sách.

Thi qua 3 kỳ thì đỗ Tú Tài (trước 1828 gọi là Sinh đồ) - tên dân gian là ông Đồ, ông Tú. Thường mỗi khoa đỗ 72 người. Tuy có tiếng thi đỗ nhưng thường không được bổ dụng. Nhiều người thi đi thi lại nhiều lần để cố đạt cho được học vị Cử nhân. Lần thứ nhất đỗ gọi là "ông Tú", lần thứ hai vẫn đỗ Tú tài thì gọi là "ông Kép", lần thứ 3 vẫn thế thì gọi là "ông Mền".

Thi qua cả 4 kỳ thì đỗ Cử Nhân (trước 1828 gọi là Hương cống) - ông Cống, ông Cử. Mỗi khoa đỗ 32 người, được bổ dụng làm quan ở các cơ quan cấp tỉnh, cấp trung ương, hoặc được đi làm quan các huyện, sau dần dần mới lên các chức vụ cao hơn.

Người đỗ đầu gọi là Giải Nguyên.

Một người muốn dự thi Hương phải qua hai điều kiện (gọi là Khảo hạch):

Có đạo đức tốt và lý lịch trong sạch. Bản khai lý lịch này phải được xã trưởng và quan địa phương xác nhận.

Có trình độ học lực: trình độ học lực lúc đầu được kiểm tra bằng một kỳ thi liền với kỳ thi Hương nhưng không tính vào nội dung thi Hương 4 kỳ trên. Đây là kỳ thi ám tả cổ văn ai đỗ kỳ này mới được vào thi Hương. Đây là thi sát hạch, không phải là kỳ thi chính thức. Đỗ kỳ này chẳng có học vị gì, cả tỉnh cùng dự thi, ai đỗ kỳ này cũng đã vinh dự lắm, nhất là đỗ đầu. Người đỗ đầu cả xứ được tặng danh hiệu đầu xứ (về sau đỗ đầu tỉnh cũng được gọi là đầu xứ) gọi tắt là ông xứ, như: xứ Nhu (Nguyễn Khắc Nhu), xứ Tố (Ngô Tất Tố). Ông xứ Tố chỉ đỗ đầu xứ thôi, chẳng có học vị gì, nhưng thật là một nhà Nho uyên thâm. [5]

Khoa thi Hương đầu tiên năm 1396 đời Trần Thuận Tông, khoa thi Hương cuối cùng tổ chức năm 1918 đời vua Khải Định.

Thi Hội

Thi Hội là khoa thi 3 năm một lần ở cấp trung ương do bộ Lễ tổ chức. Từ đời Lê Thánh Tông thi Hương được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu và thi Hội vào năm sau Sửu, Mùi, Thìn, Tuất (dựa theo quy định thi cử của Trung Quốc). Khoa thi này được gọi là "Hội thi cử nhân" hoặc "Hội thi cống sĩ" (các cử nhân, cống sĩ, tức là người đã đỗ thi Hương ở các địa phương, tụ hội lại ở kinh đô để thi) do đó gọi là thi Hội.


Các tân khoa nhận áo mũ vua ban
 
Trước năm 1442 thí sinh đỗ cả 4 kỳ được công nhận là trúng cách thi Hội, nhưng không có học vị gì. Nếu không tiếp tục thi Đình thì vẫn chỉ có học vị hương cống hoặc cử nhân. Chỉ sau khi thi Đình, người trúng cách thi Hội mới được xếp loại đỗ và mới được công nhận là có học vị các loại tiến sĩ. Từ năm 1442 thí sinh đỗ thi Hội mới có học vị Tiến sĩ (tức Thái học sinh - tên dân gian là ông Nghè). Người đỗ đầu gọi là Hội Nguyên.

Vào thời nhà Nguyễn những thí sinh thiếu điểm để đỗ tiến sĩ có thể được cứu xét và cho học vị Phó Bảng (ông Phó Bảng hay Ất tiến sĩ).

Khoa thi Hội đầu tiên năm 1397 đời Trần Thuận Tông, khoa thi Hội cuối cùng tổ chức năm 1919 thời vua Khải Định, đánh dấu sự chấm dứt của khoa bảng phong

Thi Đình

Kỳ thi cao nhất là thi Đình tổ chức tại sân đình nhà vua. Nơi thi là một cái nghè lớn, nên sau này người ta thường gọi các vị vào thi là các ông nghè . Nhà vua trực tiếp ra đầu đề, và sao khi hội đồng giám khảo hoàn thành việc chấm bài, cân nhắc điểm sổ, chính nhà vua tự tay phê lấy đỗ.

Người đỗ đầu gọi là Đình Nguyên.

Theo số điểm, người đỗ được xếp vào 3 hạng gọi là Tam Giáp:

  • Bậc 3: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Tam Giáp (Đồng tiến sĩ xuất thân - tên dân gian là ông Tiến Sĩ)
  • Bậc 2: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Nhị Giáp (Tiến sĩ xuất thân, Hoàng Giáp - ông Hoàng)
  • Bậc 1: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp (Tiến sĩ cập đệ - gồm 3 thí sinh đỗ cao nhất gọi là Tam khôi: Đỗ hạng ba là Thám Hoa (ông Thám), hạng nhì là Bảng Nhãn (ông Bảng), đỗ đầu là Trạng Nguyên (ông Trạng)

Đôi khi lúc chấm bài, chủ khảo (trong đó có cả vua) thấy người thủ khoa không đạt được điểm số tối thiểu để gọi là Trạng. Những khoa này sẽ không có trạng nguyên - thủ khoa giữ cấp Đình nguyên (thí dụ: Lê Quí Đôn đỗ cao nhất nhưng chỉ được cấp vị Đình nguyên Bảng nhãn).

Vào năm 1828 vua Minh Mạng chỉnh đốn lại khoa cử và bỏ Đệ nhất giáp. Học vị trạng nguyên, bảng nhãn không còn trên khoa bảng từ đó.kiến Việt Nam

Quá trình thi cử Nho học tại Việt Nam

  • Thi Nho học bắt đầu có từ thời nhà Lý, quy chế thi có lẽ sơ sài, không rõ rệt, và tùy theo nhu cầu tuyển lựa quan lại của từng thời kỳ như: thi Nho học tam trường, thi tuyển người có văn học sung vào viện Hàn Lâm, thi tuyển người vào hầu vua, hầu đông cung Thái tử học...
  • Kỳ thi chọn người tài đầu tiên của nước Việt là kỳ thi Tam Trường năm Ất Mão (1075) dưới triều Lý Nhân Tông. Kỳ này chọn được 10 người. Thủ khoa là Lê Văn Thịnh, làm quan lên đến chức Thái Sư nhưng sau đó bị đày vì tội phản nghịch triều đình.
  • Đến đời nhà Trần có hai loại khoa thi là:


  1. Thi Thái học sinh: là khoa thi cho Thái học sinh, tức là các học sinh ở nhà Thái học, cũng gọi là nhà Quốc học, nói cách khác là sinh viên ở trường đại học quốc gia duy nhất của thời đó. Người thi đỗ các khoa thi này gọi là đỗ Thái học sinh.
  2. Thi Đại tỷ: còn gọi là Đại tỷ thủ sĩ được tổ chức cho 5 loại đối tượng:
Thuộc quan ở Tam quán (cho con cái các quan được lấy vào vừa làm việc vừa học tập ở ba "quán" (ngày nay là viện) như Sùng văn quán, Nho lâm quán, Tú lâm cục),
Thái học sinh,

Thị thần học sinh (con cái các quan được lấy vào vừa làm việc vừa học tập ở 6 cục Ngự tiền cận thị chi hậu, ở Trung thư giám),

Tướng phủ học sinh (con cái của các thân vương, thân công, hoàng tử, công chúa, các tướng công hầu bá thuộc họ hàng thân thích của nhà vua được nhà nước cử học quan đến dạy tại phủ đệ của mình),
Người làm quan có tước phẩm.

Năm Đinh Mùi 1247, niên hiệu Thiên ứng Chính Bình thứ 16 dưới triều vua Trần Thái Tông, có kỳ thi Tam Khôi đầu tiên (gọi là thi Đình, nhưng thi Đình lúc này còn là kỳ thi cuối cùng của khoa thi Đại tỷ, do triều đình tổ chức, chưa tách ra thành một khoa thi riêng) để chọn Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa. Ông Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn năm này, và là người chép lịch sử đầu tiên của Việt Nam. Trạng nguyên của khoá đầu tiên này là Nguyễn Hiền.

Nguyễn Trung Ngạn là người đỗ Hoàng giáp đầu tiên khoa Đại tỷ năm 1304 khi mới 16 tuổi. Khoa thi Đại tỷ cuối cùng là năm 1374, đỗ đầu là Trạng nguyên Đào Sư Tích.

  • Năm 1396 Trần Thuận Tông ban chiếu quy định cách thức thi Hương, thi Hội bằng thể văn 4 kỳ, và định rõ: "Cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội, người đỗ thì vua ra một bài văn sách để xếp bục".
  • Vào thời Hồ Quý Ly (1400 - 1407) thi cử được sửa lại. Ngoài 4 kỳ thi (tứ trường) ra con có thêm thi toán pháp. Những ai thi đỗ đã thi Hương, năm sau phải vào bộ Lễ thi lại, đỗ lần thứ hai mới được tuyển bổ. Năm sau nữa mới được vào thi Hội. Nếu đỗ kỳ thi Hội mới được phong Thái học sĩ.
  • Đến năm 1442 hệ thống thi Tiến sĩ gồm 2 cấp thi và 3 khoa đầu tiên mới được thực hiện đầy đủ. Thi Hương, thi Hội, thi Đình từ lúc này mới trở thành các khoa thi chính quy và thường xuyên (gọi là chính khoa hay như Trung Quốc gọi là thường khoa).
Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân (khoa Kỷ sửu 1889) Trần Sĩ Trác

Trong những năm Nam Triều Bắc Triều, vấn đề thi cử rất lộn xộn. Phía Nam: Năm Đinh Hợi 1674 chúa Nguyễn ra hai loại khoa thi:

  1. thi chính đồ: Đỗ ba hạng: 1. nhất giám sinh bổ làm tri phủ tri huyện; 2. nhì sinh đồ bổ làm huấn đạo; 3. ba cũng gọi là sing đồ bổ làm nhiêu học.
  2. thi hoa văn : Thi ba ngày, mỗi ngày thí sinh phải làm 1 bài thơ. Ai đỗ cho làm việc ở Tam ti.

Phía Bắc: Vào năm 1750, đời Cảnh Hưng (Chúa Trịnh), triều đình đặt ra lệ thu tiền cho người đi thi. Ai nộp tiền thì không bị khảo hạch, nên người có tiền đi thi nhiều đến nỗi đông quá, đạp lên nhau khi vào thi, làm chết một số thí sinh. Khi thi thì có kẻ mướn người viết hộ. Vào thời này có tiền là có được bằng cấp.

  • Thời vua Quang Trung thi cử thường phải bằng chữ Nôm. Nhiều giám khảo, thí sinh hủ nho không nhận thức rất bất bình cho rằng triều đình khắc nghiệt.
  • Đến đời nhà Nguyễn vua Minh Mạng chỉnh đốn lại khoa cử và năm 1828 mở thi Hội, rồi thi Đình để chọn tiến sĩ. Trước đó (đời Gia Long) chỉ có thi Hương. Vua Minh Mạng cũng ra thêm học vị Phó bảng năm 1829 để chọn đỗ thêm người. Đặc biệt của thay đổi thời này là việc bỏ Đệ nhất giáp. Học vị Trạng Nguyên, Bảng nhãn không còn trên khoa bảng nữa.
  • Sau khoa thi năm 1919, do ảnh hưởng đô hộ của Pháp thi nho học Việt Nam chấm dứt. Thay thế vào là các loại thi cử dùng quốc ngữ .
Nguồn: Wkipedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét