Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Đi tìm dấu chân các vị thần bất tử

Kỳ 1: Thương trần thế, thần tiên xuất hiện.

"Tứ bất tử" - tên gọi chung của bốn vị thần bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam: Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa. Bao đời nay, những truyền thuyết, huyền thoại về bốn vị thần bất tử này hiển nhiên vẫn còn sống mãi trong tâm thức người Việt.

Đó chỉ một vế đối trong câu đối trọn vẹn mà người dân các vùng Thanh Ba (Phú Thọ), Sơn Tây, Ba Vì (Hà Nội) vẫn truyền miệng ngàn năm nay về sự tích Đức Thánh Tản Viên - Sơn Tinh - Nguyễn Tuấn. Đức Thánh Tản cũng là vị thần tối cao của Tứ bất tử mà theo thứ tự dân gian sắp xếp theo tên gọi: Thượng đẳng tối linh thần hay Thượng thượng Phúc đẳng thần.

"Nhưng quan trọng hơn là vế đối thứ hai: Cứu lầm than, đức Thánh trổ tài. Bởi ngài xuất hiện nhưng không mang tài năng ra giúp nước, giúp dân trong lúc nguy nan thì chẳng phải là vô ích sao?", cụ Nguyễn Hữu Bích, 81 tuổi, một người sùng Nho giáo, nhà ở chân núi Ba Vì, chậm chạp ngả cây gậy chống, dựa lưng vào tấm đá giữa đường lên núi Ba Vì giải thích trong lúc nghỉ chân.

Trong rất nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu lịch sử, "Tứ bất tử" là bốn vị thần đứng đầu trong 27 vị thần trong văn hóa tâm linh Việt Nam. Mặc dù có nhiều tranh cãi về việc có tới lục bất tử (ngoài Tản Viên thần, Thánh Gióng, Chử Đồng Từ và Liễu Hạnh công chúa còn có thêm Trần Hưng Đạo, Nguyễn Minh Không) nhưng đa số đều đồng ý với quan điểm của dân gian với 4 vị thần tối cao bất tử như trên.

Nhân thần một cõi

Cụ Bích nói dù đã già nhưng tháng nào cũng phải lên núi một vài bận trừ khi ốm đau hay xương nhức mà toàn đi một mình, một gậy. Cụ Bích bảo: "Thong thả mà đi. Bây giờ sương mù vẫn quấn chân người thì là đầu giờ Thìn (hơn 7h sáng), cùng lắm trước Ngọ (11h trưa) thế nào cũng đến đền đức Thánh. Đi đến đây mà không vãn cảnh đường, cứ ào ào thì coi như không đi".


< Đền thờ Tản Viên Sơn Thần.

Phải len lỏi trong những đống gạch đá ngổn ngang dọc lối lên đỉnh Ba Vì mà hàng chục đơn vị thi công đang cố gắng trùng tu, tái tạo khu di tích đến thờ Đức Thánh Tản khiến cụ Bích cứ khoảng 30 phút phải nghỉ một lần. Mỗi lần nghỉ ấy, cụ Bích lại kể mạch lạc những gì mình biết về thần: "Đức Thánh Tản Viên có nhiều tên gọi lắm nhưng người ta vẫn nói ngài chính là Sơn Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh mà trẻ con vẫn học. Tên thật mà dân gian truyền tụng là Nguyễn Tuấn, một thanh niên tuấn tú có nhiều tài lạ và đức độ được chọn làm con rể vua Hùng Vương thứ 18. Vợ của ngài là Mị Nương tên thật là Ngọc Nga công chúa".

Theo GS sử học Lê Văn Lan, thần Sơn Tinh hay thần Tản Viên vốn được coi một cách mặc định là "vị thần đệ nhất" trong "Tứ bất tử": "Sơn Tinh là thần núi. Thần Tản viên là vị thần của núi Ba Vì. Cứ như nghiên cứu bây giờ, Đức Thánh Tản Viên vừa là vị thần tự nhiên, có công lãnh đạo người dân nước Việt từ xa xưa làm thủy lợi chống thủy tai. Nhưng cũng có công đức là một vị nhân thần nữa. Trong lịch sử, Nguyễn Tuấn - nguyên mẫu của thần Tản Viên Sơn Tinh còn là một vị tướng của vua Hùng đã giúp vua Hùng bảo vệ sự nghiệp nhà Hùng vào thời chuyển giao sự nghiệp đất nước từ Văn Lang sang Âu Lạc lúc bấy giờ. Do đó đây là vị thần đệ nhất trong "Tứ bất tử" trong tâm linh người Việt. Một người thật hóa thân thành thần hoặc có thể nghĩ khác: Thần hóa thân thành người thật".

Linh thiêng ngàn đời

Đúng như lời cụ Bích nói, đầu ngọ (11g trưa) cụ đã trải bộ dốc 1.227m cùng hơn 1.300 bậc đá leo đên đỉnh đền Thượng trên núi Ba Vì. Cúi mình làm lễ trước bàn thờ Đức Thánh Tản rồi cụ Bích hướng tầm mắt ra cả một vùng rộng lớn để nhìn thấy cả thủ đô phía trước. Theo lý giải của cụ Bích, không phải ngẫu nhiên mà Đức Thánh Tản chọn Ba Vì làm nơi ẩn cư sau khi nhường ngôi báu cho An Dương Vương và người dân cũng lập đền thờ Đức Thánh Tản ở đỉnh núi.

Bằng kiến thức của một nhà nho kiêm một kĩ sư mỏ - địa chất, cụ Bích cho rằng sự linh thiêng ở đây phải được hiểu theo nghĩa "tín tâm" chứ không phải "mê tín dị đoan": "Ba Vì là đất thiêng. Nếu tính độ cao thì đây là điểm cao nhất của cả Hà Nội khi sát nhập. Phong thủy phương Đông cho rằng nơi nào núi cao, sông sâu là địa linh nhân kiệt, linh thiêng ngàn đời. Khoa học hiện đại cũng tương đồng bởi các dãy núi cao được hình thành từ những cơn địa chấn mạnh hàng triệu năm để lại trong đó những luồng kim loại quý có từ trường mạnh có lợi cho việc hình thành trí thông minh của con người".

Theo GS sử học Lê Văn Lan, sự tích núi Ba Vì vốn có từ thời Hùng Vương giải thích cho việc Sơn Tinh nâng núi lên ba đợt thủy tai do Thủy Tinh dâng lên báo thù. Nhưng núi có hình dáng một cái cây xòe ra nên cũng có cái tên là Tản Viên và được coi là nơi linh thiêng số một của nước Việt. Trong suốt lịch sử phong kiến, nhiều vị vua đã lên tận đỉnh Ba Vì làm lễ cầu an. Nhiều nhà sử học hiện nay cũng cho rằng địa thế của dãy núi Ba Vì là "tiền thủy - hậu thạch", trước mặt nơi hội tụ của ba dòng: sông Hồng, sông Đà, sông Thao và dựa lưng vào núi Tản Viên. Nước sông Đà chảy từ bên trái sang bên phải "Trường lưu thủy", tất cả đều chảy về biển lớn, nhìn toàn cảnh hình thế tay ngai, mạch đất linh thiêng. Sự linh thiêng của Ba Vì giờ đây còn có thêm ngôi đền thờ Bác Hồ nằm ở độ cao 1.269m. Ngôi đền được khởi công và hoàn thành ngay trong năm 1999. Để bảo vệ ngôi đền thờ Bác, đơn vị Kiểm lâm rừng quốc gia Ba Vì được giao thêm nhiệm vụ ngày đêm túc trực trông coi, hương khói trong đền và tiếp đón khách hành hương về thăm viếng.

Kỳ 2: Thánh Gióng có thật?

Người mẹ có vẻ đẹp thánh thần, 16 tuổi gương mặt hồng hào, mắt như ánh trăng, trên đầu lúc nào cũng tỏa ánh hào quang lấp lánh. Người mới sinh ra đã thông minh, đĩnh ngộ, lớn lên càng khôi ngô, anh dũng. Cả hai mẹ con đều có gốc tích rõ ràng chứ không mập mờ huyền thoại.

Đó là những phát hiện lịch sử mới đây về mẹ con Thánh Gióng, khác hẳn những gì miêu tả mẹ con Thánh Gióng ban đầu như trong truyền thuyết.

Trăm ao hồ để lại

Trưa chang chang nắng, những khách bộ hành bước vội trên triền đê Phù Đổng để rẽ vào con đường làng rợp bóng tre. Một không gian văn hóa đậm chất làng quê hiện lên giữa Hà Nội phồn hoa khiến nhiều du khách thích thú. Đây là lần thứ hai cô Maia, sinh viên văn hóa của Nga, đến đền Gióng. "Việt Nam có rất nhiều truyền thuyết về thần thánh. Không biết là hư hay thực nhưng đều đó khiến tôi thích thú khi đến Việt Nam. Điều đặc biệt là thần thánh Việt Nam rất... yêu nước", Maia tâm sự. Lần này đến Việt Nam, Maia và hai người bạn tìm thêm dẫn chứng cho đề tài "Sự thật lịch sử mang tính huyền thoại trong văn học Việt Nam". Câu chuyện Thánh Gióng mà Maia và những người bạn được các cụ già Phù Đổng kể lại ngay dưới gốc đa đền Gióng.

Câu chuyện về Thánh Gióng vừa dứt, Maia hỏi: "Những gót ngựa Thánh Gióng khi bay về trời tạo thành hàng trăm ao hồ như thơ của ông Điềm (bài thơ "Đất nước"của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - PV) mà bây giờ vẫn còn có đúng không?". Cả làng Phù Đổng giờ chỉ còn chiếc ao cạnh đền Gióng và vài cái ao khác vì quá trình đô thị hóa. "Nhưng trước kia từ đây lên đến tận núi Sóc của huyện Sóc Sơn, những cái ao san sát theo hình chữ "chi" kiểu chân ngựa chạy là có thật. Đến tận năm 1972, khi Hà Nội chịu đợt ném bom B-52 của Mỹ vẫn còn", cụ Mẫn, một trong những người cao tuổi nhất làng Phù Đổng, khẳng định.

Đền Gióng ngự trên một khu đất đẹp, tương truyền được xây dựng trên chính nền ngôi nhà cũ nơi Gióng sinh ra. Trước đây, nơi này chỉ là một thảo am nhưng vua Lý Thái Tổ khi dời đô ra Thăng Long đã cho xây  một ngôi đền khang trang. Trước đền có thủy đình nằm trong hồ bán nguyệt, được xây dựng từ thời Lý.

Đi tìm sự thật

TS Hán học Cung Khắc Lược và TS Lương Văn Kế đã công bố những phát hiện mới về nguồn gốc đệ nhị tứ bất tử cũng từ một ngôi đền thờ khác: Đền Bộ Đầu (còn có tên gọi khác à đền Quan Thánh) ở xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội. Cả hai ông khẳng định: Thánh Gióng có thật chứ không phải truyền thuyết hư cấu. Mọi chuyện bắt đầu khi TS Cung Khắc Lược và TS Lương Văn Kế nghiên cứu bức tượng Đổng Sóc Thiên Vương cao 6m ở hậu cung ngôi đền. Đây có lẽ là pho tượng cổ lớn nhất trong di sản văn hóa dân tộc còn lại cho đến ngày nay.

Theo tài liệu mà ông Lược và ông Kế công bố, bản thần phả gốc của ngôi đền này được tìm thấy trong Viện nghiên cứu Hán Nôm, ngoài bìa có đóng dấu bầu dục của Viễn Đông Bác cổ thời Pháp thuộc. Thần phả do Hàn Lâm viện, Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn bằng Hán văn vào năm thứ nhất niên hiệu Hồng phúc, triều Lê Anh Tông (1572). Nội dung bản thần phả thờ đức Đổng Sóc Thiên Vương có nhiều điểm khác với những gì dân gian biết về Thánh Gióng. Mẹ của Thánh Gióng trong tư liệu không có hình dáng là một bà già nghèo khổ không con mà là một cô gái 16 tuổi có nhan sắc thánh thần. Khi cô tròn 16 tuổi, gương mặt hồng tươi, mắt tựa ánh trăng rằm hồ thu, nhan sắc tuyệt vời, nghiễm nhiên thành một trang giai nhân tuyệt thế. Cô gái sau đó là vợ của đại quan lang họ Đổng tên Gia vùng Đại Mạn Châu danh giá.

Nhưng chỉ một năm sau Đổng Gia mất. Bà vào tu tại chùa Hoàng Nham và được "thiên thụ" mà có thai. Sau 3 năm 4 tháng sinh ra một bọc hình như đóa sen hồng còn phong nhụy, lúc nào cũng thoang thoảng hương và có những dải mây cầu vồng quấn quýt, 7 tháng sau bông sen chưa nở. Sen chỉ nở thành hài nhi khi vua Hùng đưa về cung ngày đêm chăm sóc. Hài nhi sau này uy phong, cầm quân tiêu diệt giặc Ân, rồi sau đó lại giúp dân trồng trọt và trị thủy. Theo TS Lương Văn Kế, người gắn bó hàng chục năm với đền Quan Thánh thì "sự tồn tại của dòng họ Đổng đã quá rõ ràng, vấn đề là làm thế nào để chắp nối được liên tục phả hệ của dòng họ này mà thôi. Không chỉ thế, TS Cung Khắc Lược còn tiết lộ những nghiên cứu từ thần phả họ Đổng rằng "Thánh Gióng còn là một người con một mực hiếu thuận. Khi ông đã về trời, nhận được tin mẹ mình đang bị thuồng luồng ăn thịt, ông đã giáng thế cứu mẹ mình".

Tuy nhiên, trước đây cố GS Trần Quốc Vượng cũng đã công bố tài liệu lưu trữ trong viện Hán Nôm mà ông đã thẩm định về nguồn gốc Thánh Gióng. Theo đó, Thánh Gióng lại có nguồn gốc vua Hùng có tên thật là Đàm Gia. Đàm Gia, con của một cung phi triều Kinh Dương Vương Vua Hùng Huy Vương. Thần phả do Hàn lân Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm 1527 và truyền thuyết dân gian kể rằng, vào đời thứ 6, triều Kinh Dương Vương Vua Hùng Huy Vương trị vì, thuở ấy nhân dân no đủ, bốn biển thanh bình. Khi giặc Ân phạm vào bờ cõi, Đàm Gia được lệnh đem binh diệt giặc lập công lớn được phong là Đàm Gia Đại Vương. Khi Đàm Gia mất biến thành ánh ào quang rơi xuống giếng nơi mẹ mình nhân lúc tắm mà mang thai.

Ngôi thứ của "Tứ bất tử"

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Văn Kính cho rằng việc chia ngôi thứ trong "Tứ bất tử" hoàn toàn theo tâm lý dân gian nhưng cực kì logic. "Khi con người mới sinh ra việc đầu tiên là thích ứng với thiên nhiên, chế ngự thiên nhiên để tồn tại nên Sơn Tinh - vị thần có công dạy dân, giúp dân chống lũ lụt thiên tai đứng đầu tứ bất tử. Khi xã hội có giai cấp, hình thành quốc gia, thì việc trung quân, ái quốc được đề cao và lẽ sống cơ bản nên Thánh Gióng -  người đánh giặc Ân được xếp vào vị trí thứ hai. Trong các đạo của con người, đạo hiếu là cơ bản nhất vì thế con người chí hiếu như Chử Đồng Tử được xếp vị trí thứ ba. Liễu Hạnh công chúa là người cuối cùng và cũng là nữ duy nhất trong tứ bất tử với nhiều huyền thoại và tái sinh nhiều lần".
Kỳ 3: Chí hiếu động thiên

< Đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại Khoái Châu, Hưng Yên.

Giáp Tết âm lịch, những vườn cải trổ hoa vàng rực cả dải đất ven sông Hồng. Trên những con đường làng, con trẻ vẫn ríu rít đánh khăng, đánh đáo. Phía xa xa là những bãi cát nặng phù sa trải dài cong cong uốn mình thanh tĩnh mà không heo hút.

Không phải mơ mà đó là không gian đậm chất văn hóa miền Bắc châu thổ sông Hồng thuộc xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên. Mấy ngàn năm trước, ở đấy có một người con chí hiếu khóc thương tiễn cha bằng tấm khố cuối cùng.


"Cái khố" và ngôi nhà ông lái đò

Chúng tôi ngược dòng sông Hồng tìm về đền Đa Hòa, xã Bình Minh, là quê cũng là nơi thờ đệ tam tứ bất tử: Chử Đồng Tử. Người lái đò dùng chân đạp nhẹ mái chèo, thuyền xuôi gió chạy băng băng. Ông tên Minh, hơn 70 tuổi nhà ở Tiên Lữ, mấy đời bám nghề sông nước. Ông kể đau lòng nhất là đứa con nghiện ngập bất hiếu, chết trẻ bỏ lại vợ chồng ông từ năm 2009. Khuôn mặt ông nhăn nheo, đôi mắt u buồn khi nghe nói lại chuyện Chử Đồng Tử xa xưa . "Trước năm 2009, tôi với vợ bám sông để sống. Vợ chồng có mỗi một đứa con nên có bao nhiêu tiền, đều mua cho nó những thứ thích nhất, chỉ mong nó được khá hơn mình. Ngôi nhà chật hẹp nên hai vợ chồng ở luôn dưới thuyền nhường nhà cho con ở. Chỉ bữa ăn hai vợ chồng mới đưa cơm lên bờ cho con. Nào ngờ...".

Con ông Minh, từ nhỏ đã được chiều chuộng lại ở một mình, mới lớn đã quen thói tụ tập bạn bè rồi đâm hư hỏng hút chích. Ngôi nhà ông Minh bị con trai bán lấy tiền để bù khú lúc nào không hay, rồi hết tiền bỏ đi biệt xứ. "Chẳng dám mong con mình có hiếu như thánh nhân nhưng chỉ cần nó nên người như con nhà khác. Tôi không tiếc ngôi nhà mà tiếc con. Hiếu hay không cũng do cách giáo dục của mình" - ông Minh nói mắt rưng rưng ân hận. Thì ra, khi gợi mở câu chuyện hiếu của Chử Đồng Tử, ông mới mạnh dạn bày tỏ tâm can vốn đã thành ẩn ức đau buồn.

Thuyền cập bến trước cửa đền Đa Hòa, ngoảnh mặt ra một bến rộng mang tên Chử Đồng Tử và một gác lâu nhìn thẳng ra sông. Cái linh thiêng của làng quê yên ả như hội tụ. Cụ Hoàng Văn Quyết, 75 tuổi, thủ từ đền Đa Hòa, người nhỏ thỏ lặng lẽ thắp nhang trước bàn thờ "đệ tam tứ bất tử" lầm rầm khấn vái. Trong khói hương trầm nghi ngút, cụ Quyết lặng lẽ kể sự tích Chử Đồng Tử cho một nhóm SV Học viện Phòng cháy chữa cháy từ Hà Nội về. "Đó là thời vua Hùng Vương thứ mươi tám. Nhà họ Chử ở làng Chử Xá, vợ mất sớm, chỉ có hai cha con sống với nhau. Người con là Chử Đồng Tử, cha là Chử Cù Vân. Đã nghèo lại nghèo hơn khi nhà họ Chử không may gặp hỏa hoạn, cả hai cha con chỉ có một chiếc khố. Người cha chết dặn con giữ lại cái khố mà mặc nhưng người con không nỡ để cha táng trần nên mặc khố cho cha rồi mới táng. Từ đó chấp nhận ban ngày ở nhà, ban đêm đi lội nước kiếm cá để sống...".

Trong suốt câu chuyện, cụ Quyết phải dừng lại tới bốn lần để giải thích những câu hỏi chen ngang. "Chuyện có thật không? Chẳng lẽ cả nhà mà chỉ còn có mỗi chiếc khố? Tại sao Chử Đồng Tử lại nhường cha khi mình cần hơn để sống...". Cụ Quyết chẳng giận vì bị ngắt giữa chừng mà tường tận giảng giải: "Không ai xác định được câu chuyện từ hàng ngàn năm trước. Cũng không ai chứng minh được nó có thật hay không, cha con ngài (Chử Đồng Tử) nghèo như thế nào? Nhưng câu chuyện được lưu truyền từ xưa có mất đâu. Bởi vì chứa đựng trong đó là cái hiếu của con, cái tình của cha. Thử hỏi có ai thương nhau như cha con họ Chử"?

Chữ "hiếu" không phân kẻ giàu - nghèo

Là người gắn bó cả đời người với đền thờ Chử Đồng Tử và làng Chử Xá xưa (nay là xã Bình Minh) nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Văn Kính nói không đơn giản mà khi phục hồi đền thờ Chử Đồng Tử, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (1862 -1905), án sát bốn tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên triều nhà Nguyễn đã đề bốn chữ "Chí hiếu động thiên" lên trung đường của ngôi đền. Theo ông Kính, quan án sát Chu Mạnh Trinh là người tự tay thiết kế và vận nhân tài, vật lực của nhân dân tám thôn tổng Mễ (xã Bình Minh ngày nay) cùng thập phương công đức để xây dựng, tôn tạo năm 1894 trên nền một ngôi đền cổ. "Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cũng là người cho rằng Chử Đồng Tử không đơn giản được phong thánh mà lại là thánh bất tử nữa. Đã là thánh thì phải khác phàm nhân hoặc phàm nhân không thể theo kịp mới là thánh. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cho rằng chỉ cần chữ "hiếu" là đủ phong thánh cho ngài rồi", ông Kính nói.

Ông Kính cũng giải thích bốn chữ "Chí hiếu động thiên" mà người đời sau phong tặng cho đức thánh Chử Đồng Tử: "Chí hiếu" là cái hiếu đến tận cùng, tận lực với hiếu. Ở đây, người con đã dành những thứ cuối cùng là chiếc khố - một vật tối thiểu của xã hội người Việt cổ khi ra ngoài để chôn cất cha. Thà mình lõa lồ còn hơn để cha trần truồng khi táng cha. Lòng hiếu thảo của người con đã thấu trời xanh (động thiên) khiến cả người và trời khâm phục.

Cũng theo ông Kính, không phải ngẫu nhiên mà hàng ngàn đời nay ở làng Chử Xá  dòng họ nào cũng có nhiều người con hiếu thảo. "Từ họ Hoàng, họ Phạm, họ Chu (những dòng họ lớn) đến những họ nhỏ như họ Nguyễn, họ Trần đời đều nổi tiếng là người hiếu đễ trong vùng dù giàu hay nghèo" - ông Kính nói. Còn theo cụ Hoàng Văn Quyết, hàng năm cụ và Ban quản lý đền Đa Hòa đón hàng trăm đoàn khách toàn là học sinh và sinh viên do các nhà trường khắp cả nước đưa đến giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.

Trung tuần tháng 2 âm lịch, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở đền Đa Hòa diễn ra trong nắng sớm. Bên kia sông, nắng đổ nghiêng trên những bãi cát trắng chạy dài, những đám lau sậy um tùm của bãi Tự Nhiên (xã Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội).

Kỳ 4: Mối tình "thiên định" và thương nhân đầu tiên của người Việt

< Bãi Tự Nhiên ngày nay là nơi chụp ảnh của nhiều đôi vợ chồng sắp cưới.

Anh Hoàng Văn Phúc và chị Nguyễn Ngọc Linh (nhà phố Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội) đang "chỉnh trang" tạo dáng cho những bức ảnh cưới của mình. "Lý do chọn bãi Tự Nhiên hoang sơ này để chụp ảnh cưới là muốn có một gia đình hạnh phúc như người xưa", Anh Phúc chia sẻ.

Tình yêu "thiên định"

Hàng ngàn năm trước bãi Tự Nhiên là nơi gặp gỡ của một thiên tình sử có một không hai: Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung (con vua Hùng Vương thứ 18, có tài liệu cho rằng là đời thứ ba). Trong cái hoang sơ của thuở hồng hoang, hai con người: một là công chúa sang giàu, quyền thế - một nghèo khó, bấn cùng bắt đầu một mối lương duyên chồng vợ mà đến hàng ngàn đời sau như anh Phúc, chị Linh vẫn còn ngưỡng vọng. "Không biết cảnh xưa nhưng bãi Tự nhiên cách đây ba mươi năm đến giờ không có gì khác. Vẫn là lau sậy um tùm xen lẫn cát trắng tự nhiên. Chỉ có điều lạ là gần đây có rất nhiều đôi vợ chồng sắp cưới đến chụp ảnh, thậm chí đem theo cả hương hoa đến cầu duyên an định", bác Tống Văn Khuê, một lão nông xã Tự Nhiên, cho biết.

Bác Khuê nói vì đạo hiếu mà phong thánh cho ngài (Chử Đồng Tử) là đúng nhưng không đủ. Bởi theo bác Khuê: "Tình yêu của Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, dù là truyền thuyết hay có thật thì trên đời cũng chỉ có một. Đó là tình yêu không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo. Nói cách khác là tình yêu vượt qua tất cả mọi ngáng trở như "thiên định "rồi". Ông Nguyễn Nguyên Anh, một nhà nghiên cứu văn hóa của Hưng Yên, cũng cho rằng: "Cuộc hôn nhân tình cờ giữa hai con người thuộc hai đẳng cấp chênh lệch nhau vời vợi vừa trần tục vừa thiêng liêng. Trong bối cảnh xã hội phong kiến có sự phân biệt gay gắt về đẳng cấp, nó là hiện thân của khát vọng, ước mơ về hôn nhân tự do, bất chấp sang hèn của nhân dân lao động Việt Nam".

Khi bác Khuê kể lại câu chuyện Chử Đồng Tử gặp gỡ và lấy Tiên Dung thì bên kia sông nơi đền Đa Hòa, quang cảnh yên tĩnh nơi đây bỗng khác lạ hẳn. Lễ rước nước để tái hiện mối tình Chử Đồng Tử và Tiên Dung bước vào ngày chính hội (11.2 âm lịch). Những cặp trai gái hóa trang thành Chử Đồng Tử và Tiên Dung được chia thành những cặp đôi tham gia lễ rước  hớn hở và chờ đợi. Theo những người già ở xã Bình Minh (Khoái Châu, Hưng Yên) lễ rước ngoài việc "cầu mát" (mưa thuận gió hòa) cho mùa màng tươi tốt còn là một dịp để lớp trẻ hiểu hơn về mối tình Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung.

Thương nhân đầu tiên của người Việt

< Lễ rước nước tưởng nhớ mối tình thiên cổ.

Theo ông Phạm Văn Kính, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Chử Đồng Tử có thêm một cái nhất là thương nhân đầu tiên của người Việt. "Trong tất cả các thư tịch cổ còn lưu lại đến bây giờ thì việc buôn bán của người Việt cổ chỉ diễn ra từ sau khởi nghĩa Lý Nam Đế (thế kỷ thứ VI sau công nguyên - NV) nhưng trong truyện Chử Đồng Tử lưu truyền thì rõ ràng Chử Đồng Tử là người thương nhân đầu tiên của người Việt cổ". Để minh chứng, ông Kính trích dẫn:" Sau khi cưới, Tiên Dung bèn cùng chồng mở chợ Hà Thám, đổi chác với dân gian. Lâu dần mở mang thành chợ lớn, gọi là chợ Hà Thám, có phố xá khách buôn nước ngoài lui tới giao thương ngày càng phồn thịnh...".

Một tài liệu khác để chứng minh việc người Việt thời Hùng Vương đã tiến hành việc buôn bán cũng phù hợp với việc Chử Đồng Tử là thương nhân đầu tiên, Trịnh Minh Hiên và Đồng Thị Hồng Hoàn - tác giả tài liệu "Thành Lê Nê, tháp ASOKA ở đâu?" viết: "Tiên Dung - công chúa vua Hùng 18 và Chử Đồng Tử gặp một đại thương gia dùng thuyền đi buôn và nói: "Quý nhân bỏ một dật vàng ra ngoài biển mua vật quí, sang năm có thể thành mười dật".

Nhà nghiên cứu Phật giáo Nguyễn Lang cũng đã chứng minh việc giao thương của người Việt cổ cùng thời với Chử Đồng Tử trong cuốn "Việt Nam Phật giáo sử luận". Ông Nguyễn Lang còn nhận định: "Để có hàng cung cấp cho Trung Đông và các nước vùng Địa Trung Hải, đế quốc La Mã, các thương gia Ấn Độ đã dong thuyền về Viễn Đông. Những thương thuyền theo gió mùa Tây Nam đi về Đông Nam Á tới bờ biển Mã Lai, Phù Nam và Giao Chỉ...". "Điều này hoàn toàn trùng khớp với tình tiết Tiên Dung và Chử Đồng Tử mở chợ buôn bán với người nước ngoài. Mặt khác, phố Hiến của Hưng Yên, quê hương của Chử Đồng Tử sau này đã trở thành một thương cảng sầm uất nhất nhì miền Bắc", ông Kính nói. Hai tác giả Đồng Thị Hồng Hoàn và Trịnh Minh Hiên còn cho rằng: Từ việc giao thương mà, Chử Đồng Tử đã đã có duyên gặp với sư Phật Quang kết thành anh em, bỏ nghề đi buôn cùng vợ học phép tu tiên trở thành Phật tử đầu tiên của đạo Phật. Vị thánh thứ ba của "Tứ bất tử" trong tâm linh người Việt trở thành người khai sáng cho Phật giáo Việt Nam.

Không như nhiều người nghĩ, Luy Lâu (Bắc Ninh ngày nay) là nơi khai sinh ra Phật giáo Việt Nam. Những nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo và văn hóa Việt Nam vẫn còn đang tranh cãi về địa danh này. Có học giả nhận định nơi đó là thành Nê Lê (hay Lê Nê) ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Người khác lại nhận định đó là chùa Địa Ngục trên đỉnh Tam Đảo, Vĩnh Phúc. "Bởi con đường Phật giáo ít hay nhiều liên quan trực tiếp nhưng rất quan trọng đến Chử Đồng Tử, người Phật tử đầu tiên của Việt Nam".
Ông Phạm Văn Kính, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét