Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Ý nghĩa của lễ hội Hoa đăng


(TTH) -  Theo quốc sử triều Nguyễn, cả một vùng Thiên Thai, Ngũ Phong, Châu Chữ, núi non bao quanh tiếp giáp ruộng nương bằng phẳng. Linh khí tụ hội nhờ có khe suối, đầm hồ thông mạch với sông cái Kim Trà, tức Linh Giang. Thiên nhiên ưu đãi ban tặng: núi đồi bao quanh vào tận cửa chùa, điện các, cảnh trí nơi đây thật tuyệt đẹp; hồ Trường Xuân đổ nước qua khe Châu Ê rồi tuôn chảy theo thủy mạch ra Hương Giang như ý thơ mà cũng ý thiền qua bài Thư hoài của ẩn sĩ Ngô Thế Lân, người huyện Quảng Điền, từng có buổi trà đạo và họa thơ với nhà bác học Lê Quí Đôn vào buổi nhà Trịnh vào chiếm giữ Phú Xuân: Cựu sự: sông dài đổ biển xanh Tân hoài: trăng trải khắp mênh mông.

Hoa rừng ngát hương đưa. Chùa dựa núi làm thành quách, nước chảy róc rách. Hương chiên đàn thơm phức hòa lẫn hương trầm tỏa bay vào không trung linh diệu. Làm  xúc cảm lòng thi nhân đến tận cùng, Ngô Thế Lân viết một câu thơ xuất thần:

Viên uyển tăng vi tự
Cung đình mục đồng canh

Nghĩa là:

Vườn cảnh đẹp xinh nhà sư dựng lập chùa.
Mục đồng canh giữ phương đình theo nếp cũ.
Đồng cảm với người thiên cổ, nhà thơ Trúc Diệp mới phóng viết hai câu tuyệt bút trong bài “Tiếng chuông ngân”:
Mái chùa hồn nước hồn non,
Hồn dân tộc Việt chon von mái chùa.

Thiên Thai không ở đâu xa, mà Ngũ Phong hôm nay là hiện tiền, Thiền viện Hương Vân an lạc cạnh Điện thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đền thờ Huyền Trân công chúa để rồi men theo tầng cấp dẫn lên núi cao 108 mét là gác chuông Hòa Bình lồng lộng như cửa trời vậy. Hồ Trường Xuân làm tăng thêm cảnh trí nước non như ý tứ thâm hậu của câu đối Hán Nôm vào đầu thế kỷ 20:

Khoán thư ghi tạc lòng son sắt
Nhân trí vui vầy cảnh nước non

Mồng chín tháng giêng năm Tân Mão 2011, lễ giỗ Huyền Trân công chúa, lễ hội Hoa đăng được trình diễn để cúng dường Phật Thánh, tỏ lòng tri ân nhiều thế hệ tiền nhân hơn 700 năm qua đã dày công đi mở đất phương Nam vuông ngàn dặm rộng dài:

Mùa xuân hoa nở khắp quê hương
Phúc đức anh khang đến mọi nhà

Mùa xuân vận hội khai mở, từ chốn đình trung cho đến tận ngoài dân gian tổ chức và trình diễn hội Hoa đăng. Trăm hoa đua nở, trời về đêm trăng sao lấp lánh phản chiếu trên mặt nước sông hồ. Làng nước mở hội cầu Quốc thái dân an, Phong điều vũ thuận mà mấy năm nay đang được hồi sinh. Hoa đèn sáng rạng, cành phướn tung bay, người người nô nức đi dự hội múa Bài bông, múa Lục cúng, hát Cửa đình, diễn các trò chơi dân gian. Có múa, có hát, có thài là những làn điệu nghệ thuật sáng tạo tinh anh của ba dòng tư tưởng văn hóa Nho - Lão - Phật được tổng hợp dưới cái nhìn đầy minh triết dân gian Việt.

Để dễ dàng hình dung ra cảnh tượng hội Hoa đăng thời cận đại, ta có thể tìm đọc lại bản dịch in trên tạp chí của Hội Đô Thành Hiếu Cổ, năm Ất Sửu, 1925, được viết bằng tiếng Pháp chuyển ngữ sang tiếng Việt như sau:

“Tháng 9/1924, lễ tứ tuần đại khánh vua Khải Định, khắp hai bên đường thành phố Huế làm những khải hoàn môn, kết lá xanh tươi, dán chữ Thọ và chữ Phúc bằng hoa rực rỡ. Ở trên kỳ đài và những cột cờ bên vệ đường đều treo cờ rồng vàng lẫn cờ ngũ sắc, cờ đuôi nheo, cờ long phượng nhật nguyệt. Trong điện đám cô đầu Bắc Kỳ đứng trên chiếu hát, có khi múa và hát những bài Chúc hổ. Buổi tối, 64 trẻ em mặc quần áo lụa màu vàng và xanh đỏ, đầu đội mũ đỏ, vai mang đèn lồng, múa Hoa đăng. Kế đến, ban Bát dật múa, rồi đám vũ nữ ở biên giới Trung Kỳ múa vũ khúc Thăng Bằng, trên đầu kết một chùm lọ sứ như hình cây tháp, theo điệu nhạc lúc uốn lượn, lúc quỳ, lúc đứng mà chùm lọ sứ trên đầu vẫn y nguyên không đổ…”

Đèn lồng mang trên vai có nhiều loại, phần nhiều có hình dáng hoa mẫu đơn, hoa thọ, hoa sen: Tinh khiết như hoa sen/ Rạng ngời như Bắc đẩu.

Xuân Tân Mão mở đầu bằng ngày Kỷ Sửu, mồng một tháng Giêng âm lịch, ứng với ngày 3/2/2011. Thừa Thiên Huế hưng vận, mọi người lòng những cầu mong và chúc phúc cho giang sơn gấm vóc muôn đời.

Mấy năm trở lại đây, lễ cầu Quốc thái dân an được tôn vinh. Theo nhịp bước đăng trình, đã khai thông mở rộng để đất nước ngày một huy hoàng, rạng rở. Phía trước đường đi đầy hương thơm ngát, xin gạt bỏ gió chướng, đón gió lành, toàn dân đồng tâm hiệp lực vượt qua những khó khăn một cách nhẹ nhàng để cho dân giàu, nước mạnh, Tổ quốc vinh quang như lời chúc phúc thiêng liêng của Lễ hội Hoa đăng.

Theo nguyên nghĩa, Hoa đăng có nghĩa là đèn hoa. Lễ hội Hoa đăng là lễ hội thắp đèn được trang trí bằng những chiếc đèn hoa. Lễ hội Hoa đăng nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam vào những ngày lễ lớn. Đặc biệt là lễ hội đầu năm mới, lễ Thượng Nguyên, đốt đèn mừng lễ hội, cầu nguyện quốc thái dân an, cầu âm siêu dương thái. Lễ hội Hoa đăng vừa ấm cúng, thẩm mỹ, giàu truyền thống vừa mang lại giá trị tâm linh mở đầu cho một năm mới tốt đẹp.

Có thể thấy rõ hơn ý nghĩa ấy về Hoa đăng trong Phật giáo. Một trong những danh hiệu của đức Phật A Di Đà là Vô Lượng Quang. Nghĩa là, hào quang của Ngài chiếu phắp mọi nơi, soi rọi đường cho chúng sanh bước ra khỏi sinh tử. Ánh sáng còn tượng trưng cho trí huệ. Ngài dùng trí huệ để giáo hóa chúng sanh, từ trong đêm tối nhờ vào ánh sáng trí huệ mà thoát khỏi vô minh tăm tối. Đây là điều có thể lý giải được. Trong thế giới ngày nay, vấn đề ánh sáng rất cần thiết cho mọi sinh hoạt của con người, cũng như vậy ánh sáng của trí huệ đưa con người ra khỏi u mê. Ngoài ra, trong Phật giáo còn có Phật Dược Sư cũng được gọi là Lưu Ly Quang Như Lai cũng cùng chung một ý nghĩa này. Trong kinh Dược Sư còn dạy cách đốt đèn cúng dường và cầu nguyện. Đèn có thể làm nhỏ như quả cam hoặc to như bánh xe, có thể xếp thành 7 tầng, thắp suốt 49 ngày đêm thành tâm cầu nguyện thì mọi việc được an lành.

Trong ý nghĩa đó, việc cúng đèn tổ chức lễ hội Hoa đăng cũng nhằm mục đích chúc mừng, cầu nguyện Quốc thái dân an, cầu nguyện siêu độ cho người đã khuất theo ánh sáng ấm áp mà xả bỏ oan khiên thù hận bước theo con đường giải thoát khổ đau. Người cúng đèn có được phước báo trí huệ sáng suốt và hưởng nhiều ích lợi.

Với ý nghĩa như vậy nên người tổ chức, người cúng đèn hoa đăng và người tham dự thành tâm rất có công đức và lợi lạc. Theo Phật thuyết thí đăng công đức kinh, Đức Phật dạy người cúng đèn có 10 công đức sau đây:

1. Chiếu thế như đăng (Người cúng đèn đời này và đời sau giống ngọn đèn sáng của thế gian, huệ đăng chiếu sáng toàn thế giới).
2. Nhục nhãn bất hoại (Mắt không bao giờ hư hoại).
3. Đắc ư thiên nhãn (Mắt nhìn thấy như loài trời).
4. Thiện ác trí năng (Có trí huệ phân biệt được thiện ác).
5. Diệt trừ đại ám (Có trí huệ siêu việt, diệt trừ tam độc).
6. Đắc trí năng minh (Trí huệ xuất chúng, không bị ngoại giới nhu nhuyễn lôi kéo).
7. Bất tại ám xứ (Không sinh ở nơi tà kiến và địa phương hà khắc).
8. Cụ đại phúc báo (Sinh ra là người có phúc báo).
9. Mệnh tận sinh thiên (Lâm chung không đọa ác thú, mà sinh nơi thiên giới)
10. Tốc chứng Niết Bàn (Chứng quả vị thánh mau lẹ).

Trong Phật giáo, mọi người Phật tử đều biết câu chuyện Bà lão cúng đèn. Việc làm tuy nhỏ nhưng với tâm nguyện cao quý của một bà lão, Đức Phật đã dạy rằng ngọn đèn ấy là hào quang công đức của một vị Phật tương lai.

Ngày đầu xuân năm mới khai mở lễ hội Hoa đăng là một lễ hội thuần túy của người Việt Nam vốn có từ xưa, vừa cầu nguyện cho đất nước vinh quang, mưa thuận gió hòa, nhà nhà được no ấm, người người được bình an. Đây là một việc làm hữu ích của Ban tổ chức và những người tham gia.

Đối với Phật giáo, vào những ngày lễ lớn hoặc tổ chức những khóa lễ tu tập hay cầu nguyện đều có tổ chức lễ hội phóng sanh đăng. Có thể tổ chức đốt đèn trong chùa tháp, tổ đường, hoặc thả đèn trên sông và thả các loại thủy sinh. Đây là một nghĩa cử đầy nhân bản, nhân văn về việc bảo vệ môi trường sinh thái, làm cho lễ hội càng thêm nhiều ý nghĩa.

Trong Phật giáo còn có lễ Truyền đăng, có nghĩa là truyền cho nhau niềm tin, truyền cho nhau chân lý. Thắp sáng một ngọn đèn trên tay, thắp sáng tâm niệm lành, thắp sáng lên tâm niệm tốt đẹp và truyền cho nhau. Cầu chúc nhau một tâm niệm yêu thương nhân bản.

Hy vọng, mỗi ngọn đèn trên tay của quí vị được đốt lên, mỗi người cầu nguyện vào đó một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và cho mọi người. Mỗi ngọn đèn trên tay là ánh sáng từ bi xóa hết mọi khổ đau để cùng nhau xây dựng một đất nước tươi đẹp và phồn vinh, hướng đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi ngọn đèn trên tay là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và nhân dân an lạc.
Dương Phước Thu - Lê Quang Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét