Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Kiến trúc - mỹ thuật trong các ngôi chùa Khmer

    Xuôi về Đồng bằng sông Cửu Long trù phú với đồng quê, sông nước, miệt vườn, khách bị cuốn hút bởi những ngôi chùa Khmer cổ kính thấp thoáng trong vườn cây cổ thụ bao quanh.

    Hệ thống chùa Khmer ở ĐBSCL khá dày đặc, nhất là ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng… Có những ngôi chùa được xây dựng từ trước thế kỷ XVI nhưng cũng có ngôi chùa mới xây dựng hoặc đại trùng tu trong thế kỷ XIX, XX. Tuy có sự khác nhau khá xa về niên đại nhưng vẫn có những đặc trưng chung: đó là sự đồ sộ, uy nghi với nét đặc thù rất tiêu biểu cho kiến trúc Khmer truyền thống.


Chùa Seray Kadal (1694) còn nhiều kiến trúc gỗ

    Về kiến trúc, mỗi ngôi chùa Khmer đều là một công trình nghệ thuật. Vì ngoài chức năng tôn giáo, tín ngưỡng nó còn đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, văn hóa tinh thần của cộng đồng. Khác với ngôi chùa của người Việt, mặt bằng vị trí của ngôi chùa Khmer dàn trải rộng ra. Từ cổng chính, ngôi sa-la, ngôi chính điện đến các tháp đều cách xa nhau, nhưng vẫn có sự liên kết chặt chẽ, gắn bó về bố cục. Trong tổng thể kiến trúc ấy thì ngôi chính điện có vị trí quan trọng nhất. Đây là nơi thờ phụng đức Phật, nơi tôn nghiêm, linh thiêng nhất đồng thời cũng tập trung các nét kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu nhất.

Chùa Wath pich (1738)
    Chính điện nằm ở vị trí trung tâm, là ngôi nhà đồ sộ nhất, được xây, đắp một cách công phu. Cấu trúc chính điện bao giờ cũng theo một nguyên tắc thống nhất: theo hướng Đông-Tây, rộng rãi, cao và thoáng mát. Bao quanh là bốn dãy hành lang rộng với hàng cột dày đặc (theo kiểu corinthial Hy-Lạp). Mỗi đầu cột đều có gắn tượng Krud (người chim): một nửa thân là chim, nửa là người hoặc là tiên nữ trong tư thế đứng dang hai tay đỡ mái, trông rất khỏe khoắn, sinh động.
    Cấu trúc bộ vì kèo của chính điện được chia làm nhiều phần: đơn hoặc kép tùy theo mái. Riêng bộ mái có kiến trúc khá phức tạp và độc đáo. Khung thường làm bằng gỗ quý và lợp ngói. Có khi toàn bộ mái được đổ bê-tông thành mặt phẳng nghiêng và gắn thêm ngói nam cho giống vảy rắn thần Na-ga. Bộ mái chia làm ba cấp, mỗi cấp lại chia làm ba nếp. Nếp giữa lớn nhất. Hai mái trước và sau hợp thành một góc 60 độ. Các mái vừa so le vừa có độ dốc khác nhau nên tránh đi sự đơn điệu, tạo ra nét đẹp và vui mắt. Để tạo nét duyên dáng, ấn tượng, các nghệ nhân đã đắp chạm hình rồng và hoa lá cách điệu ở góc đao. Còn ở các đầu kìm, các góc bờ nóc bao giờ cũng được chạm trổ hoặc đắp những "đuôi  rồng" nhọn dần, trơn, lượn vút lên khá cao. Bờ dải các mái là thân rồng nằm thoai thoải như đang trườn mình từ nóc xuống bờ hiên, với những vây tỉa rõ từng cái, đều đặn uốn cong lên như những ngọn lửa cuồn cuộn cháy. Đầu rồng (tức rắn thần Na-ga) được gắn ở góc đao mỗi mái trong tư thế nhìn lên - biểu tượng của rắn thần Na-ga vĩnh cửu mà người Khmer gọi là Puos neaka reach. Đây cũng là hình ảnh của chiếc thuyền đang bơi.       
  

Chùa Munisakor (1750)
    Điêu khắc cũng là bộ phận thiết yếu gắn chặt với kiến trúc làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho từng ngôi chùa. Điêu khắc ở đây phong phú về đề tài, thể loại và chất liệu. Tượng Phật trong các ngôi chùa đều có chung tư tưởng, triết lý Phật giáo, đó là cách mô tả cơ thể siêu tự nhiên. Nhưng các nghệ nhân Khmer không đi vào đặc tả mà dùng mảng khối, đường nét ước lệ trần tục để thể hiện cái thần, cái siêu thoát của hình tượng. Dù được thể hiện bằng nhiều hình thức, kiểu dáng tư thế khác nhau như: tượng Phật ngồi thiền định, tượng đứng cứu độ chúng sinh, tượng khất thực… song đều khoác tấm áo cà sa màu vàng của nhà Phật (phủ kín hai vai hoặc một vai). Nhìn chung điêu khắc ở đây mang đậm tinh thần, phong cách Ấn Độ, song các nhà điêu khắc Khmer đã hướng tới một sự giản lược, tạo cho tượng một vẻ dáng khỏe khoắn mà không nặng nề. Hình thái, nét mặt được khắc họa biểu cảm những đặc trưng tinh thần của dân tộc Khmer. Ngoài tượng Phật, nghệ thuật điêu khắc dân gian - dân tộc còn được thể hiện hàng loạt các loại tượng khác tại ngôi chùa như: tượng đầu thần Mahaprum, tượng Hanuman, Kayno, Krud… mà mỗi hình tượng đậm tính đặc thù dân tộc.

    Hội họa, hoa văn trang trí trong các ngôi chùa Khmer cũng rất phong phú. Trên mỗi bức tường hay trần nhà của ngôi chính điện rất nhiều các bức bích họa thể hiện đề tài hoa lá Phật giáo lộng lẫy choáng ngợp. Các họa sĩ Khmer đã tóm lược toàn bộ sự tích về đức Phật bằng những bức tranh vẽ khắp trên tường ngôi chính điện hay sa-la, từ cảnh Phật đi tu cho đến khi nhập Niết bàn. Tất cả hiện lên một cách sinh động. Khách lạ thập phương khi bước vào sẽ thấy mình như đang sống trong thời kỳ Phật còn hạ thế. Nghệ nhân, họa sĩ Khmer khá tự do trong việc dùng màu sắc. Họ thường dùng các gam màu đậm, có độ tương phản mạnh hết sức sặc sỡ.

    Nghệ thuật trang trí trong các ngôi chùa đều rất công phu tỉ mỉ. Mỗi khoảng trống đều được các nghệ nhân tận dụng. Từ những cây cột, khuôn cửa, nóc mái cho đến khoảng không chật hẹp của bất kì công trình hay bộ phận kiến trúc nào đều được khắc, chạm, tô vẽ kỹ lưỡng. Hoa văn trang trí phong phú với nhiều hình thức phức tạp phối hợp lẫn nhau: chạm chìm, chạm nổi trên gỗ, trên đá ; đổ khuôn xi-măng, tô đắp trực tiếp… Các nghệ nhân vận dụng mọi phương tiện, chất liệu để tô vẽ cho ngôi chùa thật đẹp. Tùy vào vai trò, vị trí của mỗi bộ phận kiến trúc mà các nghệ nhân sử dụng các hình thái hoa văn cho phù hợp như: hoa sen, hoa văn lửa, hoa văn Pnhi-vo… Hoa văn của người Khmer có sự kết hợp những đường cong mềm mại uyển chuyển như thể hiện thiên nhiên giàu đẹp, bốn mùa hoa lá xanh tươi. Sự thay đổi nhịp nhàng của tiết điệu, đường nét kết hợp với những khối lồi lõm sinh động; sự đậm nhạt của màu sắc do ánh sáng kết hợp tạo thành càng làm cho ngôi chùa thêm  lộng lẫy, làm tăng thêm vẻ uy nghi đầy chất thánh thiện của ngôi chùa.

    Cũng như một số loại hình nghệ thuật khác, kiến trúc của người Khmer chủ yếu tập trung tại chùa chiền. Trong các phum, srok ít thấy một công trình quy mô hay tác phẩm điêu khắc nào của cá nhân nghệ sĩ. Cũng giống với người Việt, các tác phẩm kiến trúc, mỹ thuật tại chùa chiền nghệ nhân dân gian Khmer không ghi tên mình mà để cho các thế hệ sau tự tìm hiểu và khâm phục.

    Có thể nói ngôi chùa Khmer là một chỉnh thể nghệ thuật tổng hợp. Ở đó các yếu tố kiến trúc, điêu khắc, hội họa, hoa văn trang trí đã quyện chặt vào nhau, được sắp đặt một cách hài hòa. Nó được kết tinh từ nghệ thuật truyền thống và trí tuệ sáng tạo của dân tộc với những nét đặc thù đầy ấn tượng. Vì vậy mà ngôi chùa Khmer không lẫn với các ngôi chùa của người Việt, người Hoa là các dân tộc anh em cùng theo một tôn giáo.

HỨA SA NI - PHẠM ANH HOAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét