Năm 1442, Nguyễn Thị Lộ bị kết tội giết vua, Nguyễn Trãi bị coi là tòng phạm phải chịu thảm án tru di tam tộc. Án oan Lệ Chi Viên tưởng như đã khiến dòng họ của Nguyễn Thị Lộ bị tuyệt diệt, nhưng vẫn còn có người trốn thoát và sống sót. Tại từ đường của dòng họ Nguyễn ở thôn Hải Triều gọi nôm na là làng Hới, chúng tôi đã được ông Nguyễn Hoa Mai kể cho nghe câu chuyện của tổ tiên mình và quá trình đi tìm dấu vết của cha ông để lập nên cuốn gia phả của dòng họ mình.
Người sống sót của dòng họ Nguyễn
Ông Nguyễn Hoa Mai cho biết, từ lúc còn rất nhỏ đã được những người già kể lại câu chuyện Lệ Chi Viên và quá trình sinh cơ lập nghiệp của tổ tiên mình trong những lần họp họ hay giỗ tổ. Đó là năm 1442, ngay khi cụ Nguyễn Thị Lộ cùng cụ Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc, có người đã chạy về thôn Hải Hồ, quận Ngự Thiên, tỉnh Hưng An nay chính là thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà để báo tin. Hay tin, ba người em của cụ Nguyễn Thị Lộ đã chạy trốn. Hai người em là Nguyễn Thị Lụa và Nguyễn Khắc Đông chạy ra Quảng Ninh nhưng sau đó không rõ tung tích. Chỉ có người em trai út sống sót là Nguyễn Khắc Triều cũng chạy ra Đông Triều, Quảng Ninh rồi đổi tên thành Nguyễn Khắc Uẩn. Trốn ở đây một thời gian, cụ lại chạy về thôn Hoa Kinh, xã Nhân Mục, quận Thường Tín, phủ Tràng An.
Hơn 20 năm sau, khi Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ được vua Lê Thánh Tông giải oan đồng thời tìm con cháu còn sống sót của hai dòng họ thì cụ Nguyễn Khắc Uẩn được mời về triều làm cố vấn cho phủ Tam công rồi sau được phong là Thái bảo quận công lý thập hầu. Cụ chính là người duy nhất còn sống sót của dòng họ Nguyễn ở Hải Triều sau thảm án Lệ Chi Viên. Thời kỳ này, dòng họ Nguyễn ở làng Hới không còn ai vì người duy nhất còn sống là cụ Uẩn lại đang ở Tràng An và lập ra chi họ mới của dòng họ Nguyễn Khắc tại đây.
Cụ tổ của dòng họ Nguyễn ở làng Hới chính là cụ Nguyễn Khắc Minh, con trai của cụ Nguyễn Khắc Tuấn và là cháu đời thứ tư của Thái bảo quận công lý thập hầu Nguyễn Khắc Uẩn. Ông Hoa Mai cho biết họ Nguyễn có một chi ở Quảng Bình bắt đầu từ đây khi cụ Nguyễn Khắc Tuấn vào Quảng Bình lập nghiệp và sinh ra ba người con trai. Hai người con đã ở lại đất Quảng Bình và chính là thuỷ tổ của dòng họ Nguyễn Quảng Bình sau này. Người con trai thứ ba của cụ Nguyễn Khắc Tuấn là cụ Minh lại về làng Hải Triều lấy cụ Từ Hạnh vốn là một người con gái đẹp người đẹp nết của làng và lập nghiệp ở đây. Cụ từng theo vua Lê vào miền Trung đánh nhà Mạc, được phong chức Thượng tướng quân chỉ huy xứ trấn thủ vùng sông Gianh rồi Thượng thư bộ lại. Cuối đời, cụ về làng Hới rồi tạ thế và được chôn cất tại đây.
Bắt tay vào viết cuốn gia phả, ông Nguyễn Hoa Mai cho biết mình đã mất rất nhiều công sức tập hợp và nghiên cứu tư liệu rồi lần theo những câu chuyện được chép lại trong cuốn Trúc điệp truyền thư truyền từ đời này sang đời khác của dòng họ. Ông đã lặn lội ra Quảng Ninh, nơi che chở cụ Nguyễn Khắc Uẩn những ngày đầu chạy trốn rồi lên Hà Nội nơi cụ Uẩn đã ẩn cư và lập ra một chi mới của dòng họ. Ông cũng đã vào Quảng Bình, đi tìm một chi khác của dòng họ Nguyễn đã tồn tại và phát triển ở đây mấy trăm năm qua. Và mất gần mười năm trời miệt mài tìm hiểu, ông mới dựng lại được bức tranh lịch sử của dòng họ sau thảm án Lệ Chi Viên.
Đến nay, cuốn gia phả ấy đã hoàn thành và được in lại với cây phả hệ và những câu chuyện của các cụ tổ lúc sinh thời đã được lưu truyền trong dòng họ từ đời này qua đời khác.
Câu lạc bộ Những người yêu kính Nguyễn Thị Lộ
Gần 600 năm sau ngày Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi bị chém đầu, năm 2006, đền thờ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi đã được xây dựng ở chính quê hương của cụ là thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình. Và năm 2009, câu lạc bộ Những người yêu kính Nguyễn Thị Lộ cũng đã được thành lập. Ông Nguyễn Hoa Mai cho biết mục tiêu của hội là làm sao để nhiều người biết đến công lao và đức độ của hai vị tiền nhân này nên ngoài việc tìm hiểu sưu tầm tư liệu về cụ Nguyễn Thị Lộ và cụ Nguyễn Trãi thì hội còn nêu cao tinh thần tương thân tương ái và khuyến khích phong trào học tập nhằm noi gương Lễ nghi học sĩ tại quê nhà. Đến nay, hội đã có gần 200 thành viên không chỉ là con cháu dòng họ Nguyễn mà còn là con cháu nhiều dòng họ khác và ở nhiều tỉnh thành khác nhau.
Hàng năm, hội tổ chức gặp mặt các thành viên hai lần tại đền thờ hai cụ ở Hải Triều. Mới thành lập được hơn một năm nhưng câu lạc bộ đã có nhiều hoạt động như tổ chức lễ khuyến học nhằm tuyên dương những con em thành viên trong hội có thành tích tốt trong học tập, xây dựng tủ sách với hơn một ngàn đầu sách dành cho tất cả mọi đối tượng để học tập và nghiên cứu. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, khi miền Trung gặp thiên tai, câu lạc bộ đã tổ chức quyên góp từ các thành viên và những người trong dòng họ Nguyễn rồi đích thân ông Nguyễn Hoa Mai cùng một vài thành viên của hội đã hai lần lặn lội theo xe hàng vào hai xã Quảng Lộc và Quảng Hoá thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, nơi có chi họ Nguyễn sinh sống để cứu trợ.
Mặc dù đã ở tuổi 70 nhưng ông Nguyễn Hoa Mai vẫn không quản ngại đi khắp nơi vì hoạt động của câu lạc bộ và không ngừng làm cho nó phát triển, lớn mạnh. Nhưng điều mà ông còn đau đáu là cho đến nay, vẫn còn nhiều người hiểu sai về Nguyễn Thị Lộ, vì mặc dù vua Lê Thánh Tông đã có chỉ dụ minh oan cụ không mắc tội giết vua nhưng cũng không giải thích rõ cái chết của vua Lê Thái Tông, nên người đời sau vẫn cho rằng vua chết là do ham mê sắc dục với Nguyễn Thị Lộ. Ông Mai khẳng định ông đã tìm hiểu qua nhiều tài liệu cũng như những câu chuyện được lưu truyền trong dòng họ thì lúc xảy ra vụ án, cụ Nguyễn Thị Lộ đang cải trang thành ni cô để sang ngôi chùa mà mẹ con cung phi Ngô Thị Ngọc Giao trú ẩn để đưa đi nơi khác vì chỗ đó không còn an toàn. Đó là âm mưu của bọn gian ác nhằm bôi nhọ thanh danh của Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi. Ông bảo sẽ dành quãng đời còn lại để minh oan cho cụ Nguyễn Thị Lộ, và trả lại danh tiết cho người con gái làng chiếu năm xưa.
BÀI VÀ ẢNH: TRUNG HOÀNG
( Theo SGTT - Thegioif5 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét