Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Nhà hát tư nhân đầu tiên trên đất Huế

Cái duyên với Festival Huế của một nữ nghệ sĩ Việt kiều đã đưa Camille Huyền trở lại quê hương và đầu tư xây dựng một nhà hát tư nhân đầu tiên trên đất Huế: Nhà hát Bến Xuân, sẽ khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 9 năm nay.
Vợ chồng nghệ sĩ Camille Huyền trước thềm Nhà hát Bến Xuân. Phía sau họ là gian nhà chính - phòng hòa nhạc dành cho nhạc cổ điển

Lần đầu tiên Camille Huyền được công chúng trong nước biết đến khi chị từ Thụy Sĩ trở về tham gia biểu diễn các ca khúc của nhạc sĩ Cung Tiến cùng nghệ sĩ guitar Thụy Sĩ Walther Giger tại Festival Huế 2008. Từ đó đến nay, Camille xuất hiện đều đặn ở các kỳ Festival Huế và gây chú ý bởi phong cách âm nhạc rất khác trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam đương đại. Trong những ngày Festival Huế 2012 vừa qua, Camille, dù vẫn phải giữ giọng để biểu diễn 4 buổi ở Duyệt Thị Đường, nhưng vẫn giám sát tỉ mỉ việc hoàn thiện Nhà hát Bến Xuân.

14 năm cho một nhà hát

Sống ở châu Âu đã nhiều năm, Camille Huyền – một tôn nữ thuộc dòng dõi hoàng tộc ở Huế – với chồng, một người làm việc lâu năm trong ngành tài chính, ngân hàng (đã từng giữ chức giám đốc một ngân hàng ở Thụy Sĩ) luôn nuôi ước mơ sẽ xây được một nhà hát của riêng họ theo kiến trúc nhà rường Huế.

Năm 1998, họ bước đầu hiện thực hóa ước mơ của mình bằng việc mua một mảnh đất rộng 4.000m2 trên địa phận xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, nằm ngay sát bờ sông Hương, gần chùa Thiên Mụ. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà hát này chỉ bắt đầu chính thức cách đây 3 năm. 11 năm trước đó là thời gian chuẩn bị vật liệu xây nhà, một công cuộc chuẩn bị có lẽ là có một không hai trong cuộc đời họ.

Toàn bộ gạch dùng để lát nền nhà, nền sân và gạch ngói đều là gạch cũ, được cóp nhặt từ rất nhiều ngôi nhà cổ, tường thành cũ. Trong suốt 11 năm, người phụ trách công trình nghe ngóng thấy ai muốn dỡ nhà cũ để xây nhà lầu ở Huế, liền lập tức đến mua lại gạch, ngói. Trên các viên gạch vẫn còn chữ triện đánh dấu của các đội xây dựng xưa ở hoàng thành. Cũng may là trước đây, người ta chỉ sử dụng vôi để xây nhà chứ không phải xi măng nên việc gỡ những viên gạch ra nguyên vẹn không mấy khó khăn. Hàng trăm ngàn viên gạch đã được mua về đây theo cách đó và tất cả những người thợ xây dựng ngôi nhà đều luôn phải tâm niệm rằng họ đang làm một công việc đòi hỏi sự khéo léo và tập trung cao độ, không được làm vỡ bất kỳ một viên gạch nào.

Rồng, phượng và những bức họa trên mái nhà được làm bằng các mảnh của những món đồ sành sứ cổ bị vỡ mua từ con tàu đắm khai quật ở Bao Vinh trước đây. Cột, kèo của ngôi nhà, bên cạnh những thứ được làm mới cũng có những thứ đi mua lại của các ngôi nhà cũ và được chuyển về hoàn toàn bằng sức người chứ không phải bằng cần cẩu, máy kéo.

Phía trước ngôi nhà, ngay sát mép nước sông Hương là hàng liễu đang lớn dần. 40 cây liễu này được mua ở Hà Nội, nhưng việc mua những cây liễu này cũng rất dụng công. Đọc trong bài nghiên cứu về giống liễu không có hoa đỏ đã mất dần ở Huế của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đăng trên tạp chí Sông Hương, tìm hiểu từ các tài liệu khác về giống liễu này và biết đó cũng chính là giống liễu được trồng nhiều ở châu Âu, anh Trương Đình Ngộ, chồng Camille, quyết định ra Hà Nội tìm cho được giống liễu này. 40 cây liễu sau đó được cẩn trọng mang dần về Huế theo đường hàng không. Vài năm nữa, nếu đứng trước sân ngôi chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê hướng mắt về phía cuối sông Hương thì sẽ nhìn thấy hàng liễu này phất phơ trước gió. Rất nhiều cây trong vườn, hầu hết là cây ăn trái, được mang về từ khắp nơi, cây măng cụt từ Nam bộ, cây hoa sữa từ Hà Nội, có cả những cây được mang về từ Thụy Sĩ…
Nhà thủy tạ - điểm tiếp khách là phụ nữ của nữ chủ nhân, đây sẽ là nơi dùng để tổ chức các cuộc nói chuyện về văn thơ và các vấn đề mà phụ nữ quan tâm
Giám sát xây dựng bằng… Skype

Trong 3 năm kể từ khi khởi công xây dựng ngôi nhà, ngày nào Camille Huyền cũng làm việc với người trông coi việc xây dựng ít nhất 2 tiếng đồng hồ qua Skype, dịch vụ gọi điện thoại miễn phí bằng máy tính. Anh này sẽ dùng camera của máy tính quay lại các chi tiết đang xây dựng để Camille nghiệm thu. Cách đó giúp chị kiểm soát được hết mọi công việc, mọi chi tiết xây dựng của ngôi nhà từ kích thước bức vách, chiều cao của cột, mực nước trong hồ thủy tạ đến vị trí của từng viên gạch khi xây tường, lát sân.

Với Nhà hát Bến Xuân, Camille Huyền vừa là chủ xây dựng, vừa là kiến trúc sư kiêm luôn cả giám sát thi công! Chị thiết kế ngôi nhà sau khi đọc rất nhiều tài liệu về kiến trúc, lịch sử nhà rường, đi tham quan tận mắt và chụp hình tất cả các cung điện của hoàng hậu, vương phi trong các khu di tích ở Huế.

Chị bảo nếu chỉ cần làm theo mẫu nhà rường thì dễ thôi, cứ đưa cho kiến trúc sư là họ làm y theo mẫu, bởi nhà rường tuy đã không còn nhiều ở Huế nhưng ngày xưa ai cũng xây nhà rường cả. Còn chị xây nhà rường theo kiểu “hand made”, kỹ đến từng chi tiết và dù làm theo đúng nguyên mẫu với những chuẩn mực của nhà rường nhưng vẫn đưa những cái riêng của mình vào. Có thể đó là những chi tiết không chuẩn nhưng cái không chuẩn đó trong kiến thức về nhà rường được gọi là nghệ thuật và nó mang dấu ấn cá nhân.

Chẳng hạn, nếu nhà rường xưa chỉ có họa tiết rồng, đầu rồng trên mái nhà thì chị làm cả những họa tiết phượng – biểu tượng của người phụ nữ – nhỏ hơn họa tiết rồng nhưng luôn được đặt trước rồng, đó là sự trọng nữ mà chị thấy ngưỡng mộ trong văn hóa của người phương Tây. Họa tiết phượng còn được sử dụng để làm cửa sổ trong các gian phòng. Trên mái nhà, bên cạnh rồng, phượng còn có những bức tranh về các nhạc cụ cổ truyền như đàn tỳ bà, nguyệt, tranh, bầu… được khảm bởi các mảnh sành sứ cổ thể hiện tình cảm của chị với kho báu âm nhạc dân tộc. Vách gỗ của nhà rường xưa thường được sơn màu đỏ nhưng Camille thích sự tự nhiên của các vân gỗ. Khoảng sân rộng trước cửa nhà hát được lát gạch theo hình giọt nước khổng lồ, và thợ xây đã phải đo đạc rất cẩn thận cho vị trí đặt từng viên gạch.

Sau festival, vợ chồng Camille ở lại Huế thêm 2 tháng để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của nhà hát. Phần thiết kế âm thanh của nhà hát sẽ do một người bạn Đức của anh chị trước đây từng là chủ một nhà hát ở Thụy Sĩ làm giúp, cùng với sự hỗ trợ của Walther Giger, nghệ sĩ guitar vốn là thầy đồng thời là bạn diễn của Camille.

Nhà hát Bến Xuân sẽ khánh thành vào 22/9/2012, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử bằng concert của Camille Huyền, biểu diễn các bài hát được chính chị phổ thơ Hàn Mặc Tử. Một số nhà thơ người Pháp trước đây đã dịch thơ Hàn Mặc Tử sẽ được mời về tham dự sự kiện này.

Không gian biểu diễn của Nhà hát Bến Xuân rất đa dạng, có phòng hòa nhạc dành riêng cho nhạc cổ điển, khoảng sân rộng để biểu diễn các bộ môn nghệ thuật dân tộc khác như ca Huế, múa rối nước…

Cổng nhà hát đúng nghĩa một bến nước, đón khách từ sông Hương vào. Một số buổi biểu diễn có quy mô lớn sẽ tổ chức cho du khách thưởng thức bằng cách kết thuyền trên sông Hương để xem. Chủ nhân dự kiến nhà hát sẽ liên kết với các khách sạn 5 sao để đón khách đến tham quan như một điểm du lịch văn hóa.
Dương Vân Anh (Báo Thể thao & Văn hóa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét