Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Làng chiếu Định Yên

Làng chiếu Định Yên cách thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) khoảng 33 km. Đây là một địa chỉ du lịch hấp dẫn nằm bên bờ sông Hậu với nghề dệt chiếu nổi tiếng cách đây gần trăm năm.

Hàng năm chợ chiếu Định Yên tiêu thụ hàng triệu sản phẩm các loại khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Chiếu thường bán chạy nhất vào khoảng tháng chạp, tháng giêng và tháng hai. Một điểm rất khác với những phiên chợ khác là người mua chiếu thì tìm một chỗ ngồi chờ, còn người bán ôm hoặc vác chiếu trên vai đến chào hàng, ngã giá. Nơi đây nhộn nhịp những cô gái trẻ ngược xuôi mời chào sản phẩm chiếu đủ loại, đa dạng về màu sắc, hoa văn, từ chiếu trắng thường cho đến chiếu vảy ốc, chiếu Trà Niên, chiếu con cờ, chiếu cưới trang trí lộng lẫy... Chiếu được bán sỉ và lẻ với giá cao thấp khác nhau thùy theo mẫu mã và độ dày - mỏng. Gia đình chị Hồ Thị Mười ở ấp An Lệ có mẹ già 70 tuổi và con gái Võ Thị Tú Trinh 22 tuổi cùng say sưa bên khung dệt chiếu là hình ảnh tiêu biểu khi nhiều thế hệ trong gia đình cùng làm nghề đan chiếu ở làng chiếu Định Yên. Chị Mười nói: “Không biết nghề đan chiếu ở làng này có tự bao giờ, chỉ biết hiện nay hầu như gia đình nào ngoài nghề làm ruộng, trong lúc nông nhàn đều đan chiếu vì đó là thu nhập ổn định của từng nhà...”.


Nếu như trên bờ có rừng chiếu đầy màu sắc rực rỡ, chen nhau dưới ánh đèn thì dưới bến, ghe, xuồng của cả trăm người buôn chiếu từ các tỉnh đến chọn hàng. Thông thường, mỗi người buôn chiếu đậu ghe tại bến sông vài đêm, mua chừng 500-1.000 chiếc là nhổ neo, đi bỏ mối hoặc bán lẻ khắp vùng sông nước Cửu Long. Chợ chiếu còn là nơi tập trung khá đông người bán nguyên liệu làm chiếu (trân, bố, lác) được ghe chở từ Sa Đéc, Vĩnh Long... đổ về đây.
Một nét văn hóa độc đáo khác của chợ chiếu này là chợ được họp vào ban đêm trong thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ và được người dân ở đây gọi là “chợ ma”. Do bà con suốt ngày bận rộn với công việc đồng áng hoặc miệt mài bên khung dệt nên chỉ ra chợ vào ban đêm. Lúc đó du khách mới thấy được cảnh họp chợ, mỗi người chong một đèn quây quần trước sân chùa An Phước khiến chợ đêm càng thêm nhộn nhịp dưới ánh đèn, để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách phương xa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét