Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Tám xoan Hải Hậu

  
Nguyễn Bổng

Tiếc thay hạt gạo tám xoan
Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà
            Câu thơ như một tiếng khẽ thở dài xuyên thế kỷ, thương cho đời Tám xoan hồng nhan bạc phận. Thiên nhiên thật hào phóng đã ban tặng cho Hải Hậu miền đất hạ lưu sông Hồng thấm đẫm phù sa, chảy vào tháng sáu đắp qua tháng mười để di dưỡng cây lúa Tám trên nền canh tác có tầng sinh hoá đặc biệt. Những cuốn sách quý về văn hoá Hải Hậu đã ghi: Từ thế kỷ XIII về trước, trong hàng chục loại lúa thơm ngon, nổi trội nhất phải kể đến Bát xuân. Trong Vân đài ngoại ngữ, nhà bác học Lê Quý Đôn có viết: Lúa Bát xuân ưa đất thịt, ruộng cao, cây cao bông dài và mềm, hạt thưa nhỏ, mầu vàng, hạt gạo trắng mùi vị thơm ngon. Sang thế kỷ thứ XIX trong cuốn Đại Nam nhất thống chí thì Bát xuân đã trở thành Tám xoan.
            Thật không vui khi ta dạo gót khắp Hà thành và các đô thị, cứ chỗ nào có hàng gạo bán thì ở đó đều trương biển: Gạo Hải Hậu, gạo nếp Hải Hậu, gạo Tám thơm Hải Hậu, Tám xoan Hải Hậu…Nhưng khi hỏi: Hải Hậu ở đâu? Không ít người lắc đầu thì nói chi đến thưởng thức Tám xoan Hải Hậu. Ngay các chợ gạo tại Hải Hậu cũng không ít người mua Tám xoan mà còn nhầm. Nào Tám ngỗng, Tám duỗi, Bắc thơm số 7…và nhất là gạo Việt hương chiếm. Nếu khi xát các chủ gạo cho thêm nắm lá tám (loại lá xanh có mùi giống tám) tôi đồ rằng sẽ có nhiều người nhầm Tám xoan. Do hạt gạo nhỏ, trong, khi được tắm lá Tám sẽ có mầu trắng xanh và rất thơm, nhưng khi mở vung nồi xới cơm…Thì hỡi ơi, mất tiền mua lấy bực mình. Và vì vậy, một số người do cái lợi nhỏ vô hình chung đã đánh mất thương hiệu quý của mình.
            Hiện các nhà khoa học mấy năm qua đã giúp Hải Hậu chọn lọc ghen quý, quy hoạch vùng sản xuất Tám xoan ở các xã Hải Toàn, Hải Phong, Hải An và các xã lân cận. Dẫu có chậm nhưng thật đáng mừng và trân trọng lắm. Nhưng vài trăm ha thì làm gì đã có gạo bán ra chợ kia chứ! Hiệp hội Tám xoan đang cố gắng mở rộng diện tích sản xuất nhưng rất khó, bởi lúa Tám dài ngày, lúa thơm lại thu cuối vụ nên sâu, chuột chim phá hoại, chi phí cao mà năng suất thấp, lợi nhuận không cao bằng thâm canh các giống cây trồng khác nên nông dân không mặn mà mặc dù cầu luôn vượt cung.


 
            Anh bạn tôi có ông chú họ tuổi ngoại bát tuần. Nửa thế kỷ xa quê lập nghiệp và đã trở thành Việt kiều giàu có nay có dịp về thăm quê cha, đất tổ Hải Tây. Nhớ đất, nhớ người, nhớ tứ thời bát tiết, nhớ nhiều nhiều lắm…Nhưng ám ảnh nhất vẫn là hương thơm Tám xoan của bữa cơm cúng trưa ba mươi Tết hàng năm, ông tâm sự vậy. Cái hương Tám xoan như một phần hồn gửi lại quê ông chưa thể tìm thấy ở mấy chục loại gạo và hơn chục quốc gia ông đã từng ăn ở nửa thế kỷ qua. Và bây giờ mũi đã thấy thơm thơm mùi đất, ông lại càng day dứt khôn nguôi nhớ đến Tám xoan và ước gì tìm lại rồi trút hơi thở nhẹ cũng hể hả, mát dạ mát lòng! Kỳ này anh giúp tôi được thoả ước chứ? Anh bạn tôi nhận lời một cách biết điều và thầm nghĩ “chuyện muỗi”. Nhưng dẫu sao vẫn cứ lo lo! Lo bởi ông là một nhà nghiên cứu khoa học, biết “đào” đâu ra Tám xoan xịn như ông đặc tả. Nhờ quen thân với mấy bạn vùng sản xuất Tám xoan nên anh cũng mua được gạo. Mâm cơm cúng 30 Tết năm ấy có nồi cơm Tám, bát thịt đông, dưa hành và đĩa cá thu kho nước mắm chắt toả hương, hoà quyện mùi hương trầm lan toả, ấm áp trong lời khấn vái thiêng liêng kinh cẩn trước bàn thờ như khi mờ, khi tỏ, như trong thời khắc âm dương chả còn cách biệt trong niềm vui sum họp. Ông chả ăn được là bao nhưng vui lắm. Cứ nhìn nếp nhăn giãn ra, ánh mắt sáng lên thì cả nhà đều mừng. Còn anh thầm nghĩ: Thật bõ công sắm sửa! Chờ xong bữa. Ông nâng chén trà nóng nhấm nháp anh mới ướm hỏi: Giờ thì ông đã thoả nguyện? Anh khẽ ngẩng lên chờ một lời khen. Ông chú đưa mắt nhìn ra ngoài sân, mưa xuân đang rây bụi nhưng hình như ông nhìn xa xăm lắm và ôn tồn, thủng thẳng:- Cám ơn anh đã giúp tôi tìm lại quý vật, nói đúng hơn là một phần hồn mà tôi tưởng chừng không còn cơ hội. Nhưng dẫu sao tôi cũng phải tâm tình cho cạn nhẽ. Công bằng mà nói cơm Tám xoan bây giờ không ngon bằng ngày trước.
            Anh có hiểu: Lúa thước hai khoai thước mốt? Do thân cao nhưng mềm, rễ ăn sâu, cấy trước gặt sau tất cả các loại lúa nên phải cấy thưa, thời kỳ sinh thực còn phải móc thêm đất vộ gốc chống đổ, cũng do khi trỗ muộn chỉ còn mình lúa Tám nên gió và côn trùng không thể lai phấn, vì vậy Tám chung thuỷ bao đời nay vẫn là Tám chứ không xuống bảy, lên mười. Quan trọng nhất là Tám cấy thưa, quang hợp đẫy nắng, đẫy gió và được bón lót bởi xác tôm cua cá ốc chết nóng, phân xanh, phân chuồng và đặc biệt di dưỡng, bồi bổ bằng dòng phù sa mầu mỡ nên lúa khoẻ vàng thân, vàng lá, sẫm hạt chứ không dùng phân đạm, thuốc sâu, thuốc bệnh, thuốc diệt cỏ…như bây giờ. Nếu có chút sâu hay cào cào thì đã có các thiên địch là các vệ sỹ đồng ruộng như ếch nhái, rắn cá, chim chóc săn sóc chu đáo rồi. Do vậy mà tám xoan cứ tự nhiên mà tích góp hương đất, hương trời rồi lặng lẽ thơm thảo dâng người đến hết lòng hết dạ.
            Thứ nữa, ngày trước lúa Tám như một thứ sa xỉ nên “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, người ta chỉ thu khi lúa đã chín tới tám phần chứ không thu già. Năng suất thấp đấy, nhưng hương thơm vừa ở đỉnh điểm, hạt gạo trắng xanh ăn ngọt và mềm. Khi phơi, không phơi sân nề nắng rát mà thường phơi bằng sân đất, trên chiếu cói nắng vừa. Bởi vỏ trấu mỏng, lớp màng gạo càng mỏng, chỉ cần hanh hao của gió, cái nắng vàng như mật ong tráng là đủ nhiệt cho hạt thóc lim dim trở mình dăm nắng là ngủ say đem cất vào chum, hòm chờ ngày hoá thân. Làm được thế mới giữ được cái hương, cái hồn của tám lặn vào, ủ trong phôi, nhũ của gạo. Khi xay giã phải cầu kỳ hoàn toàn thủ công bằng cối xay tre, cối giã gỗ. Tôi nghe nói, bây giờ người ta cũng dùng cối gỗ, nhưng lại lắp mô tơ điện. Làm thế khác nào quả lô máy xát, nó sẽ sinh nhiệt cho gạo nóng lên, om óc, gam thịt thế là cái linh, cái hương quý sẽ thoát vị theo cái ứng xử tuỳ tiện mà bay đi. Còn điều này nữa không biết nên vui hay buồn. Nông dân thời @ sướng thật. Nhà nào cũng nhiều đồ điện, nhưng hạt Tám xoan nấu với nước giếng khoan trong nồi cơm điện thì còn tệ hơn thổi nồi đồng điếu đem chan nước cà.
            Hạt Tám xoan ngon nhất là nấu trong niêu đất, đổ nước rua cau ở chum và không thổi đầy nồi, trước khi nấu nếu nồi mới phải nấu cháo cám của Tám để chiết cho nhuần. Vừa ráo nước là âm vào tro nóng, cơm vừa chín tới là bắt ra thưởng thức. Hết Tết rồi mà cái nồi vẫn thơm dài dài khi ta nấu sang gạo khác.
            Ông còn kể: Bà nội ông thọ ngót chín mươi. Do bệnh trầm không thể ăn được thứ gì, thế mà chỉ thóc Tám rang, nấu nước, đổ từng thìa đã giúp cụ cầm cự được tròn hai tháng mới quy tiên thế mới lạ. Hồi ấy chưa có dầu thơm, hầu hết trẻ con đều được nấu nước lá tám để tắm cho sạch rôm sảy. Lá Tám xoan còn được hơ qua lửa nấu nước uống để giải cảm, lợi tiểu. Vua chơi lan, quan chơi trà. Cây địa lan kén đất, kén người trồng đến vậy, thế mà cứ đất nào trồng được Tám xoan là đất ấy trồng được địa lan quý sẽ cho bệ bền, tỏi mẩy, đẹp lá, ngồng mập, hoa tươi, hương quý phái huyền ảo. Rồi cả đến rơm, rạ cũng được nhà nhà cất dành cho những ngày đông trải ổ.  No cơm tấm, ấm ổ rơm. Sau bữa cơm quây quần trong ổ rơm là có thể lăn đùng ra để hương tám đưa vào giấc nồng mặc ngoài kia mưa phùn gió bấc, với tôi nó còn thơm, còn êm, còn ấm đến tận bây giờ…
            Thế đấy! Tôi chưng hửng! Bao giờ cho đến ngày xưa! Bấy lâu tôi cứ tự xưng là canh điền xịn quê tổ Tám xoan Hải Hậu. Giờ, nghe cụ già xa quê đã nửa thế kỷ lý giải ở tuổi gần đất xa trời về hương Tám xoan mà bấy lâu đã nặng lòng mới sáng ra nhiều điều. Phàm cái gì hiếm quý đều rất mỏng manh dễ mất. Không giữ được hồn Tám xoan người Hải Hậu sẽ có lỗi với tiền nhân./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét