Thao diễn nghề chằm nón lá ở Huế
Nằm bên dòng sông Như Ý, làng Tây Hồ, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang (Thừa
Thiên - Huế) từ lâu nổi tiếng với nghề chằm nón lá truyền thống. Nhiều
người cho rằng nghề chằm nón đã hình thành phải đến hàng trăm năm nay,
và nón bài thơ - một nét đặc trưng của Huế cũng xuất phát từ làng nón
Tây Hồ.
Quê hương của nón bài thơ
Vùng đất này xưa kia nổi danh có nhiều cô gái xinh đẹp,
làm say đắm bao chàng trai trong vùng. Con gái làng Tây Hồ chừng mười
tuổi thì đã tự học chằm nón và có người suốt đời chỉ theo nghề chằm nón.
Còn đàn ông ngoài việc đồng áng, họ cũng thường giúp một tay ủi lá hay
chẻ tre làm vành.
Thời kháng chiến, làng Tây Hồ là một căn cứ địa cách
mạng vững chắc của quân dân ta. Người dân Tây Hồ bám đất, bám làng mà
sống; đàn ông thanh niên theo cách mạng, các chị các mẹ chằm nón, làm
ruộng, vừa đảm bảo cuộc sống vừa có lương thực nuôi bộ đội.
Người dân Tây Hồ luôn tự hào quê mình là nơi xuất xứ
của nón bài thơ xứ Huế. Chiếc nón bài thơ ra đời ở Tây Hồ như một sự
tình cờ. Đó là vào khoảng năm 1959-1960, ông Bùi Quang Bặc - một nghệ
nhân chằm nón lá, cũng là một người yêu thơ phú trong làng đã có sáng
kiến làm nên nón bài thơ, bằng cách ép những câu thơ vào giữa hai lớp
lá, tôn vinh thêm vẻ đẹp của chiếc nón.
Lúc đó, nón lá ở Huế chủ yếu bán vào thị trường ở các
tỉnh phía Nam, nên hai câu thơ đầu tiên được ông Bặc ép vào chiếc nón
là: “Ai ra xứ Huế mộng mơ / Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”.
Ban đầu, nón bài thơ được người dân Tây Hồ làm để tặng
người thân, không ngờ lại được mọi người yêu thích. Từ đó, những người
làm nón ở Tây Hồ bắt đầu làm nón bài thơ hàng loạt, đưa ra bán ở thị
trường. Những câu thơ được ép vào nón cũng đa dạng và phong phú hơn,
thường là những câu thơ về Huế.
Để làm đẹp cho nón, họ còn ép thêm tranh về sông Hương,
núi Ngự cạnh bài thơ. Trải qua một thời gian khá dài, chiếc nón bài thơ
là sản phẩm độc quyền của làng nón Tây Hồ. Rồi theo lẽ thường tình,
những cô gái làng Tây Hồ đi lấy chồng về các miền quê khác, họ mang theo
nghề nón lá truyền thống của mình, và nghề làm nón bài thơ được lan
truyền rộng rãi khắp các miền quê.
Sau này, nón bài thơ đã trở thành một nét đặc trưng của
xứ Huế. Ông Bùi Quang Bặc hiện đã về sống tại Nha Trang, nhưng khi
chúng tôi hỏi về xuất xứ của nón bài thơ, thì ai cũng biết ông và coi
ông như ông tổ đã làm nên nón bài thơ xứ Huế.
Lưu giữ nghề truyền thống
Đối với người dân Tây Hồ, chằm nón là nghề sống còn, dù
nghề này không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi ngày công
người chằm nón từ 30-40 ngàn đồng, nhưng nghề này đã giải quyết được một
lượng lớn lao động địa phương, nhất là những tháng nông nhàn.
Nhiều người nhờ chằm nón kết hợp với làm ruộng mà cuộc
sống ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học. Chị Võ Thị Trang biết chằm
nón từ năm 14 tuổi, nay đã hơn 30 năm gắn bó với nghề cho biết, nghề
chằm nón tuy không giàu, nhưng có đồng vô đồng ra.
Chồng chị Trang mất hơn mười năm nay, để lại 4 người
con, nhờ nghề chằm nón, chị đã nuôi con ăn học nên người. Đứa con gái út
của chị mới 15 tuổi, nhưng đã là một thợ chằm nón lành nghề. Bình quân
mỗi ngày gia đình chị Trang chằm từ 7-8 chiếc nón, trừ chi phí tre, lá
còn lãi được 50-60 ngàn đồng.
Hiện làng Tây Hồ có hơn 300 hộ gia đình sinh sống, thì
gần 90% hộ gia đình làm nghề chằm nón lá. Những người thợ chằm nón ở Tây
Hồ nổi tiếng với đôi bàn tay khéo léo, chiếc nón làm ra được mọi người
yêu thích. Nón lá Tây Hồ có 3 loại: nón thường, nón lá kè và nón bài
thơ.
Không riêng gì gia đình chị Trang, biết bao gia đình ở
Tây Hồ nhờ nghề chằm nón mà ổn định cuộc sống. Nón lá sau khi chằm xong
được đem ra bán ở chợ nón Dạ Lê, xã Thủy Vân (Hương Thủy), một số mang
về chợ An Cựu, Đông Ba. Rồi từ đây, nón lá được mang đi làm quà trên
khắp mọi miền đất nước.
Nón thường hiện giá từ 10-15 ngàn đồng/chiếc, nón bài
thơ từ 15-20 ngàn đồng/chiếc. Trước, nón bài thơ rất thịnh hành, người
dân Tây Hồ làm không kịp bán, các con buôn thường về tận làng để đặt
hàng.
Chúng tôi đến nhà bác Dương Thị Hường khi mọi người
đang say sưa với những đường kim, luồn qua từng kẽ lá. Bác Hường cho
biết, nhiều gia đình ở đây sống sung túc nhờ nghề chằm nón. Còn con gái
Tây Hồ nổi tiếng đẹp, là nhờ “ngồi trong râm trong mát, nên da trắng,
tóc dài”.
Còn mệ Dương Thị Bề, đã ngoài 80 tuổi, miệng bỏm bẻm
nhai trầu, vẫn nhớ những ngày chằm nón nuôi con theo cách mạng. Bây giờ
mệ Bề là Mẹ Việt Nam anh hùng, có chồng và 4 con là liệt sĩ. Tuổi đã
cao, nhưng ngày ngày mệ vẫn ngồi xem và truyền nghề cho con cháu.
Ngày nay, biết bao làng nghề truyền thống đang bị mai
một, nhưng nghề chằm nón lá ở Tây Hồ thì vẫn tồn tại với thời gian, bởi
dân làng yêu thích và muốn lưu giữ nghề mà cha ông mình đã chọn. Tây Hồ
còn là một địa chỉ du lịch của du khách trong và ngoài nước khi đến Huế .
Theo PHAN LÊ - Sài Gòn giải phóng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét